Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Cách phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm thực hiện những mục tiêu kinh tế vĩ mô

Bài tập học kỳ Kinh tế vĩ mô có đáp án.

Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là hai công cụ trọng yếu giữ vai trò quyết định trong việc quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững phụ thuộc rất nhiều vào việc hoạch định và thực thi các chính sách của một quốc gia trong khuôn khổ phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ giữa các chính sách, nhất là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Để hiểu rõ hơn về sự phối hợp giữa hai chính sách kinh tế vĩ mô này, em xin được đi sâu nghiên cứu đề tài: “Hãy phân tích các cách phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm thực hiện những mục tiêu kinh tế vĩ mô và minh họa bằng một tình huống trong thực tế ở Việt Nam hiện nay”.

I. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ SỰ PHỐI HỢP GIỮA CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VÀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

1. Chính sách tài khóa – Đường IS

1.1. Chính sách tài khóa

1.1.1. Khái niệm 

Chính sách tài khóa là chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ nhằm cải thiện thành tựu kinh tế vĩ mô thông qua việc thay đổi chi tiêu chính phủ (G) và thuế. Mặc dù chính sách tài khóa có thể ảnh hưởng đến tiết kiệm, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn nhưng trong ngắn hạn, chính sách tài khóa chủ yếu ảnh hưởng đến tổng cầu về hàng hóa và dịch vụ.

1.1.2. Phân loại 

Chính sách tài khóa được chia thành 2 loại, đó là: Chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tài khóa thắt chặt(thu hẹp).

Chính phủ có thể thay đổi chi tiêu hoặc thuế hoặc đồng thời cả hai để mở rộng hay cắt giảm tổng cầu nhằm ổn định nền kinh tế. Chính sách kích thích tổng cầu và tăng sản lượng thông qua tăng chi tiêu chính phủ hoặc giảm thuế được gọi là chính sách tài khóa mở rộng, chính sách cắt giảm tổng cầu bằng việc giảm chi tiêu chính phủ hoặc tăng thuế để kiềm chế lạm phát được gọi là chính sách tài khóa thắt chặt.

1.2. Đường IS

1.2.1. Khái niệm

Đường IS là tập hợp tất cả các điểm cân bằng trên thị trường hàng hóa và dịch vụ, nó cho biết mối quan hệ giữa mức lãi suất và mức sản lượng.

1.2.2. Biểu diễn đường IS

...

2. Chính sách tiền tệ - Đường LM

2.1.  Chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ là chính sách kinh tế vĩ mô do Ngân hàng trung ương (NHTW) khởi thảo và thực thi, thông qua những công cụ và biện pháp của mình nhằm đạt được các mục tiêu: ổn định giá trị đồng tiền, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm.

Chúng  ta có thể hiểu, chính sách tiền tệ là tổng hòa các phương thức mà NHTW thông qua hoạt động của mình tác động tới khối lượng tiền tệ trong lưu thông, nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong một thời kỳ nhất định.

Chính sách tiền tệ được chia thành hai loại đó là chính sách tiền mở rộng( lỏng) và chính sách tiền tệ thắt chặt( thu hẹp).

2.2. Đường LM

2.2.1. Khái niệm

Đường LM là tập hợp tất cả các điểm cân bằng trên thị trường tiền tệ, nó cho biết mối quan hệ tương ứng giữa mức lãi suất với mức sản lượng (thu nhập).

2.2.2. Biểu diễn đường LM

Giả sử mức cung tiền cố định (MS0), với mức thu nhập Y0, đường cầu về tiền MD0, điểm cân bằng trên thị trường tiền tệ E0, với mức lãi suất cân bằng i0 (lãi suất thị trường). Khi thu nhập tăng lên Y1(Y1>Y0) đường cầu về tiền dịch chuyển lên MD1 cao hơn. Thị trường tiền tệ cân bằng E1, lãi suất cân bằng i1. Lặp lại tất cả các mức thu nhập ta có tất cả các điểm cân bằng, nối tất cả các điểm cân bằng đó ta được đường LM.

Đường LM dịch chuyến khi mức cung tiền (MS) dịch chuyển, MS tăng dịch chuyển sang phải dẫn đến LM cũng dịch chuyển sang phải và ngược lại.

II. SỰ PHỐI HỢP CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VÀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

1. Phối hợp chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ lỏng nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Chính sách tài khóa với việc tăng chi tiêu của chính phủ (G), làm cho tổng cầu tăng, làm dịch chuyển đồ thị hàm tổng cầu đồng thời cũng làm dịch chuyển đường IS.

Thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ cân bằng tại điểm  E0, điểm cắt nhau giữa IS0 và LM0, với mức thu nhập Y0 và lãi suất i0. Khi Chính phủ thực thi chính sách tài khóa, với việc tăng chi tiêu, thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và chi tiêu công cộng bằng nguồn tiền bán trái phiếu. Như vậy mức cung tiền không đổi, đường LM không dịch chuyển.

Do Chính phủ tăng chi tiêu, làm cho tổng cầu AD tăng, đồ thị AD dịch chuyển tăng, đường IS cũng dịch chuyển từ IS0 sang IS1. Điểm cân bằng chung là E1 là điểm cắt nhau giữa IS1 và LM0, lãi suất i1, thu nhập Y1. Đáng lẽ thu nhập cao hơn nhưng do Chính phủ tăng chi tiêu làm cho cầu tiên MD tăng lên, lãi suất tăng từ i0 lên i1. Do lãi suất tăng gây lên hiện tượng tháo lui đầu tư, quy mô tháo lui đầu tư lại phụ thuộc vào độ dốc của đường LM nên sản lượng chỉ đạt ở mức Y1.

Nếu Chính phủ thực thi chính sách tài khóa mở rộng, đồng thời NHTW thực thi chính sách tiền tệ lỏng (mở rộng cung tiền), đường cung tiền dịch chuyển nên đường LM cũng dịch chuyển từ LM0 sang LM1, lãi suất sẽ không tăng mà vẫn giữ ở mức i0. 

Vị trí cân bằng mới E2 là giao điểm của IS1 và LM1, với mức lãi suất vẫn là i0, không  gây nên hiện tượng tháo lui đầu tư và sản lượng đạt tại Y2 (Y2> Y1>Y0).

2. Phối hợp chính sách tài khóa thu hẹp và chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ cân bằng tại điểm  E0, điểm cắt nhau giữa IS0 và LM0, với mức thu nhập Y0 và lãi suất i0. Giả sử tại điểm cân bằng E0, lạm phát tăng cao, khối lượng tiền tệ đang lưu thông đang dư thừa dẫn tới bất ổn nền kinh tế. Khi đó NHTW sẽ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm rút bớt lượng tiền dư thừa trong lưu thông, làm cho cung tiền giảm xuống, đường LM chuyển dịch từ LM0 sang LM1 dẫn tới thu nhập giảm từ Y0 xuống Y1, lãi suất tăng từ i0 lên i1. Do lãi suất tăng lên dẫn đến hiện tượng tháo lui đầu tư, đầu tư giảm, thu nhập giảm, công ăn việc làm giảm xuống, bất ổn kinh tế- xã hội vẫn diễn ra.

Nếu NHTW thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt đồng thời Chính phủ thực thi chính sách tài khóa thu hẹp, đường tổng cầu dịch chuyển nên đường IS cũng dịch chuyển từ IS0 sang IS1, lãi suất không tăng mà vẫn giữ ở mức i0, không đẫn đến hiện tượng tháo lui đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm nhưng phải đánh đổi là mức thu nhập giảm đi.

Vị trí cân bằng mới E2 là giao điểm của IS1 và LM1, với mức lãi suất vẫn là i0 không gây nên hiện tượng tháo lui đầu tư và sản lượng đạt tại Y2 (Y2< Y1<Y0).

III. VÍ DỤ VỀ SỰ PHỐI HỢP CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VÀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

1. Sự phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ ở Việt Nam giai đoạn 2011-2014

Nhìn lại chặng đường tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2013, điểm nổi bật là các mục tiêu cơ bản trong điều hành kinh tế vĩ mô đã đạt được. Đóng góp vào kết quả đó là sự kết hợp hài hòa trong điều hành giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế được lạm phát, khơi thông nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điểm tựa cho kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn.

Vai trò của việc phối hợp giữa chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) là rất quan trọng trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Lạm phát được kiểm soát ở mức ổn định trong hai năm 2012 và 2013 lần lượt là 6,81% và 6,04%. Trong 3 tháng đầu năm 2014, lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm là những tín hiệu tích cực tạo nền tảng cho sự ổn định lạm phát trong trung hạn. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố lạm phát đang được kiểm soát thì nền kinh tế vẫn còn những vấn đề đặt ra đòi hỏi việc phối hợp giữa CSTT và CSTK cần phải chặt chẽ và linh hoạt hơn nữa, để không đẩy nợ công vào trạng thái mất an toàn và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Từ năm 2011 đến nửa đầu năm 2012, về cơ bản CSTT điều hành theo hướng tập trung vào chính sách lãi suất, với việc tăng lãi suất và áp dụng trần lãi suất huy động với mục tiêu để kiềm chế lạm phát. Nhờ CSTK thắt chặt đã mang lại kết quả tích cực khi tỷ lệ lạm phát của Việt Nam liên tục giảm vào năm 2012 và 2013, đều đạt dưới 7%, đúng với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, NHNN cũng đưa ra trần lãi suất huy động về mức 7%. Đây là mức lãi suất hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và vi mô và là yếu tố quyết định cho việc giảm lãi suất cho vay.

2. Những khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những điểm tích cực nói trên, phối hợp CSTK và CSTT đã gặp phải một số vấn đề “phức tạp” về mức độ, thời điểm, cách thức và cơ chế vận hành.

Thứ nhất, CSTK thắt chặt thể hiện ở việc giảm đầu tư công, bên cạnh việc thu hẹp danh mục và quy mô đầu tư để tái cấu trúc lại đầu tư công đang dẫn đến tình trạng tồn tại nhiều sản phẩm và công trình hay dự án dở dang. Trong trường hợp Chính phủ không chấp nhận sự phá sản của ngân hàng, các khoản nợ được tái cơ cấu sẽ do Nhà nước gánh chịu. Điều này vô hình chung sẽ chuyển các khoản nợ doanh nghiệp thành nợ của Nhà nước và khiến Nhà nước vừa là chủ nợ vừa là con nợ.

Thứ hai, khó khăn khi hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với khoản nợ nước ngoài, mặc dù đang ở mức vừa phải, đòi hỏi NSNN phải gánh chịu khi đồng tiền của các chủ nợ hay đối tác cung cấp vốn ODA có hoàn lại với lãi suất ưu đãi có xu hướng mạnh lên so với VND. 

Thứ ba, việc phối hợp CSTK và CSTT đòi hỏi cao trong liên kết và phối hợp giữa nhiều cơ quan với nhau trong hoạch định và thực hiện. Những vấn đề liên quan đến các tham số kinh tế vĩ mô quan trọng. Bên cạnh đó, năng lực phối hợp điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như hiệu lực và hiệu năng của chính sách ban hành đang là những vấn đề cần hoàn thiện.

KẾT LUẬN

Việc điều hành và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô chưa bào giờ là dễ dàng, cũng không có chính sách kinh tế vĩ mô hay sự phối hợp giữa các chính sách đạt được kết quả hoàn hảo, do đó đòi hỏi rất lớn từ sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan chức năng cũng như tầm nhìn của các nhà hoạch định kinh tế. Với kiến thức và tầm hiểu biết còn nhiều hạn chế nên bài viết không thể tránh khỏi những sai sót, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu từ quý thày cô để bài viết được hoàn thiện hơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ giáo dục và đào tạo, Kinh tế học vĩ mô, NXB. Giáo dục Việt Nam, 1997-2009.

2. Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình kinh tế học đại cương, NXB. Công an nhân dân, 2002.

3. Ths. Phạm Sỹ An – Viện kinh tế Việt Nam, Chặt chẽ, linh hoạt trong phối hợp: “ chìa khóa” để kiềm chế lạm phát, 2014. http://www.tapchitaichinh.vn/

4. PGS.TS. Hoàng Ngọc Hòa, Phối hợp một số chính sách kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay, NXB chính trị quốc gia, 2002.

5. Ths. Trịnh Thị Phan Lan – Đại học quốc gia Hà Nội, Những điểm nhấn trong phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, 2014. http://www.tapchitaichinh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét