Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật thế giới - 8 điểm.
Bất cứ một nhà nước nào muốn hình thành cũng phải có những cơ sở nền tảng nhất định, và các nhà nước khác nhau, hình thành vào thời gian khác nhau trên những lãnh thổ khác nhau thì cũng có cơ sở hình thành và phát triển là khác nhau. Tuy nhiên sự khác biệt ở đây không phải là khác biệt hoàn toàn, mà vẫn có những điểm tương đồng nhất định. Xem xét cơ sở hình thành các nhà nước ở phương Đông và phương Tây thời kỳ cổ đại chúng ta sẽ thấy rõ điều đó, và để tìm hiểu rõ hơn và có những tri thức đúng đắn về vấn đề này nên em đã lựa chon đề tài: “So sánh cơ sở hình thành và phát triển của nhà nước và pháp luật ở phương Đông và phương Tây thời kỳ cổ đại”.
NỘI DUNG
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN
1. Khái niệm nhà nước.
“Nhà nước là bộ máy quyền lực đặc biệt, được tổ chức chặt chẽ để thực thi chủ quyền quốc gia, tổ chức quản lý xã hội bằng pháp luật, phục vụ lợi ích giai cấp, lợi ích xã hội và thực thi các cam kết quốc tế”.
2. Khái niệm pháp luật.
“Pháp luật là hệ thống các quy tắc sử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo mục tiêu định hướng cụ thể”.
II. SO SÁNH CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT CỦA PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY THỜI CỔ ĐẠI.
1. Những điểm tương đồng.
Sự hình thành và phát triển của nhà nước và pháp luật ở phương đông và phương Tây đều tuân theo một quy luật nhất định. Đó là do sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, đã tạo ra một lượng của cải vô cùng lớn cho xã hội, và kéo theo đó là hàng loạt những biến đổi. Khi kim loại xuất hiện đã mở ra một thời đại kim khí, từ đây năng xuất lao động có bước phát triển nhảy vọt. Những công cụ bằng kim loại (nhất là công cụ bằng sắt) cùng với kinh nghiệm của con người tích lũy được, đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt trong nghề trồng trọt và nghề thủ công. Trồng trọt phát triển đã thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo, do vậy dẫn đến sự phân công lao động lần thứ nhất: nghề trồng trọt và nghề chăn nuôi tách rời nhau, có những bộ lạc chuyên về chăn nuôi, và có những bộ lạc chuyên về trồng trọt. Các nghề thủ công phát triển mạnh, dẫn đến những nhóm người chuyên làm nghề thủ công. Từ đó nghề thủ công tách khỏi nông nghiệp. Đây là lần phân công lao động lần thứ hai. Sự chuyên môn hóa của các nghành sản xuất làm xuất hiện và phát triển việc trao đổi sản phẩm giữa các bộ lạc, giữa các vùng từ Bắc Phi sang Châu Á, từ phương Đông sang Phương Tây, ngay trong một công xã, người nông dân và thợ thủ công cũng trao đổi sản phẩm với nhau, sự phát triển đó đã dẫn tới những hệ quả vô cùng quan trọng:
- Sự xuất hiện của tư hữu.
Năng xuất lao động được nâng cao, làm cho sản phẩm xã hội tăng nhanh, ngoài phần tiêu dùng hàng ngày, con người đã có của cải dư thừa để dành, phân hóa giàu ngèo đã xuất hiện: trong cộng đồng những người có địa vị dã chiếm được nhiều của cải dư thừa của tập thể. Do sự phát triển của sức sản xuất, đại gia đình phu quyền được phân thành nhiều gia đình nhỏ, bao gồm vợ chồng và con cái, mỗi gia đình nhỏ ấy là một đơn vị kinh tế có tài sản riêng, những tài sản ấy được truyền lại cho con cái từ đời này qua đời khác, củng cố thêm chế độ tư hữu. Của cải và tù binh trong chiến tranh cũng là một nguồn tài sản quan trọng bị những người có địa vị trong bộ lạc thắng trận chiếm đoạt thành của riêng mình.
- Công xã nôg thôn xuất hiện thay thế cho công xã thị tộc phụ hệ đang dần dần tan rã.
Sự phân hóa tài sản và địa vị giàu nghèo trong xã hội đã dẫn đến tình trạng những người giàu có muốn từ bỏ bà con thân thuộc túng thiếu, vì nghĩa vụ giúp đỡ anh em họ hàng theo phong tục cổ truyền đã gây trở ngại cho việc tích lũy của cải của gia đình họ. Còn nhiều người vì nghèo khó phải đi nơi khác sinh sống. Một hình thức tổ chức cộng đồng mới xuất hiện. Cộng đồng công xã láng giềng bao gồm công xã nông thôn trong cư dân nông nghiệp, và công xã du mục trong công dân chăn nuôi. Quá trình phát triển của chế độ tư hữu tất yếu dẫn đến việc hình thành các tập đoàn người trong xã hội có địa vị kinh tế khác hẳn nhau.
Những tập đoàn đó là các giai cấp chủ nô, bình dân và nô lệ. Mâu thuẫn giai cấp đối kháng nảy sinh, dần dần phát triển tới mức độ không thể điều hòa được. Các hình thức tổ chức trong xã hội nguyên thủy không thể giải quyết được thực trạng đó, và nó không còn phù hợp để tồn tại giai cấp giàu có cần phải có một tổ chức mới để củng cố và tăng cường địa vị của mình. So với tổ chức của công xã nguyên thủy, tổ chức này không những có sự phát triển vượt bậc về lượng mà cái quan trọng hơn, là sự thay đổi hẳn về chất. Đó là bộ máy bạo lực, gồm bộ máy quan chức hành chính, tòa án , nhà tù, quân đội, cảnh sát…để đàn áp những người lao động. Tổ chức mới này là nhà nước, khi nhà nước ra đời để có thể tồ tại và phát triển được thì ngoài hệ thống cảnh sát, quân đội, nhà tù…thì pháp luật là một công cụ không thể thiếu được và với nhu cầu đó thì pháp luật cũng đã kế tiếp ra đời.
2. Những điểm khác biệt.
Cơ sở hình thành và phát triển của phương Đông và phương Tây tuy có rất nhiều điểm tương đồng , nhưng những điểm khác biệt cũng được thể hiện rất rõ ràng. Sau đây em sẽ chỉ ra những khác biệt cơ bản nhất dựa trên nền tảng là cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội và cơ sở tư tưởng.
a. Cơ sở kinh tế.
• Phương Đông.
Các nhà nước ở phương Đông thường được hình thành ở lưu vực các con sông lớn. Điều kiện tự nhiên đã chứa đựng sẵn trong đó hai mặt đối lập; ưu đãi và thử thách. Nên bất cứ một cộng đồng nào ở đây cũng phải tiến hành công cuộc trị thủy và thủy lợi, mà việc trị thủy phải cần rất đông người tham gia, và cần phải có một tổ chức đứng ra lãnh đạo họ thực hiện. Điều kiện tự nhiên quyết định cơ cấu kinh tế, vì những thuận lợi về tự nhiên đó mà nền kinh tế nông nghiệp ra đời rất sớm, và thủ công nghiệp và thương nghiệp cũng ra đời sớm, nhưng trong đó thì nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Nền kinh tế mang tính chất manh mún, tự cung tự cấp.
Chế độ sở hữu công chiếm ưu thế. Sở hữu nhà nước chỉ mang tính hình thức, còn chủ yếu vẫn do sở hữu của các công xã nông thôn. Bên cạnh đó vẫn có sở hữu tư, nhưng chỉ chiếm số lượng nhỏ và nó không ảnh hưởng đến sở hữu công của nhà nước.
Quan hệ bóc lột kinh tế diễn ra chủ yếu giữa nhà nước với nông dân công xã, hình thức bóc lột chủ yếu thông qua lao dịch, cống nạp, vì vậy quan hệ bóc lột mang tính chất gián tiếp, cho nên mâu thuẫn giữa các giai cấp trong xã hội không diễn ra quá gay gắt.
• Phương Tây.
Có những đồng bằng nhỏ hẹp, có đường bờ biển dài, nhiều vũng vịnh có thể xây dựng hải cảng, tài nguyên thiên nhiên phong phú đa dạng, có điều kiện để phát triển cả ba loại hình kinh tế nông – công – thương nghiệp.
Chế độ sở hữu: tư hữu phát triển mạnh, tư hữu về tư liệu sản xuất (công xưởng, hầm mỏ, hệ thống ngân hàng..)
b. Cơ sở xã hội.
• Phương Đông.
Khi nhà nước mới ra đời thì chưa phân thành các giai cấp mà mới chỉ phân thành các tầng lớp mà thôi. Có ba tầng lớp: tầng lớp quý tộc – nông dân công xã – tầng lớp nô tì, nô lệ.
Trong giai cấp chủ nô (quý tộc): chủ nô nông nghiệp luôn chiếm ưu thế. Về sau chủ nô công thương nghiệp xuất hiện nhưng rất ít, không có được sức mạnh bằng chủ nô nông nghiệp. Vì vậy không có sự mâu thuẫn gay gắt trong giai cấp chủ nô.
Giữa các giai cấp với nhau cũng không có sự mâu thuẫn quá gay gắt. Quan hệ giữa chủ nô và nông dân công xã là sự bóc lột gián tiếp, bóc lột mang tính chất tập thể thông qua lao dịch cống nạp. Quan hệ giữa chủ nô và nô lệ, nô tì thì ở phương Đông tầng lớp nô lệ, nô tì không phải là tầng lớp lao động chính, mà chỉ phục vụ chủ yếu trong gia đình, mang tính chất gia trưởng nhiều hơn, và mâu thuẫn giữa hai tầng lớp này cũng không quá gay gắt.
• Phương Tây.
Khác biệt hoàn toàn với phương Đông, ở phương Tây đã phân thành ba Giai cấp rõ rệt là: Giai cấp chủ nô, giai cấp bình dân và giai cấp nô lệ.
Trong nội bộ giai cấp chủ nô được phân ra làm hai loại: loại thứ nhất là chủ nô nhà nước xuất thân từ tầng lớp quý tộc, thị tộc. Loại thứ hai là chủ nô công thương nghiệp ra đời sau nhưng lại phát triển nhanh chóng. Hai tầng lớp chủ nô này luôn đấu tranh lẫn nhau.
Quan hệ giữa chủ nô và nô lệ: đây là quan hệ cơ bản trong xã hội phương Tây, nô lệ là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, là đội ngũ lao động chính, sự bóc lột của chủ nô đối với nô lệ là bó lột trực tiếp, mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ hết sức gay gắt.
Quan hệ giữa chủ nô và người bình dân: người bình dân (gồm có thợ thủ công, nông dân, kiều dân) chịu nhiều thiệt thòi nên thường xuyên nổ ra các cuộc đấu tranh chống lại chủ nô.
c. Cơ sở tư tưởng
Phương Đông tồn tại tư tưởng thần quyền: Vì thế mà người dân sẵn sàng cam chịu cuộc sống khổ cực, coi đó là mệnh trời, họ không hề có sự phản kháng nào cả, hoặc có thì cũng chỉ nhỏ lẻ, vụn vặt (ở Ai Cập có Pharaông, ở Trung Quốc có thuyết thiên mệnh).
Phương Tây thì lại tồn tại tư tưởng cải cách dân chủ, người dân tích cực đấu tranh gay gắt để đòi các chính sách cho mình, không sẵn sàng cam chịu như người dân ở phương Đông.
KẾT LUẬN
Từ việc xem xét vấn đề chúng ta đã thấy được quá trình hình thành nhà nước đều trải qua những giai đoạn nhất định, đó là sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, dẫn đến kinh tế phát triển và có sự phân công lao động xã hội, và đã xuất hiện của cải dư thừa để dành và chế độ tư hữu, sau đó các giai cấp trong xã hội được hình thành, và mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp không thể điều hòa được lúc đó nhà nước đã ra đời để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội đó là tiến trình chung trong việc ra đời các nhà nước. Tuy nhiên các nhà nước ở phương Đông và phương Tây thời kỳ cổ đại, hình thành vào các thời gian lịch sử khác nhau, và có cơ sở tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau, yếu tố tư tưởng cũng khác nhau, và đó chính là những đặc trưng cơ bản của mỗi khu vực, làm nên sự khác biệt giữa các khu vực như ngày hôm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét