Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Vai trò của đạo Cơ đốc đến văn minh Tây Âu trung đại - Bài tập học kỳ Lịch sử văn minh thế giới - 9 điểm

Ngày nay, văn minh Tây Âu được nhìn nhận là phát triển rực rỡ, đạt được nhiều thành tựu .Trong quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh Tây Âu thì đạo cơ đốc (đạo Kito) có vai trò vô cùng quan trọng. Đạo cơ đốc ảnh hưởng trực tiếp đến nền văn minh Tây Âu trung đại trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, em xim được chọn đề bài: “ Vai trò của đạo Cơ đốc đến văn minh Tây Âu trung đại” làm bài tập lớn.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I.Hoàn cảnh hình thành nền văn minh Tây Âu trung đại:

1.Sự hình thành các quốc gia phong kiến ở Tây Âu:

Việc kinh thành La Mã bị thất thủ vào năm 476 được coi là mốc đánh dấu sự sụp đổ của đế quốc Tây La Mã. Trên đống hoang tàn của đế quốc La Mã, hàng loạt các quốc gia mới ra đời như vương quốc Tây Gốt, Văngđan, Buôcgônhơ, Đông Gốt, Lômbad, Phrăng...Trong các vương quốc mới ra đời đó, sự hình thành và phát triển của vương quốc Phrăng có ảnh hưởng tới lịch sử Tây Âu lớn hơn cả.

Lãnh thổ của vương quốc Phrăng lúc đầu chỉ tương đương miền bắc nước Pháp ngày nay. Nhưng dưới thời của hoàng đế Saclơman, bằng những cuộc chiến tranh để mở rộng lãnh thổ, ông đã làm cho đất đai của quốc gia Phrăng lớn gần tương đương vùng tây của đế quốc La Mã trước kia.

Năm 814 Saclơman chết, con là Louis “mộ đạo” lên kế vị. Năm 840 Louis “mộ đạo” chết thì trong các con của Louis xảy ra sự tranh giành ngôi báu tới mức nội chiến. Cuộc nội chiến đã dẫn tới một hoà ước kí ở Vecđoong năm 843. Theo hoà ước Vecđoong, đế quốc Saclơman bị chia ra làm 3, đó là nước Pháp, Đức, Ý ngày nay.

Còn ở nước Anh ngày nay, từ thế kỉ V đã hình thành nên nhiều tiểu quốc. Tới thế kỉ IX, Ecbe đã thống nhất các nước nhỏ lập nên vương quốc Anh. Tây Ban Nha ra đời trên cơ sở hợp nhất Cxtila và Aragôn, Bồ Đào Nha thì đã được ra đời trước đó.

Các vương quốc mới không đi theo con đường chế độ nô lệ mà đi vào con đường phong kiến hoá.

2. Vai trò của Giáo hội La Mã:

Đạo Cơ đốc (đạo Kitô) ra đời ở Giêrudalem vào khoảng đầu Công nguyên. Ban đầu đạo Kitô là một tôn giáo của những người nghèo khổ. Sau này giới quí tộc ở đế quốc La Mã lợi dụng, đã công nhận đạo Kitô được truyền bá công khai, và các hoàng đế La Mã còn ủng hộ đạo Kitô. Đến thế kỉ IV, ở đế quốc La Mã đã có 5 trung tâm giáo hội.Còn ở phương Tây, từ thế kỉ thứ V đã thành lập nhiều vương quốc của người Giécmanh. Vua và quý tộc các nước này đã nhanh chóng tiếp thu đạo Kito làm cho thế lực của giáo hội La Mã càng thêm mạnh. Trong khi đó, Tổng giám mục La Mã tự xưng là Giáo hoàng. Đẻ thần thánh hoá địa vị của mình, Giáo hoàng loan truyền rằng ngôi Tổng giám mục La Mã vốn do Thánh Pie sáng lập.Do vậy, Giáo hoàng gọi lãnh địa của mình là: “Lãnh địa kế thừa của thánh đồ tông Pie”. Như vậy, đến thời Trung đại, giáo hội La Mã là trung tâm của đạo Kito ở phương Tây. Dựa vào uy quyền tôn giáo, giáo hội La Mã cũng có thế lực rất lớn về kinh tế, chính trị, văn hoá tư tưởng.

II.Ảnh hưởng của đạo Cơ đốc đến văn minh Tây Âu trung đại

1.Về chính trị:

Trong các chế độ bóc lột người, chính quyền của giái cấp thống trị thường sử dụng tôn giáo như một công cụ để áp bức quần chúng lao động. Giáo hội Thiên chúa phương Tây trung cổ không chỉ có thể mà còn có vai trò to lớn vì, Đạo Kito là tôn giáo duy nhất ở châu Âu phong kiến, nên giáo hội độc quyền trong việc thực hiện chức năng trên của tôn giáo. Tây Âuở trong trạng thái phân quyền cát cứ trầm trọng và kéo dài, thế lực phong kiến thế tục bị phân tán, nên thế lực Thiên chúa càng phát triển . Thần quyền được hoà nhập với vương quyền, nhưng không phải vì thế mà thần quyền bị triệt tiêu. Mà sự kết hợp đó tạo nên sức mạnh cấp số nhân của các thế lực áp bức, bóc lột trong xã hội.

2.Về văn hoá, giáo dục, tư tưởng:

Từ thế kỉ V đến thế kỉ X, cùng với sự suy sụp của nền kinh tế, văn hoá Tây Âu thời huy hoàng cũng bị suy giảm, nghèo nàn theo.

Những cuộc xâm nhập của các bộ tộc Giecman cũng đã làm huỷ hoại khá nhiều những di sản của nền văn minh cổ đại ở Tây Âu. Chỉ có nhà thờ và các tu viện của đạo Kitô là không bị xâm phạm. Các vương quốc mới thành lập chưa có đủ điều kiện để chú trọng tới văn hoá, giáo dục. Hơn thế nữa, chế độ phong kiến cát cứ, tản quyền, với nền kinh tế tự cung tự cấp cũng bất lợi cho sự giao lưu văn hoá. Nông nô thì hầu hết là mù chữ. Quí tộc lãnh chúa thì nhiều kẻ cũng không thèm biết chữ. Toàn xã hội không có trường học nào khác ngoài những trường lớp do giáo hội mở để đào tạo giáo sĩ. Do nhiệm vụ của việc giáo dục lúc bấy giờ chỉ đào tạo giái sĩ nên nội dung giảng dạy ở các trường học tôn giáo này chủ yếu là thần học. Ngoài thần học, sinh viên còn được học “bảy môn nghệ thuật tự do” gồm: âm nhạc, thiên văn học, ngữ pháp, tu từ học, logic học, số học, hình học.

Việc giảng dạy cũng bị giáo hội chi phối, quản lí chặt chẽ. Ngôn ngữ dạy trong các trường là chữ Latin. Môn logic học được coi là “đầy tớ của thần học”, cùng với môn tu từ học, dạy người học cách hùng biện để sau này đi truyền đạo. Môn thiên văn học thì lấy học thuyết của Ptôlêmê để giảng dạy, thuyết này coi Trái đất là trung tâm của vũ trụ.Chủ nghĩa khổ hạnh, cấm dục cũng được tuyên truyền rộng rãi.

Như vậy, tình hình văn hoá giáo dục ở Tây âu trong thời thời kì này rất thấp kém và hoàn toàn bị giáo hội Kito lũng loạn. Hơn nữa, một khi trở thành kẻ được bảo tồn một số thành tựu của văn hoá thì giáo hội chỉ giữ lại những gì có lợi cho mình mà thôi, còn những gì trái với giáo lí của đạo Kito đều bị huỷ bỏ hoặc cắt xén. Việc đó càng làm cho nền văn hoá Tây Âu bị suy sụp nghiêm trọng.

Tuy nhiên từ thế kỉ X, nông nghiệp ở Tây Âu đã bắt đầu phát triển. Nông nghiệp phát triển tạo điều kiện cho thủ công nghiệp phát triển, nền kinh tế phát triển. Nhu cầu tri thức của thị dân ngày càng cao, họ đã thấy giá trị của những tài sản vô hình là văn hoá. Trường học của nhà thờ không đáp ứng được nhu cầu về văn hoá đa dạng, thiết thực của tầng lớp thị dân, điều đó đã dẫn tới sự xuất hiện các trường đại học ở Tây Âu vào thế kỉ XII - XIII.

Tiêu biểu cho các trường đại học xuất hiện giai đoạn này là trường Xoocbon, Tuludo, Oocleang, ở Pháp ; Oxford, Cambridge, ở Anh ; Napoli, Palecmơ, ở Ý... Đến cuối thế kỉ XIV, ở Tây Âu đã có tất cả khoảng 40 trường đại học.

Ngôn ngữ sử dụng trong các trường đại học vẫn là tiếng Latin. Phương pháp giảng dạy là giảng thuật. Sinh viên lên lớp nghe giảng, ghi chép và thảo luận. Kết thúc khoá học, sinh viên cũng làm luận văn và bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Các học vị như cử nhân, tiến sĩ cũng được sử dụng trong các trường đại học.

Về mặt tổ chức, các trường thường gồm có hiệu trưởng, khoa trưởng của 4 khoa: Nghệ thuật ( gồm cả văn chương và khoa học ), Thần học, Y học và Luật học.

Ngoài thần học, sinh viên còn được học các môn học khác. Giáo sư là những người thế tục chứ không phải chỉ là các giáo sĩ như trường học của nhà thờ. Như vậy, các trường đại học muốn tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của giáo hội và hoạt động độc lập. Các trường đại học đã trở thành trung tâm văn hoá, khoa học, nơi truyền bá những tư tưởng tiến bộ. Vì vậy sau này, giáo hội lại tìm mọi cách để kiểm soát hoạt động của các trường đại học, loại trừ các giáo sư có tư tưởng chống đối giáo hội và ca ngợi lí trí con người. Đến giữa thế kỉ XVIII, trường đại học Pari bị giáo hội khống chế hoàn toàn. Tuy nhiên Y học và Luật học là những môn thực dụng nên vẫn được duy trì.

Văn học Tây Âu giai đoạn này cũng có những biểu hiện mới. Bên cạnh văn học dân gian và văn học Latin của nhà thờ, thời kì này còn xuất hiện hai dòng văn học mới là: văn học kị sĩ và văn học thành thị.

Văn học kị sĩ thường bắt nguồn từ những câu chuyện lưu truyền trong nhân dân, mà nhân vật trung tâm thường có những tính cách được ca ngợi như thượng võ, trọng danh dự, kính chúa, trung thành với chủ và một tính cách không thể thiếu là tôn sùng người đẹp. Văn học kị sĩ gồm hai thể loại chủ yếu là anh hùng ca và thơ trữ tình. Bản anh hùng ca tiêu biểu thời đó là Bài ca Roland, Bài ca Cid. Tác phẩm Tơrixtăng và Idơ là một tác phẩm ca ngợi tình yêu lãng mạn kiểu kị sĩ.

Văn học thành thị cũng xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp thị dân ngày càng đông đảo và đang lớn mạnh. Từ thế kỉ XII đã xuất hiện nhiều tác phẩm thuộc văn học thành thị mang tính hài hước, đả kích chế độ phong kiến, giáo sĩ, và ca ngợi những người bình dân. Tiêu biểu giai đoạn này là các tác phẩm: Di chúc của con lừa, Thầy lang vườn...

3.Về kiến trúc:

Nền kinh tế hàng hoá ở các thành thị đang lên còn làm thay đổi cả bộ mặt kiến trúc ở các thành thị. Khoảng nửa sau thế kỉ XII đến thế kỉ XIII, phong cách kiến trúc Roman dần dần được thay thế bởi phong cách kiến trúc Gôtích.

Kiến trúc Roman là kiến trúc chịu ảnh hưởng từ những công trình kiến trúc Roma. Kiến trúc Gôtích là kiến trúc của người Gốt.

Buổi đầu thời trung đại, các công trinh kiến trúc Tây Âu đều bị suy giảm, nghèo nàn theo sự suy giảm chung của văn hoá. Đến cuối thế kỉ VIII, kiểu kiến trúc Roman có được khôi phục, nhưng về nghệ thuật thì nó thô kệch, nặng nề chứ không được đẹp như các công trình kiến trúc thời cổ đại. Kiến trúc Roman thời kì này thường được xây bằng đá, cột thấp, tường dày, ít cửa sổ, mặt trước để phẳng, hầu như không có trang trí gì. Bên trong các nhà thờ chỉ được trang trí một số bức tranh tô màu loè loẹt.

Đến nửa sau thế kỉ XII, ở miền Bắc nước Pháp xuất hiện một kiểu kiến trúc mới được gọi là kiến trúc Gôtích. Đặc điểm của kiến trúc Gôtích là vòm cửa nhọn, nóc nhà nhọn, cột cao, tường mỏng, nhiều cửa sổ và được trang trí bằng nhiều loại kính màu. Mặt tiền của các công trình lại được trang trí bằng những bức phù điêu rất sinh động.

Lối kiến trúc này làm tăng thêm vẻ uy nghiêm của tôn giáo nên trước hết được áp dụng xây các giáo đường, ngoài ra phong cách kiến trúc này còn được áp dụng để xây các công sở, dinh thự. Với những tháp chuông cao vút xấp xỉ 100 mét, với tầm cỡ bề thế, lại tinh xảo của toàn bộ công trình, các công trình mang phong cách Gôtích không những thể hiện sự giàu có của tầng lớp thị dân mà còn thể hiện bước tiến của kĩ thuật xây dựng lúc bấy giờ. Do vậy, kiểu kiến trúc Gôtích nhanh chóng ảnh hưởng sang Anh, Đức, Tây Ban Nha và cả Tiệp Khắc. Công trình tiêu biểu cho kiến trúc Gôtích thời đó là nhà thờ Buôcgiơ được xây dựng vào cuối thế kỉ XII và nhà thờ Đức Bà Pari được xây dựng vào thế kỉ XIII ở miền Bắc nước Pháp.

Tóm lại từ thế kỉ XI đến XIII, tuy giáo hooij Thiên chúa vẫn giữ vai trò lũng loạn về tư tưởng nhưng về văn hoá đã đạt được những thành tựu nhất định.

4.Văn hoá Tây Âu thời Phục hưng:

Sang đầu thế kỉ XVI, nền nghệ thuật phục hưng đạt đến đỉnh cao của nó. Những thành tựu tuyệt vời về hội hoạ, điêu khắc gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà danh hoạ như Leonacđô đơ Vanhxi, Mikenlangio, Raphaen. Đặc điểm chung của nghệ thuật hội hoạ thời kì này là tuy đề tài vẫn khai thác trong kinh thánh hoặc thần thoại nhưng nội dung thì hoàn toàn hiện thực. Như danh hoạ Leonacdo đơ Vanhxi với những tác phẩm tiêu biểu như Bữa tiệc cuối cùng, Đức mẹ đồng trinh trong hang đá. Mikenlangio với các tác phẩm tiêu biểu như Sáng tạo thế giới, Cuộc phán xét cuối cùng… Về điêu khắc các bức tượng như Đavit, Thần Vệ nữ…

5.Toà án giáo hội:

Một trong những công cụ đặc biệt và hữu hiệu của giáo hội để bảo vệ giáo lí thiên chúa là Toà án giáo hội.

Từ thế kỉ XII, với uy lực của mình giáo hoàng La Mã và các giáo chủ thường đứng ra với tư cách như một vị quan toà cao nhất để giải quyết nhiều vụ tranh chấp giữa các quốc vương hoặc các lành chúa phong kiến với nhau nhằm từ đó can thiệp sâu vào chính quyền phong kiến. Toà án giáo hội chính thức được thiết lập từ thế kỉ XIII. Các toà án giáo hội được lập ra khắp châu âu khi mà có những vụ viejc làm phương hại đến giáo hội Thiên chúa. Toà án không phụ thuộc vào chính quyền phong kiến nào, mà chỉ dựa vào luật lệ Thiên chúa giáo và ý muốn chủ quan của một quan toà tăng lữ. Rõ rang các toà án giáo hội là hình thức khủng bố công khai, tràn lan, bạo lực, làm cho bầu không khí xã hội thời trung đại càng ngột ngạt đối với cuộc sống nhân dân.

6. Sự ra đời của đạo Tin lành:

Giáo hội Kitô thời hậu kì trung đại,không chỉ chi phối toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội Tây Âu ,mà còn ngăn cản các hoạt động của giai cấp tư sản.Cuộc đấu tranh chống phong kiến đã dẫn đến sự bùng nổ phong trào cải cách tôn giáo. 

Cải cách tôn giáo diễn ra khắp các nước Tây Âu.Đi đầu là Đức,Thụy Sĩ, sau đó lan sang Bỉ,Hà Lan, Pháp,Anh. Nổi bật nhất là cuộc cải cách tôn giáo của Lu-thơ ở Đức và của Canvanh ở Thuỵ Sĩ. Đăc điểm của các nhà cải cách là, không thủ tiêu tôn giáo, muốn quay về giáo lí Kito nguyên thuỷ. Và đòi thủ tiêu vai trò của giáo hội và giáo hoàng, bãi bỏ các thủ tục nghi lễ phiền toái. Cải cách tôn giáo được đông đảo nhân dân ủng hộ nhưng giáo hội đã phản ứng dẫn đến sự phân hóa trong xã hội Tây Âu thành Tân giáo và Cựu giáo.

KẾT BÀI

Nền văn minh Tây Âu trung đại vô cùng rực rỡ, đạt được nhiều thành tựu tuyệt vời thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đạo Cơ đốc là cơ sở và cũng ảnh hưởng trực tiếp tới nền văn minh Tây âu trung đại. dù có giai đoạn đạo Cơ đốc là rào cản tới sự phát triển của nền văn minh Tây Âu nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò to lớn, sâu sắc của đạo Cơ đốc đến nền văn minh Tây Âu trung đại.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Lịch sử văn minh thế giới, nxb Giáo dục Việt Nam, năm 2010
2. Giáo trình Cổ trung đại, chủ biên Đặng Văn Chung.
3. Văn minh phương Tây lịch sử và văn hoá, nxb Từ điển bách khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét