Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Mô hình giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết

Bài tập học kỳ Luật chứng khoán 9 điểm

Công ty đại chúng đại chúng chưa niêm yết bao gồm công ty đại chúng đã chào bán cổ phiếu ra công chúng nhưng không niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán và công ty đại chúng có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên. Tuy chưa niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán nhưng loại hình công ty đại chúng này vẫn phát hành được cổ phiếu. Để tìm hiểu giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết, nhóm chúng em xin chọn đề tài sau đây là bài tập nhóm của mình: “Phân tích và làm rõ cơ sở pháp lý và thực tiễn mô hình giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết”.

Do phạm vi nhận thức và hiểu biết còn hạn chế, bài làm có thể vướng phải một số sai sót về quan điểm cũng như cách diễn đạt. Vì vậy, nhóm em mong Thầy (Cô) góp ý để bài viết thêm hoàn thiện!

NỘI DUNG

I. Khái quát về công ty đại chúng chưa niêm yết và mô hình giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết

1. Công ty đại chúng chưa niêm yết

a. Khái niệm công ty đại chúng chưa niêm yết.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Chứng khoán 2006 thì Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình: Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán; công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên.

Căn cứ vào quy định trên ta có thể rút ra khái niệm công ty đại chúng chưa niêm yết là công ty đại chúng thuộc loại hình công ty đã chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên. Công ty đại chúng chưa niêm yết thì chưa hoặc không có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán.

b. Đặc điểm

Công ty đại chúng chưa niêm yết là công ty đại chúng nên mang đặc điểm của công ty đại chúng như sau:

- Thứ nhất, công ty đại chúng chưa niêm yết là công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2005. Chủ sở hữu của công ty phải là các cổ đông…Để thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty cổ phần phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định (Điều 12 Luật Chứng khoán):

1) Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 10 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

2) Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán;

3) Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

- Thứ hai, vốn điều lệ: Công ty đại chúng chưa niêm yết phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng (VNĐ) trở lên trong khi Công ty đại chúng đã niêm yết phải có vốn điều lệ từ 80 tỷ VNĐ trở lên; 

- Thứ ba, về năng lực sản xuất kinh doanh: Năng lực sản xuất kinh doanh của Công ty đại chúng chưa niêm yết là có lãi 1 năm trước khi chào bán trong khi năng lực sản xuất kinh doanh của Công ty đại chúng niêm yết phải là có lãi 2 năm trước khi niêm yết;

- Thứ tư, về tính đại chúng: Công ty đại chúng chưa niêm yết yêu cầu tối thiểu 100 nhà đầu tư nắm giữ không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp là các tổ chức tài chính trong khi Công ty đại chúng niêm yết yêu cầu thêm điều kiện là 100 cổ đông nắm giữ ít nhất 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết;

2. Mô hình giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết

Hiện nay thị trường chứng khoán bao gồm thị trường giao dịch tập tung và phi tập trung (OTC).

Thị trường giao dịch tập trung là thị trường giao dịch được tổ chức tại địa điểm cố định về mặt địa lý và được quản lý chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật hiện hành  về chứng khoán. Muốn được xuất hiện trên thị trường tập trung thì các chủ thể cần phải niêm yết chứng khoán tại các sở giao dịch hoặc các trung tâm giao dịch chứng khoán. Trong khi đó, thị trường chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết, tức là chứng khoán chưa được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hay trung tâm giao dịch chứng khoán thì lại giao dịch trên thị trường tự do với sự điều chỉnh ít ỏi của những quy định pháp lý.

Thị trường giao dịch phi tập trung (OTC) là thị trường được tổ chức không dựa vào một mặt bằng giao dịch cố định. Hàng hóa giao dịch là các chứng khoán chưa niêm yết, được chào bán, chào bán có cạnh tranh về giá, đồng thời có thể thương lượng để có mức giá chung.

Thị trường OTC có những đặc trưng sau:

- Thứ nhất, thị trường OTC là thị trường có tổ chức. Chủ thể đứng ra tổ chức thị trường này thường là các tổ chức tự quản (ví dụ Hiệp hội kinh doanh chứng khoán).

- Thứ hai, thị trường được tổ chức dưới hình thức phi tập trung. Các giao dịch chứng khoán không được thực hiện tại địa điểm xác định mà thông qua hệ thống trao đổi thông tin (máy tính nối mạng, điện thoại...) hoặc ở bất kì địa điểm nào thuận lợi cho việc thương lượng và xác lập giao dịch giữa bên mua và bên bán.

- Thứ ba, chứng khoán giao dịch trên thị trường OTC là loại chứng khoán có chất lượng không cao như ở thị trường giao dịch tập trung..các loại chứng khoán giao dịch trên thị trường này thông thường là các loại chứng khoán của các công ty vừa và nhỏ, công ty mới thành lập chưa đủ điều kiện niêm yết và giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán.

- Thứ tư, trên thị trường OTC có sự tham gia của các nhà tao lập thị trường, bên cạnh các nhà môi giới và tự doanh chứng khoán. Vai trò của các nhà tạo lập thị trường là tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán giao dịch tại thị trường này thông quá việc nắm giữ một lượng chứng khoán đáng kể của một số loại chứng khoán cụ thể, liên tục chào bán, mua và thực hiện việc mua, bán các loại chứng khoán đó đẻ nhằm ổn định thị trường.

- Thứ năm, phương thức giao dịch trên thị trường OTC là phương thức thỏa thuận.

- Thứ sáu, hoạt động của thị trường OTC chịu sự điều chỉnh của pháp luật chứng khoán.

- Thứ bảy, thị trường OTC chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý chuyên ngành và của các tổ chức liên quan.

Có thể hiểu, thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom) là địa điểm diễn ra việc mua bán chứng khoán chưa được niêm yết hoặc hủy niêm yết theo quy định của pháp luật hiện hành. Với mục đích tạo môi trường giao dịch công bằng, minh bạch, an toàn giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tu, tăng tính thanh khoản cho các chứng khoán chưa niêm yết và tăng khả năng huy động vốn cho các doanh nghiệp. Do đó thị trường UPCoM ra đời nhằm mục đích thay thế cho thị trường OTC tự do và là một mô hình tổ chức chính thức của thị trường OTC ở Việt Nam.

Thị trường Upcom được xây dựng dựa trên nhu cầu phát triển thị trường chứng khoán nói chung tại Việt Nam, có các ý kiến tư vấn của chuyên gia nước ngoài, có khung pháp lý cho thị trường đầy đủ, tạo một cơ chế hoạt động vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ, đem lại quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Nó được quản lý và tổ chức bởi cơ quan quản lí nhà nước. Đối với thị trường UPCoM, nhà đầu tư giao dịch tại công ty chứng khoán theo phương thức thỏa thuận. Kết quả giao dịch được chuyển qua hệ thống UPCoM để chuyển đến Trung tâm lưu ký chứng khoán thực hiện thanh toán. UPCoM thực hiện thao phương thức giao dịch thỏa thuận nhăm tạo ra tính linh hoạt và giao dịch trọn gói. Lý do Việt Nam lại có mô hình này mà không phải OTC theo đúng nghĩa, xuất phát từ hai nguyên nhân chính:

- Thứ nhất, chưa có cơ sở pháp lí điều chỉnh. Trước khi luật chứng khoán ra đời, ở Việt Nam chỉ có thị trường giao dịch tập trung. Từ khi Luật chứng khoán ra đời đã tạo cơ sở pháp lí quan trọng cho việc hình thành thị trường, tuy nhiên lại chưa có bộ phận pháp luật hoàn chỉnh về tổ chức và hoạt động của thị trường này.

- Thứ hai, việc tổ chức và quản lí, điều hành thị trường OTC đòi hỏi phải có những điều kiện cơ sở vật chất nhất định mà cho đến thời gian gần đây Việt Nam chưa có được. Ngoài ra, một số vấn đề có liên quan đến thị trường chưa được giải quyết như vấn đề về mô hình tổ chức của thị trường, vấn đề về cơ chế vận hành của thị trường...

II. Cơ sở pháp lý và thực trạng thực hiện mô hình giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết ở Việt Nam

1. Cơ sở pháp lý

Ngoài cơ sở pháp lý quy định tại Luật chứng khoán 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) thì ngày 20/11/2008 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 108/2008-QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc triển khai thị trường UPCoM (Thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết). Sau đó Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 128/2009/TT-BTC và Thông tư 95/2010/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung Quy chế Tổ chức và Quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 108/2008/QĐ-BTC ngày 20 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện các quy định của hai văn bản trên còn nhiều vướng mắc, vào ngày 5/1/2015, Bộ Tài chính đã ra Thông tư hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2015 và thay thế Quyết định số 108/2008/QĐ-BTC ngày 20/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội; Thông tư số 128/2009/TT-BTC ngày 23/06/2009 và Thông tư số 95/2010/TT-BTC ngày 30/06/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế Tổ chức và Quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 108/2008/QĐ-BTC ngày 20/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thông tư 01/2015 đã đưa ra định nghĩa về thị trường chứng khoán UPCoM tại Việt Nam,cụ thể: “Thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết (gọi tắt là thị trường UPCoM) là thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết và hủy niêm yết nhưng vẫn là công ty đại chúng”. 

Thông tư này cũng đã quy định rõ hơn, sửa đổi và bổ sung thêm một số vấn đề như mở rộng thêm đối tượng đăng ký giao dịch , quy định chi tiết và cụ thể về: Hồ sơ và thủ tục đăng ký giao dịch; Thay đổi đăng ký giao dịch; Hủy bỏ đăng ký giao dịch; và Tổ chức giao dịch.

Có thể nói, hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường UPCoM tại Việt Nam đã được hình thành và đang ngày càng hoàn thiện.

Từ các quy định trên có thể rút ra những đặc điểm cơ bản của thị trường UPCoM tại Việt Nam:

- Về tổ chức giao dịch: giao dịch được thực hiện qua thành viên, thông tin giao dịch phải được thông báo qua hệ thống đăng kí giao dịch của trung tâm giao dịch chứng khoán để tổng hợp và đưa ra kết quả.

- Về hình thức tổ chức thị trường: UPCoM là một thị trường OTC có sự quản lý của nhà nước được tổ chức theo hình thức phi tập trung, không có địa điểm mang tính tập trung giữa bên mua và bên bán mà chủ yếu diễn ra tại các công ty chứng khoán. Đặc điểm này tạo nên lợi thế cho thị trường UPCoM so với thị trường OTC. Nếu trên thị trường OTC, các giao dịch tự phát, không được thanh toán tập trung, chứng khoán không được lưu ký, việc mua bán thông qua các nhà môi giới tự do, không cấp phép nên có nhiều yếu tố rủi ro. Ngược lại với đặc điểm trên, tại thị trường UPCoM thì các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sẽ có được sân chơi chuẩn với khung pháp lý chặt chẽ, tránh tình trạng lừa đảo, làm giá .

- Chứng khoán giao dịch trên thị trường UpCoM: là chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc đã bị hủy niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán, đã được đăng ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán gồm cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi. Để được đăng ký giao dịch, các chứng khoán phải thỏa mãn các điều kiện:

+ Là chứng khoán của công ty đại chúng theo quy định tại điều 25 Luật chứng khoán, không niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán.

+ Đã được đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

+ Phải được một công ty chứng khoán là thành viên của HaSTC cam kết hỗ trợ. 

- Cơ chế xác lập giá trên UPCoM chủ yếu được thực hiện thông qua phương thức thương lượng và thỏa thuận giữa bên mua và bên bán. 

- Thị trưởng có sự tham gia và vận hành của các nhà tạo lập thị trường là các công ty chứng khoán với vai trò là nhà tạo lập thị trường (liên tục đặt lệnh mua và bán tại một thời điểm), với tư cách nhà đầu tư (cùng mua và bán một loại chứng khoán) hoặc với tư cách chỉ là nhà môi giới (kết hợp các giao dịch).

2. Thực trạng mô hình thực hiện giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết.

a. Trước khi thị trường UPCoM được thành lập

Khi chưa có thị trường UPCom, cổ phiếu của Công ty đại chúng chưa niêm yết được giao dịch trên thị trường tự do. Pháp luật quy định Sở giao dịch chứng khoán có chức năng tổ chức giao dịch chứng khoán. Nhưng trên thực tế, thị trường tự do vẫn tổ chức giao dịch chứng khoán tự phát với các hình thức như trao tay, thông qua điện thoại, không tập trung, không theo một khung pháp lý nào gây nhiều bất cập rủi ro cho nhà đầu tư. Hơn nữa các công ty cổ phần phát hành cổ phiếu ồ ạt ra công chúng, tình trạng cổ phiếu giả vẫn xuất hiện, không có biên độ giá, không có cơ quan chức năng để kiểm tra, quản lý….là những khó khăn nhất định đối với nhà đầu tư.

Số lượng công ty đại chúng chưa niêm yết giai đoạn này là rất lớn, chỉ có một số lượng nhỏ các công ty đại chúng niêm yết trên thị trường.

b. Sau khi thị trường UPCoM thành lập

Ngày 24/06/2009 sàn UpCom mở cửa khai trương thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết với 10 cổ phiếu UPCom-Index mặc định ở mức 100 điểm và đóng cửa thị trường với hơn 1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị giao dịch đạt gần 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, những ngày giao dịch sau đó thị trường UPCoM có dấu hiệu suy giảm, khối lượng và giá trị giao dịch giảm xuống. Trong những ngày đầu thành lập, các công ty đại chúng chưa niêm yết không mấy hứng thú với thị trường giao dịch này do chủ yếu là giao dịch thỏa thuận khớp lệnh thủ công nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình khớp lệnh. Tuy nhiên sự gia đời của thị trường UPCoM trong sáu tháng đã góp phần thúc đẩy quá trình tham gia thị trường do Nhà nước quản lý của các công ty đại chúng. Số lượng công ty đại chúng niêm yết đã tăng từ 360 công ty (thời điểm thành lập thị trường UPCoM) lên đến 422 công ty, khối lượng chứng khoán giao dịch cũng tăng lên đáng kể .

Hiện nay, các công ty đại chúng chưa niêm yết tham gia vào thị trường UPCom một cách sôi nổi do thị trường UPCoM đã có những bước tiến nhất định đặc biệt về quy mô thị trường và quy mô giao dịch. Các doanh nghiệp trên thị trường UPCoM khá đa dạng về quy mô hoạt động và ngành nghề kinh doanh trong đó nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khá khả quan. Thị trường UPCoM đã có những phiên giao dịch khá ấn tượng với sự tăng trưởng về khối lượng giao dịch và trị số giá thị trường. Giá trị giao dịch chứng khoán bình quân tăng từ 4 tỷ đồng/phiên lên đến 13 tỷ đồng /phiên .

Giao dịch trên thị trường UPCoM có độ an toàn cao hơn trước đây rất nhiều. Độ an toàn trên thị trường UpCoM thể hiện ở chỗ nhà đầu tư phải có tiền trong tài khoản mới thực hiện được lệnh mua và phải có chứng khoán trong tài khoản thì mới thực hiện được lệnh bán. Đặc biệt tại thị trường UPCoM, sự có mặt của công ty chứng khoán với vai trò là tổ chức cam kết, hỗ trợ, là đơn vị trung gian kết nối giữa nhà đầu tư, công ty với Sở giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư sẽ giảm thiểu tìm kiếm đối tác, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí giao dịch, đảm bảo công khai giá và khối lượng giao dịch.

UPCoM có chỉ số tổng hợp, có chỉ số tương tự như VN-Index, HASTC- Index. Trên UPCoM, biên độ giao động giá +/-10%( Trong khi tại sàn Hà Nội là +/- 7%, sàn TP.HCM là +/-5%. Khi tham gia thị trường UPCoM nhà đầu tư sẽ nhận được các thông tin doanh nghiệp, giá cả, việc thanh toán,… đảm bảo như trên thị trường niêm yết .

3.  Đánh giá

a. Ưu điểm

*  Đối với nhà nước và cơ quan quản lý.

- Thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường chính thức: các công ty lên sàn UPCoM thì các chứng khoán được giao dich chính thức, giảm dần giao dich chứng khoán ở “chợ đen”.

- Tạo điều kiện dễ dàng cho việc quản lý: với việc các công ty đại chúng đều phải lưu ký tại trung tâm lưu ký chứng khoán, nhà đầu tư giao dịch thông qua tài khoản mở tại công ty chứng khoán, kết quả các giao dịch báo cáo về Sở giao dịch chứng khoán để xác nhận và thanh toán qua trung tâm lưu ký, nắm bắt được thông tin và có thể quản lý tốt hơn.

- Tăng thêm nguồn thu từ thuế đồng thời tăng tính thanh khoản

*  Đối với nhà đầu tư (Cổ đông)

- Tiết kiệm thời gian chi phí, tìm kiếm được nhiều thông tin minh bạch và dễ dàng: Ở trong thị trường tự do, các thông tin thường thiếu chuẩn xác, nhưng đối với UPCoM thì các công ty phải thường xuyên báo cáo tình hình của doanh nghiệp, công khai thông tin một cách rõ ràng và minh bạch.

- Được ký quỹ để mua chứng khoán: khi đặt lệnh mua chúng khoán, nhà đầu tư thực hiện ký quỹ giao dịch theo mức thảo thuận với thành viên phải đảm bảo khả năng thanh toán giao dịch đúng với thời hạn quy định – đây là hình thức không cần đủ 100% tiền mà vẫn mua được chứng khoán.

- Nhà đầu tư có thể giao dịch từ xa, giảm thiểu rủi ro và có tính thanh khoản cao.

* Đối với các doanh nghiệp.

- Nâng cao khả năng huy động vốn của doanh nghiệp: khi thông tin và giá minh bạch, giao dịch là xác thực, uy tín tăng, tiếp cận được các nguồn vốn dài hạn, hoặc các ngân hàng tin tưởng có thể cho doanh nghiệp vay tiền.

- Các doanh nhiệp không đủ điều kiện niêm yết có thể phát hành chứng khoán ra công chúng với thủ tục đăng ký nhanh chóng hơn sàn niêm yết. Đồng thời đây là bước đệm cho các doanh nghiệp chuyển lên niêm yết trên sàn niêm yết: làm quen với việc công bố thông tin rõ ràng, minh bạch trên các phương tiện thông tin.

- Tính minh bạch cho các doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu: Tham gia thị trường UPCoM nghĩa là doanh nghiệp đã gửi gắm cổ phiếu của mình vào một “sàn đấu” có đầy đủ khuôn khổ, quy định, giúp cổ phiếu thanh khoản tốt hơn, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp được nâng cao hơn .

- Tạo điều kiện cho công ty chứng khoán phát triển: Trong UPCom các công ty chứng khoán với vai trò là nhà tạo lập thị trường, đồng thời cũng là nhà đầu tư, nhà môi giới.

b. Hạn chế

- Thị trường UPCom Chưa được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư: khi sức hấp dẫn từ thị trường tự do, đà tăng điểm của sàn niêm yết thì nhiều nhà đầu tư thờ ơ quay lưng lại với UPCoM

- Thị trường thiếu sự tham gia của các cổ phiếu vcó sức hút của thị trường: như cổ phiếu nghành ngân hàng, dầu khí

- Phương thức giao dịch không linh hoạt, giao dịch đặc trưng theo hình thức thỏa thuận và không được xé lệnh khiến nhiều nhà đầu tư không thể mua cổ phần trên UPCoM do không tìm được người bán có số lượng cổ phiếu và giá bán giống.

- Chưa tìm thấy vai trò nhà tạo lập thị trường do tính thanh khoản chưa cao của thị trường hiện tại nên công ty chứng khoán chưa có vai trò của nhà tạo lập thị trường.

- Chế tài xử phạt không hợp lý.

Trong những năm qua hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên thị trường đăng ký giao dịch chứng khoán các công ty chưa niêm yết UPCom chưa phải thị trường OTC (theo đúng nghĩa) thực sự, chưa có được nhà tạo lập theo đúng nghĩa. Các điều kiện để Việt Nam hình thành thị trường OTC tiêu chuẩn là chưa đầy đủ và toàn vẹn.

* Nguyên nhân của những hạn chế trên

- Thiếu sự quan tâm của doanh nghiêp, nhà đầu tư. 

- Phương thức giao dịch chưa thật sự linh hoạt.

- Chưa thấy được vai trò của nhà tạo lập thị trường.

- Các thông tin trên thị trường UPCoM chưa thật sự minh bạch.

- Hệ thống pháp luật thị trường chứng khoán chưa hoàn thiện, kém hiệu quả.

- Biên độ giao động giá thấp.

III. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả mô hình giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết

Nhằm để thị trường UPCoM ở Việt Nam có định hướng đúng đắn nhất để tạo đà phát triển làm tiền đề hướng tới xây dựng thị trường OTC hiện đại trong tương lai, nhóm xin đề ra một số giải pháp sau:

- Thứ nhất: Tăng cường thu hút đông đảo các công ty đại chúng chưa niêm yết có chất lượng cũng như các nhà đầu tư tham gia thị trường UPCoM. Muốn vậy, cần có những quy định về tiêu chuẩn nhất định về điều kiện giao dịch như: tổng giá trị tài sản, vốn lợi nhuận... 

- Thứ hai, cần thực hiện công khai hóa thông tin của các doanh nghiệp như: Xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động công bố thông tin mà nền tảng là Luật Chứng khoán Việt Nam, các cơ quan quản lý Việt Nam cần đưa ra các tiêu chuẩn công bố thông tin sao cho thích ứng với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện công tác thanh tra và giám sát thị trường với mục đích ngăn ngừa các hành vi gian lận về công bố thông tin trên thị trường UPCoM, đồng thời cần xây dựng khung chế tài phù hợp để xử lý những vi pham trong việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán .

- Thứ ba, cần xây dựng cơ chế sàng lọc những cổ phiếu không có tính thanh khoản trong thời gian dài để hướng UPCoM trở thành sàn giao dịch của những cổ phiếu tiềm năng nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư đến với các nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư lớn thay vì nhà đầu tư nhỏ lẻ.

- Thứ tư, một số các giải pháp khác như: tăng cường đào tạo nhân lực cho thị trường UPCoM, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phải có hạ tầng internet tốt, với đường truyền có tốc độ cao phục vụ cho người đầu tư truy cập vào các trang web thông tin của công ty đại chúng. Xây dựng hệ thống mạng lớn để có thể liên kết với thi trường trên cả nước để truy cập hệ thống, kết nối thông tin với các nhà đầu tư, các công ty đại chúng....

KẾT LUẬN

Như vậy, với mô hình giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết – mô hình UPCoM, đã giúp các những công ty đại chúng này có thẻ tiens hành giao dịch chứng khoán một cách hợp pháp để qua đó giúp họ huy động được vốn để phát triển, cũng như có thêm thị trường đầu tư cho các nhà đầu tư, giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Do đó, các Sở giao dịch chứng khoán cần tổ chức đánh giá hoạt động thị trường kịp thời để có giải pháp thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường UPCoM; Nghiên cứu, bổ sung tiêu chí giám sát đối với giao dịch cổ phiếu UPCoM . Có vậy, thị trường này ở Việt Nam mới có thể phát triển thuận lợi tạo tiền đề cho việc hình thành OTC ở nước ta trong thời gian tới.

1 nhận xét: