Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2015

Mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thực thi điều ước quốc tế tại Việt Nam

Bài tập học kỳ Pháp luật về Điều ước quốc tế.

Từ khi tiến hành đổi mới cho đến nay, trải qua hơn 20 năm nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị Quốc tế. Đặc biệt sau khi trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại Thế Giới WTO ngày 07/12/2006 , dự bảo sẽ có sự gia tăng nhanh chóng số lượng các điều ước quốc tế mà Việt Nam kí kết, gia nhập. Do đó vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam được đặt ra.
         
1-CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐƯQT VÀ VBQPPL VIỆT NAM :

VỊ TRÍ CỦA ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ:

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng về việc điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có vị trí như thế nào trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế (Khoản 1). Do đó, các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia  sẽ được thực thi kể cả trong trường hợp pháp luật Việt Nam còn chưa quy định đầy đủ.. Từ quy định này, có quan điểm cho rằng điều ước quốc tế có vị trí sau Hiến pháp, trên các văn bản luật, pháp lệnh.

Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong đó quy định không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.  Đây là một nguyên tắc rất quan trọng trong việc bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, đồng bộ của văn bản quy phạm pháp luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập.

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.

Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó. ( Điều 6 Luật kí kết , gia nhập và kí kết điều ước Quốc tế 2005

Bên cạnh đó, năm 2001 Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước. Điều 26 Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 quy định nguyên tắc Pacta sunt servand quy định "mọi điều ước đã có hiệu lực đều ràng buộc các bên tham gia điều ước và phải được các bên thi hành với thiện ý". Nguyên tắc này đã được chuyển hoá vào quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên" (Khoản 6 - Điều 3).

Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng đều thấy rõ giá trị ưu thế của điều ước quốc tế, chẳng hạn:

+ Theo Khoản 2 Điều 759 Bộ luật dân sự năm 2005 "trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Bộ luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó ".

+ Theo  Khoản 2 Điều 2  Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em "trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.".

+ Theo Điều 3 Luật di sản văn hoá: "Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộnghoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Có thể thấy rõ công thức chung được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam là nếu pháp luật trong nước (từ luật trở xuống) có quy định khác hoặc trái với điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập, thì điều ước quốc tế có giá trị ưu tiên áp dụng. Từ đó cho thấy, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có giá trị pháp lý ưu tiên hơn so với pháp luật trong nước.

ÁP DỤNG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ:

Khoản 3 Điều 6 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005  quy định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực hiện điều ước quốc tế đó. Quy định này thể hiện Việt Nam chấp nhận cả hai phương pháp thực hiện điều ước quốc tế: áp dụng trực tiếp và chuyển hoá điều ước vào văn bản quy phạm pháp luật quốc nội.

Một ví dụ điển hình là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số71/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 về việc  Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó quyết định : "2. Áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam được ghi tại Phụ lục đính kèm Nghị quyết này và các cam kết khác của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới được quy định đủ rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các Phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới. Trong trường hợp quy định của pháp luật Việt Nam không phù hợp với quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm thì áp dụng quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm."

Việc nội luật hoá (hay chuyển hoá điều ước quốc tế) được thực hiện theo các phương thức phổ biến sau:

- Sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế. Theo quy định tại khoản 10 Điều 14  Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, cơ quan đề xuất ký kết có trách nhiệm Kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế. Như vậy, để thực hiện nghĩa vụ pháp lý quốc tế phát sinh từ điều ước quốc tế  mà cần phải sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành, thì cơ quan đề xuất việc ký kết điều ước quốc tế phải chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc này.

Trong công tác xây dựng pháp luật, theo quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới là phải  "không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."  Đây cũng là một biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế phát sinh từ điều ước quốc tế  được tuân thủ nghiêm túc tại Việt Nam.

- Tiến hành chuyển hoá quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước. Nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mật thiết đến vấn đề chuyển hoá (nội luật hoá) các điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước. Mục đích cơ bản của vấn đề chuyển hoá là bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện các điều ước quốc tế.

Nhà nước CHXHCN Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Trong bộ máy nhà nước, Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là một bên ký kết. Như vậy, nhận thức về nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế đã đạt được sự thống nhất cao, được thể chế hoá thành pháp luật, tạo cơ sở thuận lợi cho việc chỉ đạo của Chính phủ và việc thực hiện của các cơ quan nhà nước.

2-MÂU THUẪN VÀ GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN TRONG QUÁ TRÌNH THỰC THI ĐƯQT

Mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thực thi ĐƯQT tại Việt Nam :

Mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thực thi ĐƯQT Để đi đến ký kết một ĐƯQT, Bộ Tư pháp đã phải tiếng hành một quy trình thẩm định kỹ lưỡng về tính hợp hiến, mức độ tương thích các quy định pháp luật trong nước. Nhưng khi nội dung của điều ước được thi hành trong thực tiễn thì hoàn toàn vẫn có thể xảy ra mâu thuẫn giữa quy định của hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam và ĐƯQT. Thực tế này có thể là do tình trạng văn bản hướng dẫn thi hành có nội dung không thống nhất với văn bản được hướng dẫn dẫn đến làm vô hiệu hóa luật. Thực trạng này thậm chí còn xảy ra ở các văn bản pháp luật trong nước. Nguyên nhân thứ hai có thể dẫn ra ở đây đó là trong quá trình giải thích luật mới phát hiện ra các mâu thuẫn có thể có nhưng chưa phát hiện được trong quá trình thẩm ra, phê duyệt. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có nguy cơ phải đối mặt với các ĐƯQT có nội dung trái Hiến pháp. Mà theo quy định của pháp luật Việt Nam thì nội dung ĐƯQT mà Việt Nam ký kết phải phù hợp với các quy định của 
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Theo đó có thể hiểu, pháp luật Việt Nam không chấp nhận những điều khoản trong các điều ước có nội dung trái với hiến pháp. Điều này xét về một phương diện này đó hoàn toàn không có lợi cho các quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Như vậy đòi hỏi chúng ta cần phải có cách xử lý khéo léo cho vấn đề này để đảm bảo được các quyền tự chủ và dân tộc tự quyết mà vẫn thể hiện được chủ trương hội nhập quốc tế: Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”

Vấn đề giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thực thi ĐƯQT :

Về vấn đề giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thực thi ĐƯQT, trong pháp luật Việt Nam hiện nay mới chỉ có quy định: 

Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và ĐƯQT mà nước CNXHCN Việt Nam là thành viên quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của ĐƯQT. 

Từ đây ta có thể đưa ra phương thức xử lý những điểm chưa thống nhất giữa ĐƯQT và các văn bản pháp luật trong nước, để thực hiện điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong nội luật thì có thể áp dụng trực tiếp ĐƯQT đó mà không cần chuyển hóa nội dung điều ước vào pháp luật trong nước hoặc sử đổi bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước cho phù hợp sau khi ĐƯQT có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên chỉ với quy định này thì chúng ta hãy còn bỏ ngỏ việc giải quyết mâu thuẫn phát sinh giữa ĐƯQT và Hiến pháp, cần phải lưu ý rằng pháp luật quốc gia vẫn trong quá trình tiếp cận với luật pháp quốc tế, những quy định trong nội luật chưa hẳn lúc nào cũng là tối ưu, nhất là trong khi tình hình thế giới biến động không phải từng ngày mà từng giờ, Bên cạnh giải pháp tình thế được đưa ra khi việc đã rồi như trên, về lâu dài, chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác chủ động nghiên cứu, phân tích ĐUQT để có thể xây dựng các quy phạm pháp luật dựa trên cơ sở tính đến ĐƯQT mà Việt Nam sắp hoặc có thể trở thành thành viên trong tương lai. 

KẾT LUẬN

Nói chung, thật khó có thể đưa ra được một quan điểm hoàn toàn thỏa đáng về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ điều ước quốc tế và văn ban quy phạm pháp luật Việt Nam trong thời điểm hiện nay, khi mà luật pháp quốc gia còn chưa thực sự có được những quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề này, và giới luật gia hãy còn nhiều tranh cãi chưa thể thống nhất trong một sớm một chiều. Bởi cả hai hệ thống pháp luật trong nước và quốc tế đều là những thực thể động, không ngừng thay đổi để bắt nhịp với sự phát triển của đời sống xã hôi. Do vậy, cần phải xác định và giải quyết mối quan hệ giữa hai hệ thống pháp luật này là một quá trình lâu dài và sẽ không bao giờ hết tính thời sự.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật số 41/2005/QH11 về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, Chủ tịch nước công bố ngày 24/6/2005 và Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006) 
2. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (ban hành ngày 12/11/1996, được sửa đổi, bổ sung ngày 16/12/2002)
3. Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969
4. Bộ luật dân sự năm 2005
5. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
6. Điều 3 Luật di sản văn hoá
7. Nghị quyết số71/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 về việc  Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét