Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Phân tích và bình luận các chế độ tỷ giá hối đoái hiện nay ở Việt Nam - 9 điểm

Bài tập nhóm Quan hệ kinh tế quốc tế.


Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại 3 chế độ tỷ giá hối đoái chính. Mỗi quốc gia lựa chọn cho mình một tỉ giá hối đoái sao cho phù hợp với bối cảnh quốc tế, điều kiện cụ thể của quốc gia và đáp ứng điều chỉnh kinh tế vĩ mô, nhất là với các nước đang thực hiện chuyển đổi cơ vấn đề lựa chọn chế độ tỉ giá hối đoái trở thành vấn đề thực sự  nan giải. Với lí do ấy, nhóm em đã chọn đề tài: “Nêu và phân tích các chế độ tỷ giá hối đoái. Bình luận về chế độ tỷ giá hối đoái hiện nay ở Việt Nam” để hiểu rõ hơn về chế độ tỷ giá hối đoái trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.


NỘI DUNG

I. Khái niệm tỉ giá

Tỷ giá hối đoái (còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ, tỷ giá Forex, tỷ giá FX hoặc Agio) giữa hai tiền tệ là tỷ giá mà tại đó một đồng tiền này sẽ được trao đổi cho một đồng tiền khác. Nó cũng được coi là giá cả đồng tiền của một quốc gia được biểu hiện bởi một tiền tệ khác.

II. Các loại chế độ tỉ giá hối đoái

1. Chế độ tỉ giá thả nổi hoàn toàn

Là chế độ trong đó tỷ giá được  xác định hoàn toàn tự do theo quy luật cung cầu  trên thị trường ngoại hối. Chính phủ hoàn toàn không có bất kỳ tác động cam kết gì về việc điều tiết tỷ giá. Giá của một đồng tiền nội tệ đối với một đồng ngoại tệ được xác định tại điểm mà cung ngang bằng cầu. Khi xuất khẩu tăng hoặc luồng vốn đầu tư nước ngoài tăng sẽ làm tăng cung ngoại tệ, đồng tiền ngoại tệ giảm giá và ngược lại. 

* Ưu điểm: Phản ánh đúng tình hình cung cầu của thị trường ngoại tệ, sự biến động của thị trường. Thị trường ngoại hối minh bạch và hiệu quả hơn; Di chuyển nguồn lực từ nơi có hiệu quả thấp về nơi có hiệu quả cao; Ngân hàng Trung ương chủ động hơn trong việc thực hiện chính sách kinh tế. Đảm bảo tính độc lập của chính sách tiền tệ; Giúp cán cân thanh toán cân bằng: Giả sử một nước nào đó có cán cân vãng lai thâm hụt khiến nội tệ giảm giá. Điều đó thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu cho đến khi cán cân thanh toán trở nên cân bằng; Góp phần ổn định kinh tế, tránh được những cú sốc bất lợi từ bên ngoài, vì khi giá cả nước ngoài tăng sẽ làm cho tỷ giá tự điều chỉnh theo cơ chế PPP để ngăn ngừa các tác động ngoại lai.

* Nhược điểm: Tỷ giá biến động thường xuyên, khó lường gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách kinh tế của Nhà nước và những tính toán của các nhà đầu tư; Hạn chế các hoạt động đầu tư và tín dụng do tâm lý lo sợ sự biến động theo hướng bất lợi của tỷ giá; Tỷ giá phụ thuộc vào dự báo trong tương lai, Chính phủ dự báo không sát với tương lai sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách kinh tế vĩ mô.

Khi mới ra đời, chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn được cho là phương thức hữu hiệu vạn năng cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng, càng thả nổi tỷ giá thì sự phát triển kinh tế càng kém ổn định. Bởi lẽ, biến động của tỷ giá rất phức tạp, chịu tác động của nhiều nhân tố kinh tế, chính trị, tâm lý, xã hội... đặc biệt là nạn đầu cơ. Trên thực tế thì lại không có thị trường thuần tuý nên không thể có một chế độ tỷ giá thả nổi hoàn toàn. 

2. Chế độ tỉ giá cố định

Tỷ giá hối đoái cố định (TGHĐCĐ) là tỷ giá hối đoái mà được giữ cố định trong một thời gian dài với biên độ dao động nhỏ ở mức cho phép. Thông thường, đồng nội tệ sẽ được xác định TGHĐCĐ với một đồng ngoại tệ mạnh (US dollar, EURO, bảng Anh.....) hoặc với vàng và được giữ cố định trong một khoảng thời gian dài.

* Đặc điểm

Tỉ giá hối đoái cố định là do Ngân hàng TW ấn định, nhằm không để tỉ giá đồng  nội tệ và ngoại tệ có sự biến động lớn. Ở Việt Nam đa số giữ cố định để tăng xuất khẩu.

Về cơ bản, những lực cung - cầu vẫn tồn tại trong thị trường ngoại tệ và chi phối số lượng cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Nhà nước cam kết sẽ duy trì tỷ giá hối đoái ở mức độ cố định nào đó bằng cách nếu cung trên thị trường lớn hơn cầu ở mức tỷ gía cố định thì nhà nước đảm bảo mua hết số dư cung ngoại tệ. Nếu cung trên thị trường nhỏ hơn cầu ở mức tỷ gía cố định đó thì nhà nước sẽ đảm bảo cung cấp một lượng ngoại tệ bằng đúng lượng dư cầu. 

Hiện nay có một số chế độ tỷ giá cố định vẫn đang được sử dụng như : chế độ bản vị tiền tệ (Hồng Kông,Brunei), chế độ tỷ giá cố định thông thường, chế độ tỷ giá cố định với biên độ giao động rộng,… 

Chế độ tỷ giá cố định thông thường hiện nay được khá nhiều nước áp dụng (Theo báo cáo của IMF năm 2008 thì Việt Nam cũng đang sử dụng chế độ tỷ giá này.).Theo chế độ tỷ giá này, chính phủ sẽ neo đồng tiền của mình với một hay một rổ các đồng tiền tại một mức tỷ giá cố định, đồng thời cho phép tỷ giá giao động trong biên độ hẹp tối đa là ± 1% xung quanh tỷ giá trung tâm .

* Ưu điểm và nhược điểm của tỷ giá cố định

* Ưu điểm: Giúp ổn định tỷ giá, ôn định kinh tế vĩ mô; Hoạt động kinh doanh và đầu tư nước ngoài được thúc đẩy; Tăng tính hợp tác trong thương mại giữa các quốc gia; Tạo tính kỷ luật cho các chính sách kinh tế vĩ mô.

* Nhược điểm: Tạo ra sự chênh lênh giữa tỷ giá thực và tỷ giá danh nghĩa; Làm sai lệch các tính toán; Tạo ra tỷ giá chợ đen; NHTW phải có một lượng ngoại tệ đủ lớn để duy trì tỷ giá .

* Minh chứng về sự bất cập của tỉ giá hối đoái cố định: Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997 là một ví dụ điển hình cho điều này. Khi Baht Thái được cố định ở mức 25 Baht = 1 USD,có giá trị cao hơn mức cân bằng tính theo USD, dẫn đến tình trạng thặng dư Baht Thái trên thị trường. Chính phủ Thái sử dụng và sử dụng ngày càng nhiều lượng dự trữ ngoại tệ để mua lượng Baht hằng ngày nhằm duy trì tỷ giá làm dự trữ ngoại hối cạn kiệt, Baht mất giá, cơ chế tỷ giá hối đoái cố định kết thúc.

3. Chế độ tỉ giá thả nổi có điều tiết

Chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết cụ thể là chính phủ không cam kết duy trì một tỷ lệ cố định với ngoại tệ, mà thả nổi đồng tiền của mình và có biện pháp can thiệp mỗi khi thị trường trở nên (mất trật tự) , hoặc khi tỷ giá hối đoái đi chệch xa mức thích hợp loại tỷ giá hối đoái này hiện đang được áp dụng tại các nước Tư Bản Chủ Nghĩa, nơi mà lạm phát đạt thấp, các thị trường phát triển ở trình độ cao.

* Ưu điểm: Phản ánh kịp thời các biến động, các xu hướng kinh tế thế giới làm cho nền kinh tế quốc gia hòa nhập với tiến trình vận động chung của nền kinh tế thế giới; Tạo điều kiện tiền tệ cho cạnh tranh bình đẳng, giúp cho các nhà kinh doanh, nhà làm kinh tế năng động bắt kịp với xu thế phát triển của nền kinh tế hiện nay; Tiết kiệm ngoại tệ phục vụ cho những mục đích khác.

* Nhược điểm: Do tỷ giá thả nổi hoàn toàn do nhu cầu ngoại tệ thị trường quyết định nên thường gây ra những biến động lớn trong tỷ giá, tác động xấu đến hoạt động ngoại thương; Dễ dẫn đến các cú sốc về cung cầu ngoại thương giả tạo do nạn đầu cơ phát triển nếu như không có sự quản lý chặt chẽ ngoại hối trong nước; Độ rủi ro về biến động tỷ giá rất cao đối với các nguồn thu nhập từ đầu tư nước ngoài, điều này gây trở ngại trong việc thu hút đầu tư nước ngoài; Mức biến động tỷ giá khó xác định trước trong chế độ tỷ giá này có thể gây ra những quy định vĩ mô sai lầm ảnh hưởng đến mức tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết là một chế độ tỷ giá hối đoái nằm giữa hai chế độ thả nổi và cố định. Mặc dù lý thuyết nói chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi tốt hơn, nhưng trong thực tế không có một đồng tiền nào được thả nổi hoàn toàn, vì nó quá bất ổn định. Tuy chế độ tỷ giá hối đoái cố định tạo ra sự ổn định, song việc thực hiện các biện pháp chính sách nhằm giữ cho tỷ giá hối đoái cố định tương đối khó khăn và tốn kém, và trên hết là chế độ này làm cho chính sách tiền tệ trở nên vô hiệu lực. Chính vì thế, chỉ một số ít đồng tiền trên thế giới sử dụng chế độ tỷ giá hối đoái cố định. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới sử dụng chế độ tỷ giá thả nổi, nhưng chính phủ sẽ can thiệp để tỷ giá không hoàn toàn phản ứng theo thị trường.

III. Bình luận về tỉ giá hối đoái ở Việt Nam hiện nay

Nghị định 70/2014 NĐ - CP quy định về chế độ tỉ giá hối đoái ở Việt Nam hiện nay: Điều 15. Chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam

“…2. Chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.”

* Những tác động tích cực: Một cơ chế tỷ giá linh hoạt  giúp hạn chế tăng cung tiền, tác nhân gây lạm phát trong thời gian qua; Tạo điều kiện tiền tệ được cạnh tranh bình đẳng, giúp cho các nhà kinh tế, kinh doanh trong nước năng động, bắt kịp với xu thế phát triển của nền kinh tế hiện nay; Chính sách tỷ giá linh hoạt, tăng giá VND, giúp hạn chế và sàng lọc nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế chưa hấp thu hiệu quả nguồn vốn vào; Tiết kiệm ngoại thệ để phục vụ cho những mục đích khác.

* Những hạn chế: 

- Trong thực tế, việc điều hành chính sách tỷ giá vẫn chưa thực sự linh hoạt. Khó khắn chính ở đây là khả năng điều hành linh hoạt của ngân hàng nhà nước bị hạn chế bởi những mục tiêu kinh tế - xã hội của Chính phủ.Một thực tế cho thấy do tình trạng khan hiếm ngoại tệ trên thị trường nên các ngân hàng thương mại phải áp dụng giao dịch kịch trần cho phép.

- Ngoài ra, một số hạn chế trong hoạt động quản lý còn phát sinh từ bản thân của nền kinh tế như Nhà nước chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm nạn buôn lậu gian lận thương mại trong nền kinh tế; hoạt động “ngầm” của nền kinh tế vẫn chiếm tỷ trọng nhất định trong xã hội; cán cân thanh toán vãng lai thường xuyên thâm hụt; các biện pháp quản lý kinh tế vĩ mô chưa được phát triển hài hòa và đúng mức; sự yếu kém trong quản lý và kinh doanh tiền tê;tệ quan liêu, tham nhũng chưa được xử lý nghiêm khắc.

KẾT LUẬN


Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại nhiều loại chế độ tỷ giá hối đoái biến tướng từ hai hình thức cơ bản là cố định và thả nổi. Trong thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau càng tăng, việc lựa chọn một chế độ ngoại hối phù hợp với bối cảnh quốc tế, điều kiện cụ thể từng bước và đáp ứng điều chỉnh kinh tế vĩ mô, nhất là với các nước đang thực hiện chuyển đổi cơ chế trong đó có Việt Nam cần phải có các chính sách thật sự phù hợp như chính sách chiết khấu, hình thành quỹ dự trữ bình ổn hối đoái để duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái. Về phía các nhà kinh doanh, các nhà kinh tế trong nước phải thật sự sáng suốt nắm bắt tình hình để kịp thời thay đổi các chiến lược kinh doanh trong thời kì mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét