Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Đánh giá nội dung cơ bản về chế định quyền sở hữu và chế định hợp đồng trong luật dân sự La Mã thời cộng hòa hậu kì và thời quân chủ

Bài tập học kỳ Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới - 8 điểm.

Cùng với sự ra đời của Nhà nước La Mã cổ đại, hệ thống pháp luật La Mã cũng được hình thành và phát triển. Đây là hệ thống pháp luật hoàn chỉnh nhất của Nhà nước chiếm hữu nô lệ. Góp phần làm cho bộ luật La Mã hoàn chỉnh, phát triển như vậy phải kể tới phần luật dân sự. Trong bộ luật, phần luật dân sự có những bước tiến đáng kể so với tổng thể chung. Phát triển nhất là chế định về sở hữu và chế định hợp đồng. Như vậy, em xin chọn đề tài “Đánh giá nội dung cơ bản về chế định quyền sở hữu và chế định hợp đồng trong luật dân sự La Mã thời cộng hòa hậu kì và thời quân chủ”.

1. Khái quát về luật La Mã

Luật La Mã ra đời rất sớm vào khoảng thế kỉ VI – IV TCN khi Nhà nước La Mã hình thành. Tuy nhiên, thời kì cộng hòa trở đi là giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất của luật La Mã. Vào thời kì này, lãnh thổ đế quóc La Mã được mở rộng nhất và nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh. Luật La Mã lúc này có những phát triển vượt bậc như: đưa ra nhiều khái niệm chuẩn xác, có tính giá trị pháp lí cao, kĩ thuật lập pháp chuẩn xác, từ ngữ rõ ràng, trong sáng. Thêm đó, bộ luật điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội quan trọng, phổ biến, đặc biệt là quan hệ trọng lĩnh vực dân sự về quyền sở hữu và hợp đồng. 

2. Đánh giá nội dung cơ bản về chế định quyền sở hữu và chế định hợp đồng trong luật dân sự La Mã thời cộng hòa hậu kì và thời quân chủ

2.1. Chế định quyền sở hữu

Chế định quyền sở hữu là chế định duy nhất mà các luật gia La Mã chưa đưa ra được khái niệm chính xác về quyền sở hữu cũng như nội dung quyền sở hữu, nhưng họ đã chỉ ra được những quyền năng cơ bản của chủ sở hữu tài sản. Những quyền năng đó bao gồm: quyền sử dụng tài sản (Ius Utendi) đây là quyền khai thác những lợi ích kinh tế từ tài sản phù hợp với tính năng, tác dụng của tài sản đó; quyền thu nhận thành quả và lợi nhuận (Ius Fruendi) về nguyên tắc chủ sở hữu là người hưởng thành quả và lợi nhuận từ tài sản thuộc sở hữu của mình; quyền định đoạt tài sản (Ius Abutendi) bao gồm định đoạt số phận thực tế cũng như số phận pháp lý của tài sản như bán, thừa kế, ban tặng, thậm chí là hủy bỏ; quyền chiếm hữu tài sản (Ius Possidendi) và quyền đòi lại tài sản (Ius Vicicandi). Về nguyên tắc chung, chủ sở hữu tài sản có toàn quyền đối với tài sản của mình, thực hiện hành vi mà pháp luật không cấm.

Người La Mã căn cứ vào giá trị về mặt pháp lý của tài sản để chia tài sản thành hai loại là Res mancipi (đất đai, nô lệ, động vật - những phương tiện sản xuất chủ yếu của người nông dân) và Res nes mancipi(những tài sản còn lại). Lúc đầu chỉ có công dân La Mã mới được quyền sở hữu ruộng đất còn dân nhập cư và dân ở các địa phương khác không có quyền. Tuy nhiên quyền sở hữu được pháp luật ghi nhận còn thực tế bình dân khác cũng sở hữu ruộng đất.Khác với luật La Mã, ở pháp luật Lưỡng Hà, bộ luật Hammurabi phân loại tài sản căn cứ theo giá trị, khả năng di dời của tài sản nên chia thành hai loại là động sản (nô lệ, gia súc..) và bất động sản (đất đai, nhà ở…). Nhưng có điểm giống nhau giữa hai bộ luật là họ đều coi trọng loại tài sản là đất đai (bất động sản), điều này có thể giải thích được bởi trong xã hội cổ đại, đất đai chủ yếu là loại tư liệu sản xuất quan trọng nhất và cũng là loại tài sản có giá trị lớn nhất. Cần lưu ý rằng, không phải tài sản nào cũng là đối tượng của quyền sở hữu, và không phải tài sản nào cũng được chiếm giữ, “ lưu thông” đó là tài sản chung như nước chảy trên sông, không khí là của tất cả mọi người, đồ cấm như thuốc độc, sách cấm, tài sản nhà nước..

Quyền sở hữu tài sản ở La Mã không phải quyền tài sản duy nhất và tuyệt đối. Ngoài quyền sở hữu còn tồn tại quyền đối với tài sản của người khác: 

+ Pháp luật La Mã cho phép vì những nhu cầu sở hữu của cư dân ở các địa bàn khác nhau mà người ta có thể xâm hại đến quyền tài sản của người khác. Ví dụ: do yêu cầu canh tác ở nông thôn và sử dụng nước ở thành phố, người ta có thể dẫn nước qua ruộng người khác hoặc đặt ống nước qua sân hàng xóm.

+ Pháp luật La Mã quy định về quyền chiếm hữu tài sản. Đó là quyền khai thác lợi ích vật chất và tinh thần từ tài sản của người khác trao cho mình chiếm giữ và ý muốn thực hiện quyền đó. Chiếm hữu thực tế là căn cứ phát sinh chế định quyền sở hữu. Chiếm hữu và quyền sở hữu có mối quan hệ hữu cơ với nhau, đôi khi người ta đồng nghĩa chiếm hữu với quyền sở hữu. Tuy nhiên, các nhà làm luật La Mã cổ đại đã tách biệt chiếm hữu khỏi quyền sở hữu phân biệt làm hai phạm trù khác nhau có thể thuộc cùng một chủ thể, cũng có thể thuộc các chủ thể khác nhau. Đến pháp luật tư sản mới xem chiếm hữu là một phần nội dung của quyền sở hữu.

Người La Mã phân chia quyền chiếm hữu tài sản thành:

- Quyền chiếm hữu tài sản hợp pháp: quyền này ở bất kì thời điểm nào có tranh chấp xảy ra luôn được pháp luật bảo vệ, chỉ phát sinh khi có hai căn cứ pháp lí: bao giờ cũng phải được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản hợp pháp và phải phát sinh thông qua một hợp đồng dân sự.

- Quyền chiếm hữu tài sản bất hợp pháp, bao gồm: Chiếm hữu tài sản bất hợp pháp nhưng ngay thẳng: người chiếm hữu họ không biết việc chiếm hữu bất hợp pháp (Ví dụ một người nào đó đã có tài sản từ một người không phải chủ sở hữu tài sản nhưng làm như là chủ sở hữu). Và chiếm hữu tài sản bất hợp pháp nhưng không ngay thẳng (kẻ chiếm hữu này có thể là kẻ ăn cắp-kẻ biết bản thân không phải chủ sở hữu tài sản nhưng vẫn làm như chủ sở hữu). Chiếm hữu này sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.

Việc phân biệt chiếm hữu ngay thẳng hay chiếm hữu bất hợp pháp không ngay thẳng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu cũng như xác lập quyền sở hữu.

Đánh giá chung: Mặc dù chưa đưa ra được khái niệm chung nhất về quyền sở hữu tài sản song nhưng nhà làm luật La Mã đã xây dựng tương đối đầy đủ nhưng quyền năng của chủ sở hữu hợp pháp, đặc biệt là những quy định về quyền chiếm hữu tài sản đã trở thành căn cứ pháp lí quan trọng để chủ sở hữu tài sản khi có tài sản bị xâm hại có cơ sở để bảo vệ quyền tài sản của mình và người xét xử có cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền của chủ sở hữu tài sản hợp pháp. Chế định về quyền sở hữu tài sản đã thể hiện kỹ thuật lập pháp tiến bộ của nhà nước La Mã cổ đại, làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện khái niệm, nội dung quyền sở hữu - vấn đề có ý nghĩa quan trọng của pháp luật dân sự trong hệ thống pháp luật đương đại.

2.2. Chế định hợp đồng

Chế định hợp đồng có thể coi là phát triển nhất trong luật La Mã. Khái niệm hợp đồng: là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của hai hay nhiều bên là phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ. Hợp đồng thể hiện ý chí của ít nhất hai bên tham gia hợp đồng.

Theo tinh thần của luật La Mã, hợp đồng có hiệu lực phải thỏa mãn hai điều kiện. Một là hợp đồng phải do sự thỏa thuận giữa hai bên, không được lừa dối, không được dùng vũ lực. Đây là điều kiện tiên quyết của hợp đồng, là sự thống nhất ý chí của các bên khi tham gia hợp đồng. Ví dụ trong hợp đồng vay, bên đi vay đưa ra đề nghị và điều kiện để được cho vay, nếu bên cho vay thấy hợp lí thì sẽ kí kết hợp đồng. Như vậy điều kiện đầu tiên này thể hiện nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng, là cơ sở cho các bản hợp đồng sau này áp dụng. Hai là nội dung hợp đồng phải hợp pháp và phải được xác định. Nội dung hợp đồng phải được xác định cụ thể, chỉ rõ đối tượng (đối tượng của hợp đồng là vật tự do lưu thông), các điều khoản của hợp đồng không trái với quy định của pháp luật (ví dụ - hợp đồng vay nặng lãi) và không tái với đạo đức (thóa thuận ràng buộc một người không được lập gia đình. Hợp đồng không được trái với quy định của pháp luật, nếu bất hợp pháp thì nó sẽ bị vô hiệu ví dụ như hợp đồng cưỡng ép hôn nhân. Bên cạnh đó, nếu nghĩa vụ trong hợp đồng không thực hiện được thì hợp đồng đó vô hiệu. Khác với bộ luật Hammurabi của Lưỡng Hà cổ đại chỉ đặt điều kiện hợp đồng có hiệu lực ở hợp đồng mua bán, ta có thể thấy rằng phạm vi quy định về chế định hợp đồng của luật La Mã rất rộng và sâu, thể hiện sự tự do, tự nguyện của các bên tham gia hợp đồng. Các quy định trên chứng tỏ giá trị thực tiễn của bộ luật và thể hiện kỹ thuật lập pháp tiến bộ của luật La Mã.
Ở La Mã cổ đại, quá trình ký kết hợp đồng không giống nhau và hoàn toàn phụ thuộc vào nội dung của từng hợp đồng. Hình thức hợp đồng có thể dưới dạng câu hỏi như “ Liệu anh có hứa với ta trả cho ta từng này hay không?”. Sau câu trả lời tương ứng từ phía người vay, hợp đồng xem như đã được ký kết. Luật La Mã không cho phép ký hợp đồng qua đại diện, tính chất cá nhân trong quan hệ pháp lý được xem trọng. Ở Lưỡng Hà cổ đại không như vậy, bộ luật Hammurabi quy định chế định hợp đồng thiên về hình thức, hợp đồng thể hiện bằng văn bản và cần có người đại diện.

Trong thực tiễn xét xử, các luật gia La Mã đã phân hợp đồng thành hai loại: Một là hợp đồng thực tại: nghĩa vụ thực hiện và trách nhiệm nảy sinh từ thời điểm trao vật. Trong hợp đồng thực tại có hợp đồng bảo quản và hợp đồng vay mượn. Đối với hợp đồng bảo quản, thời điểm phát sinh trách nhiệm kể từ khi nhận được vật. Trong hợp đồng cho vay, người vay phải trả lại vật tương tự. Trong hợp đồng cho mượn, người mượn phải trả chính vật được mượn. Hai là hợp đồng thỏa thuận, gồm nhiều hình thức quan hệ pháp lý như mua bán, thuê mướn sức lao động, thuê súc vật, thuê nhà ở, lĩnh canh ruộng đất…Thời điểm phát sinh nghĩa vụ của loại hợp đồng này bắt đầu ngay sau khi ký hợp đồng, chứ không đợi đến sau khi trao vật. Có thế thấy, việc phân loại hợp đồng La Mã giúp xác định chuẩn xác về trách nhiệm và nghĩa vụ các bên tham gia khi một trong các bên có lỗi.

Khi một trong các bên tham gia sau khi ký kết đã không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình thì phát sinh sự vi phạm hợp đồng: hợp đồng vẫn có hiệu lực thì các bên vẫn phải thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ còn lại của hợp đồng. Bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra, luật La Mã quy định là xuất hiện trái vụ. Về trái vụ, luật gia Paven viết: “ bản chất của trái vụ là bắt buộc phải có nghĩa vụ với chúng ta, bắt người đó phải trao cho, làm một cái gì đó”. Trong trái vụ, bên vi phạm vì không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã vi phạm hợp đồng gọi là thụ trái, những người bị thiệt hại bởi bên vi phạm gọi là trái chủ. Trách nhiệm bồi thường của thụ trái đối với trái chủ mỗi thời kì không giống nhau: thời cổ đại trách nhiệm đó được thực hiện hoàn toàn theo ý thức chủ quan của trái chủ kể cả trái chủ có bán thụ trái, thậm chí thụ trái có bị giết thì trái chủ vẫn không bị coi là vi phạm pháp luật. Nhưng đến thời quân chủ thì tất cả các hành vi trên đều bị cấm. Theo nguyên tắc chung, hợp đồng bị hủy bỏ nếu có sự nhất trí của hai bên. Nhưng trên thực tế, trái vụ có thể bị đình chỉ khi có một trong các điều kiện sau: hai bên thỏa thuận chuyển khoản nợ cũ sang trái vụ mới, người chủ nợ từ chối quyền đòi hỏi của mình, hết thời hiệu đưa đơn kiện (theo quy định của tòa án), người mắc nợ gặp phải thiên tai địch họa không thể cưỡng lại được.

Quy định về trái vụ là một điểm tiến bộ của chế định hợp đồng trong luật Dân sự La Mã cổ đại, điều mà ở bộ luật Hammurabi ở Lưỡng Hà cổ đại chưa có. Các biện pháp đảm bảo hợp đồng được thực thi trên thực tế của luật La Mã là phải có sự bảo lãnh của người trung gian, quy định tiền đặt cọc ( điểm này được pháp luật hiện đại thừa kế).. Ở bộ luật Hammurabi các biện pháp đảm bảo là các chế tài hình sự và phạt tiền. Điều này đã cho thấy kỹ thuật lập pháp rất tiến bộ của pháp luật La Mã, chế định hợp đồng đã đạt tới sự phát triển rất cao.

Kết thúc vấn đề

Luật La Mã là bộ luật phát triển nhất của Nhà nước chiếm hữu nô lệ La Mã trong thời cộng hòa hậu kì và thời quân chủ. Nổi bật trong bộ luật này đó là chế định về quyền sở hữu và chế định hợp đồng. Các nhà làm luật La Mã đã dự lệu được những vấn đề quan trọng về sỏ hữu tài sản và hợp đồng để đưa vào trong bộ luật. Chúng có ý nghĩa rất lớn, giúp cho các nhà làm luật sau này áp dụng đưa vào trong các bộ luật hiện hành.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

• Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2013;

• Giáo trình luật La Mã, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2003.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét