Bài tập học kỳ Pháp luật cộng đồng ASEAN - 9 điểm.
Bình luận sự ảnh hưởng và các biểu hiện cụ thể của Thuyết hiện thực đối với hoạt động hợp tác chính trị - an ninh trong từng giai đoạn phát triển của ASEAN
Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm phát triển của ASEAN, có thể nhận thấy rằng những yếu tố quan trọng ban đầu đưa đến sự thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không phải là các yếu tố về kinh tế và văn hóa – xã hội, mà là những tính toán về chính trị và an ninh dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Thuyết hiện thực. Vậy, ảnh hưởng và các biểu hiện cụ thể của Thuyết hiện thực đối với quá trình hợp tác chính trị- an ninh trong từng giai đoạn phát triển của ASEAN như thế nào?
Từ khi thành lập (8/8/1967) đến nay, ASEAN đã trải qua 4 giai đoạn phát triển, cùng với đó là sự hợp tác chính trị - an ninh ngày càng chặt chẽ, từ một liên kết lỏng lẽo với những toan tính chính trị là chính đến sự thành lập Cộng đồng chính trị -an ninh ASEAN, nhằm mục tiêu là tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng cao hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia đóng góp xây dựng của các đối tác nước ngoài, không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung. Ở mỗi giai đoạn, thuyết hiện thực có ảnh hưởng cụ thể như sau:
2.1. Sự ảnh hưởng của thuyết hiện thực đối với sự ra đời và hoạt động trong 10 năm đầu (1967-1976) của ASEAN.
Xét đến lịch sử ASEAN thì chủ nghĩa hiện thực có ảnh hưởng không nhỏ và đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của tổ chức này, nhất là dưới thời Chiến tranh lạnh. Hầu như 5 nước ASEAN ban đầu (Thái Lan, Malaixia, Indonexia, philippin và Xingapo) lúc đó đều có cảm giác chung là mất an toàn, bất lực trước sự gia tăng đối đầu ý thứ hệ chính trị - tư tưởng quân sự giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ. Cùng với quá trình trên, sự ganh đua giành quyền lãnh đạo phong trào cộng sản, công nhân và giải phóng dân tộc giữa Liên Xô và Trung Quốc, nhất là sự gia tăng hoạt động của chủ nghĩa Mao- ít trong những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỉ XX cũng làm tăng sự nghi ngờ của các nước Đông Nam Á, rằng các thế lực bên ngoài đang đe dọa nền độc lập non trẻ của họ. Vì vậy, ngày 08/08/1967 Tuyên bố Băng Cốc được ký kết đã đánh dấu sự ra đời của ASEAN. Ngay trong Tuyên bố Băng Cốc năm 1967, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nêu rõ mục tiêu của tổ chức là giúp các nước trong khu vực hiểu nhau và đoàn kết nhau hơn, từ đó nâng cao khả năng đối phó và những thách thức từ bên ngoài, thực tế cho thấy, “ASEAN ra đời đã báo hiệu một thời kì mới trong quan hệ giữa các nước trong khu vực, tại điều kiện thuận lợi hơn trong việc giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội khối và ngăn chặn những nguy cơ can thiệp từ bên ngoài, góp phần duy trì, ổn định trong khu vực”.
Như vậy, động cơ ra đời và khởi nguồn hợp tác của ASEAN là liên kết về chính trị và an ninh, hay nói cách khác, ASEAN được thành lập như là một phương tiện để đối phó lại các thách thức an ninh ngày càng tăng ở khu vực.
Trong thời gian từ năm 1967 đến 1975, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến chuyển quan trọng. Đầu năm 1968, Anh tuyên bố rút khỏi Đông Nam Á; cục diện cuộc chiến giữa Mĩ và Việt Nam thay đổi; xung đột sắc tộc ở Malaixia năm 1969; phong trào ly khai ở Philippin… Những yếu tố này làm cho tình hình nội bộ ở một số nước Đông Nam Á trở nên phức tạp. Trong bối cảnh đó, việc phải có các hoạt động nhằm giảm bớt mâu thuẫn là vô cùng cần thiết, tạo cơ sở cho sự hiểu biết và hợp tác trong khu vực.
Trong hoàn cảnh đó, một sự kiện quan trọng đánh dấu quá trình phát triển trong hợp tác an ninh - chính trị giữa các quốc gia ASEAN ngày 27/11/1971, đại diện của 5 quốc gia thành viên đã họp tại Kuala Lumpur và thông qua tuyên bố khu vực hòa bình, tự do và trung lập (Zone of Peace, Freedom and Neutrality Declaration - ZOPFAN), tuyên bố Đông Nam Á là một “khu vực hòa binh, tự do và trung lập, không có sự can thiệp dưới bất kì hình thức và phương cách nào của các nước ngoài khu vực”. Đây là hành động chính trị của các nước trong khu vực, thể hiện được ý thức tự cường của các thành viên ASEAN , nhằm hạn chế sự can thiệp không mong muốn từ các cường quốc ngoài khối, qua đó cũng thể hiện lập trường trung lập hóa và mong muốn thoát khỏi sự ràng buộc vào các khối liên minh quân sự của các thành viên ASEAN trong bối cảnh chiến tranh lạnh. Thông qua Tuyên bố ZOPFAN, các quốc gia ASEAN cũng thể hiện mong muốn giải quyết các vấn đề khu vực bằng lực lượng nội khối chứ không phụ thuộc vào thế lực bên ngoài. Tuyên bố của ASEAN về Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, tự do, trung lập là một minh chứng sự ảnh hưởng to lớn của thuyết hiện thực hay thuyết chính trị đối với sự tồn tại và phát triển của ASEAN, nhất là ở giai đoạn đầu
2.2. Sự ảnh hưởng dần mờ nhạt của thuyết hiện thực trong 3 giai đoạn sau.
Trong giai đoạn 1976-1992, thì ảnh hưởng của thuyết hiện thực vẫn còn rõ nét, tuy nhiên, xen kẽ vào đó là ảnh hưởng của thuyết thể chế. Tuyên bố về sự hòa hợp ASEAN, được thông qua ở Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất tại Bali- Indonexia, ngày 24/2 /1976 và Hiệp ước hữu nghị hợp tác Đông Nam Á (Hiệp ước Bali) đã mở đầu cho thời kỳ mới của việc tăng cường và phát triển trụ cột hợp tác về chính trị- an ninh của ASEAN. Như vậy, lúc này các nước hợp tác không chỉ vì áp lực bên ngoài và sự nghi kị lẫn nhau, còn do yêu cầu hợp tác toàn diện của ASEAN về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh và thể chế hoạt động của Hiệp hội trong tình hình mới, để các quốc gia cùng nhau phát triển. Thông qua thể chế hóa các cam kết chính trị trong những tuyên bố trước đó, Hiệp ước đã nâng hợp tác chính trị lên thành một nghĩa vụ pháp lý, với tính ràng buộc và hiệu lực cao nhất, thay vì là một nghĩa vụ mang tính chính trị như trước kia.
Trong giai đoạn 1992 -2003, tình hình thế giới và Đông Nam Á cũng có nhiều thay đổi. Khủng hoảng chính trị khu vực liên quan đến vấn đề Cam- pu- chia về cơ bản đã được giải quyết; động cơ hợp tác an ninh liên quan đến ý thức hệ chính trị - tư tưởng cũ đã suy giảm do sự hòa dịu của cuộc đối đầu Đông -Tây. Với bối cảnh mới, nhất là sự gia tăng toàn cầu hóa, ASEAN bắt đầu định hướng lại chủ nghĩa khu vực bằng thúc đẩy hợp tác kinh tế. Bằng chứng của nỗ lực mới này là quyết định thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) (đưa ra vào năm 1991), sự mở rộng ASEAN 6 thành ASEAN 10- đó chính là sự ảnh hưởng to lớn của thuyết thể chế chứ không còn là thuyết hiện thực.
Trong giai đoạn 2003 đến nay, sự ảnh hưởng của thuyết hiện thực càng mờ nhạt, thay vào đó là thuyết kiến tạo xã hội. Cùng với thuyết thể chế, thuyết kiến tạo có ảnh hưởng sâu sắc và đóng vai trò to lớn đối với nỗ lực hình thành Cộng đồng ASEAN, nhất là Cộng đồng an ninh (ASC). Trong thực tế, ASEAN đã không ngừng hướng tới xây dựng và phát triển một bản sắc chung trong ngăn ngừa xung đột và kiến tạo hòa bình tại khu vực. Sự đồng thuận với cách tiếp cận tiệm tiến, tôn trọng lẫn nhau trong xây dựng các thể chế và quy tắc chung là nét nổi bật hợp tác của ASEAN. Từ sự hợp tác này, bản sắc chung của Cộng đồng ASEAN được nuôi dưỡng và phát triển. Bản sắc Cộng đồng càng phát triển ở mức độ tin tường càng cao, như vậy an ninh quốc gia và khu vực trở nên bền vững hơn.
Nhận xét: Dù mờ nhạt, nhưng không thể nói ảnh hưởng của thuyết hiện thực không còn đối với các giai đoạn sau, bởi chính mối lo sợ về áp lực nước lớn và chủ nghĩa bá quyền khiến cho các nước ASEAN ngày càng thắt chặt quan hệ hợp tác với nhau, dù ở hình thức này hay hình thức kia. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, chủ nghĩa bá quyền của Mỹ, và nhất là Trung Quốc đang là mối đe dọa to lớn đối với an ninh các quốc gia mà tiêu biểu là tình hình Biển Đông, đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược hợp tác an ninh – chính trị với nhau hơn nữa.
Chính những phân tích ở trên, có thể nhận định rằng, Thuyết hiện thực có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến sự hợp tác chính trị- an ninh của ASEAN. Tuy nhiên, trong từng giai đoạn, với bối cảnh cụ thể mà biểu hiện của sự ảnh hưởng trở nên rõ rệt hay bị mờ nhạt đi nhưng không mất hẳn, bởi xét ở một khía cạnh nào đó, sự hợp tác của ASEAN xuất phát từ những toan tính về chính trị- an ninh.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa pháp luật quốc tế, Tập bài giảng môn pháp luật cộng đồng ASEAN, tr. 41-42
2. Ths. Nguyễn Thị Thuận, ASEAN – 40 năm tồn tại và phát triển, Tạp chí Luật học số 9/2007, tr.65-68
3. Tạp chí Luật học số 9/2008:
- Nguyễn Thị Thuận, Tuyên bố Băng Cốc năm 1967 và Hiến chương ASEAN năm 2007 - cơ sở pháp lý cho sự ra đời và phát triển của ASEAN, tr. 3-7
- Lê Mai Anh, Cộng đồng an ninh ASEAN, tr. 17-25
4. Trần Khánh (CB), Liên kết ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nxb. KHXH, Hà Nội, 2002.
5. Viện khoa học xã hội Việt Nam, Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 12 (380)/2007, Đỗ Thanh Bình, 40 năm ASEAN- thành tựu về an ninh chính trị.
6. Trường Đại học Luật Hà Nội, Cộng đồng chính trị - an ninh Asean từ tầm nhìn đến hành động: Khoá luận tốt nghiệp / Hoàng Mạnh Linh; Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Thị Thuận . - Hà Nội, 2011
7. Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN, GS. Vũ Dương Ninh, ASEAN- Những cột mốc trên tiến trình phát triển (1967-2007),
8. Nguyễn Văn Lịch. Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) – Quá trình phát triển và hoạt động. TPHCM, 1995
9. Lim Chong Yah – Đông Nam Á – Chặng đường dài phía trước (dịch). NXB Thế giới. Hà Nội, 2002
10. Bài viết: Political Realism in International Relations (First published Mon Jul 26, 2010) (Korab Karpowicz, W. Julian, "chủ nghĩa hiện thực chính trị trong quan hệ quốc tế, Bách khoa toàn thư Stanford của Triết học (Winter 2011 Edition), Edward N. Zalta (ed.)
11. Beitz, Charles, 1997 học thuyết chính trị và quan hệ quốc tế, Princeton: Princeton University Press
12. Tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 1/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét