Bài tập học kỳ Luật Hôn nhân và gia đình.
Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào có tốt, có lành mạnh thì xã hội mới tốt, mới lành mạnh được. Đối với Việt Nam – một nước xuất phát từ nền nông nghiệp đi lên, với truyền thống Á Đông, gia đình lại càng quan trọng. Song, có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc, ấm no lại không hề dễ dàng. Bởi lẽ, trong gia đình nào cũng đều có những mâu thuẫn phát sinh, đặc biệt là khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về vật chất ngày càng trở nên quan trọng. Mà mâu thuẫn trong vấn đề tài sản là chủ yếu; nổi bật trong đó chính là việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Chia tài chung trong thời kì hôn nhân đã được đề cập từ lâu trong Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam. Đặc biệt là khi trong thực tiễn, áp dụng vấn đề chia tài chung trong thời kì hôn nhân cũng có những phức tạp, khó khăn. Những quy định theo cơ sở của pháp luật cho dù có chặt chẽ, kĩ lưỡng tới đâu cũng có thể có trường hợp dễ gây ra sự nhầm lẫn. Có ý kiến cho rằng: “ Việc pháp luật cho phép vợ chồng chia tài sản trong thời kì hôn nhân là gián tiếp công nhận ly thân”, quan điểm này đúng hay sai là vấn đề mà em xin được làm rõ trong bài tiểu luận của mình.
Từ việc nghiên cứu đề tài: “Có ý kiến cho rằng pháp luật cho phép vợ chồng chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân là gián tiếp công nhận ly thân. Nêu ý kiến cá nhân về vấn đề này” sẽ cho chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn và có cách hiểu sâu sắc, đa diện hơn.
Trong khuôn khổ cho phép của bài tiểu luận, cùng với trình độ chuyên môn còn hạn chế, bài làm không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến, chỉ bảo của thầy cô.
Em xin chân thành cảm ơn!
I. Khái niệm chung về chế độ tài sản của vợ chồng, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân trong hệ thống pháp luật Việt Nam và vấn đề ly thân
1. Khái niệm chung về chế độ tài sản chung của vợ chồng
Gia đình luôn là mối quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức và đặc biệt là nhà nước. Vấn đề được quan tâm đó chính là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Một gia đình có thể tồn tại và phát triền thì phải có các điều kiện về vật chất. Do đó chế độ tài sản của vợ chồng là vấn đề cơ bản, quan trọng mà nhà làm luật đã quan tâm đưa vào trong pháp luật hôn nhân và gia đình
“Chế độ tài sản của vợ chồng là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh về ( sở hữu) tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản giữa vợ và chồng theo luật”(1)
a) Tài sản.
Khái niệm tài sản trong pháp luật dân sự đã được quy định lần đầu tiên năm ở Bộ luật dân sự năm 1995, theo đó tại điều 172 quy định: “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Khái niệm này được quy định tiếp ở điều 163 Bộ luật dân sự 2005: “ Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá trị và các quyền tài sản”. Dù quy định như nào thì tài sản cũng cần có đủ tiêu chí là phải mang lại lợi ích nào đó cho con người.
b) Tài sản chung của vợ chồng
Theo điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 , “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung….Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất…”
(1) Xem “ Chế độ tài sản chung của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình” TS Nguyễn Văn Cừ.
Theo Khoản1, Điều 217 Bộ luật dân sự 2005 thì sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Do đó việc xác định phần quyền của vợ (chồng) trong khối tài sản chung của họ là không thể, trừ khi tài sản đó đã được phân chia bởi quyết định, Bản án có hiệu lực của Tòa án .
Theo đó, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 03/10/2001 thì “những thu nhập hợp pháp khác” của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể là tiền thưởng, tiền trợ cấp, tiền trúng thưởng xổ số, mà vợ, chồng có được hoặc tài sản mà vợ chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại các Điều 247, 248, 249, 250, 251 và 252 Bộ luật dân sự... trong thời kỳ hôn nhân.
“Thời kỳ hôn nhân” là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân (Khoản 7 Điều 8 Luật HN&GĐ). Đối với những trường hợp hôn nhân thực tế thì thời kỳ hôn nhân sẽ được xác định theo Nghị quyết số 35/2000/QH 10 của Quốc hội ngày 9/6/2000. Trong khoảng thời gian này nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng tạo lập ra tài sản thì tài sản đó được xem là tài sản chung của vợ (chồng). Chúng ta cần chú ý là một tài sản chỉ được xem là tài sản chung của vợ chồng khi tài sản đó được hình thành hợp pháp.
Như vậy, một tài sản được xem là tài sản chung của vợ chồng khi tài sản đó được hình thành hợp pháp trong thời kỳ hôn nhân. Những tài sản mà hình thành trước khi kết hôn và những tài sản mà vợ chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân chỉ trở thành tài sản chung của vợ chồng khi vợ chồng có thỏa thuận.
2. Khái niệm vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Một vấn đề được các nhà làm luật chú ý tới trong luật hôn nhân và gia đình đó là vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Khái niệm này được quy định cả trong Nghị định số 70/2001 NĐ-CP ngày 03/10/2001. Theo điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình Chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết…”.
Về bản chất thì chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân là sự thỏa thuận hoặc là thông qua cơ chế Tòa án để chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân.
3. Vấn đề ly thân
a) Khái niệm ly thân
Ly thân là cho phép hai vợ chồng sống riêng biệt với nhau, song giữa họ vẫn còn quan hệ vợ chồng. Ly thân, hiểu đơn giản là sự sống riêng giữa vợ và chồng, như là không ăn chung, ở chung, không sinh hoạt vợ chồng.
Mục đích của ly thân, theo quy định của luật pháp các nước là để giảm thiểu những căng thẳng, xung đột gay gắt giữa vợ và chồng hoặc tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời để các bên có thời gian suy ngẫm, ăn năn hối cải, khắc phục lỗi lầm, sửa đổi tính tình, tha thứ cho nhau... để vợ chồng đoàn tụ, tiếp tục chung sống. Ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lý giữa vợ và chồng nên trong thời gian sống ly thân, các bên vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với con chung và tài sản. Mặt khác, nếu qua quá trình ly thân mà tình trạng vợ chồng vẫn trầm trọng, vợ hoặc chồng vẫn chứng nào tật nấy, không cảm thông, tha thứ cho nhau, không khắc phục lỗi lầm, không dung hòa... khi ấy, các bên có thể xin ly hôn.
Như vậy, ly thân là để hướng đến sự đoàn tụ, chứ không phải để hướng đến ly hôn. Với ý nghĩa đó, ly thân không phải là bước đệm để ly hôn. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian ly thân mà các bên vẫn không thể nào đoàn tụ được, lúc đó ly thân là cơ sở để tòa án xem xét giải quyết cho ly hôn.
b) Những quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề ly thân
Ở miền Nam trước năm 1975, Nước ta cũng có chế định về ly thân. Gia đình ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 (Luật Gia đình năm 1959, Sắc luật 15/64 về dân sự, Bộ Dân luật năm 1972) đã quy định về chế định ly thân. Năm 2000, vấn đề ly thân được đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ năm 1986 nhưng chưa được Quốc hội chấp nhận. Luật pháp cho phép vợ chồng ly thân song song với biện pháp ly hôn. Khi có bản án cho ly thân, quan hệ vợ chồng được đặt trong tình trạng đặc biệt với những điểm chủ yếu như hai vợ chồng ra ở riêng, chồng không còn quyền gia trưởng đối với vợ, tài sản chung- riêng được thanh toán và chia cho mỗi người, giải quyết phân chia nghĩa vụ nuôi dưỡng con cái. Tuy nhiên, giữa họ vẫn còn quan hệ vợ chồng nên cả hai vẫn còn nghĩa vụ thủy chung, chưa được có chồng, vợ khác.
Vấn đề ly thân hiện nay
Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành hoàn toàn không có chế định về ly thân. Vì luật không quy định nên không có một định nghĩa chính xác về ly thân, cũng không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra giải quyết cho ly thân theo hướng ra quyết định hoặc bản án công nhận cho ly thân. Trong quy định về căn cứ cho ly hôn cũng không có quy định là vợ chồng phải sống ly thân một thời gian rồi mới được ly hôn.
Vì pháp luật không quy định nên hiện nay, ly thân là chuyện riêng và thuộc quyền quyết định của mỗi cặp vợ chồng. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy liên quan tới ly thân lại có rất nhiều vấn đề bức xúc cần pháp luật điều chỉnh và giải quyết. Ví dụ như: nhiều cặp vợ chồng lấy việc ly thân như một sự ràng buộc không hồi kết với tư duy “ trả thù” hay “ không ăn được thì đạp đổ, không cho đối phương tìm hạnh phúc mới; hoặc để dễ dàng ly hôn hơn…Trong khi ở nước ngoài có chế định ly thân; khi ly thân hai vợ chồng nhất thiết phải ở riêng và muốn đoàn tụ phải xin phép tòa án.
II. Quan điểm cá nhân về vấn đề “Có ý kiến cho rằng pháp luật cho phép vợ chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là gián tiếp công nhận ly thân”
1. Phân biệt rõ ràng hai khái niệm “ Chia tài sản trong thời kì hôn nhân” và “ Ly thân”. Khẳng định không đồng tình với quan điểm trên
Có quan điểm cho rằng việc pháp luật quy định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đã gián tiếp thừa nhận tình trạng “ly thân” trong mối quan hệ vợ chồng. Hiện nay luật HN&GĐ Việt Nam không có quy định nào “ly thân”. Ly thân là việc vợ chồng không muốn ly hôn nhưng lại muốn chấm dứt trách nhiệm pháp lý đối với nhau trong mối quan hệ của vợ chồng. Còn chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân vừa không có liên quan tới việc không muốn ly hôn và cũng không chấm dứt trách nhiệm pháp lý đối với nhau trong mối quan hệ vợ chồng. Nói như vậy thì ly thân và chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân rõ ràng là hai vấn đề khác nhau, vì chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt trách nhiệm pháp lý đối với nhau.
Nếu xét về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản thì ly hôn là vấn đề tác động tới quan hệ nhân thân, thậm chí là có cả quan hệ tài sản.Ttrong khi chia tài sản trong thời kì hôn nhân lại chỉ tác động tới quan hệ tài sản mà không hề tác động tới quan hệ nhân thân. Do đó không đồng tình với quan điểm theo đầu bài.
2. Những thuận lợi và hậu quả của việc áp dụng quy định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
a) Ly thân không phải lí do duy nhất dẫn tới việc chia tài sản chung. Có nhiều nguyên nhân mà vợ chồng chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
Nhìn nhận một cách thực tế, có thể khẳng định: Ly thân không phải là lý do duy nhất dẫn tới việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Mà có nhiều lý do mà Vợ chồng phải chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân
Ly thân là một trong những lý do dẫn tới việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Trong đời sống vợ chồng không tránh những mô thuẫn phát sinh, hoặc tình cảm vợ chồng không còn nữa. Thế nhưng vợ chồng không muốn ly hôn vì những lý do như: ảnh hưởng đến con cái, danh dự, uy tín của nhau…Do vậy họ tiến tới việc ly thân. Trong trường hợp này việc quy định vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xã hội của những cặp vợ chồng khi rơi vào trường hợp trên. Từ đó giúp cho vợ(chồng) chủ động hơn trong việc định đoạt tài sản chung của mình khi có nhu cầu. Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân giúp cho vợ chồng tránh được những xung đột không đáng có, từ đó hòa khí trong gia đình sớm trở lại bình thường, số lượng vụ án ly hôn giảm xuống đáng kể.
Song, có nhiều lý do khác khiến vợ chồng chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân( khẳng định rằng: Ly thân không phải là lý do duy nhất)
Đầu tiên,chúng ta thừa nhận việc pháp luật vợ chồng cho phép chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân là hoàn toàn cần thiết và hợp lí, có thể đáp ứng những nhu cầu thực tiễn của đời sống hôn nhân hiện nay.
Thứ hai, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đã tạo điều kiện thuận lợi cho vợ chồng trong việc đầu tư, kinh doanh, giúp cho vợ chồng tránh được những rủi do trong kinh doanh. Ngoài ra chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bảo vệ được quyền lợi của các bên thứ ba khi tham gia giao dịch với vợ chồng .
Ngày nay hoạt động kinh doanh đóng vai trò rất quan trọng đối với gia đình và xã hội, nhưng bên cạnh đó hoạt động này cũng để lại rất nhiều rủi ro cho chủ thể kinh doanh và dẫn tới hàng nhiều hậu quả hết sức nghiêm trọng. Do đó việc hạn chế những rủi do trong kinh doanh là vấn đề rất quan trọng. Pháp luật HN&GĐ đã giúp vợ chồng hạn chế được những rủi do trong kinh doanh bằng cách cho phép vợ chồng chia tài sản của mình trong thời kỳ hôn nhân. Khi vợ (chồng ) dùng tài sản của mình vào kinh doanh mà gặp phải rủi do dẫn tới mất hết tài sản của mình thì người vợ (chồng) còn lại sẽ vẫn còn tài sản để đảm bảo cho cuộc sống của gia đình
Bên cạnh đó việc chớp lấy thời cơ trong kinh doanh cũng rất quan trọng, trong khi đó việc bàn bạc và thỏa thuận của vợ chồng về vấn đề kinh doanh đó có thể là nguyên nhân dẫn tới thời cơ kinh doanh không còn nữa. Do việc quy định như vậy sẽ giúp cho vợ chồng dễ ràng hơn trong việc kinh doanh
Thứ ba, Cũng có trường hợp vợ, chồng trước khi kết hôn hoặc trong thời kì hôn nhân đã vay một khoản tiền hay tài sản sử dụng vào nhu cầu riêng…nhưng tài sản riêng không có hoặc không đủ mà vợ chồng không thỏa thuận được lấy tài sản chung để trả nợ riêng cho một bên thì vợ chồng có quyền yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để người vợ, chồng lấy phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng nhằm thanh toán món nợ mà mình đã vay của người khác
Thứ tư, việc quy định chia tài sản chung của vợ chồng còn nhằm hạn chế tình trạng ly hôn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đối với người dân, với xã hội. Từ đó nâng cao vai trò của Đảng, Nhà nước ta là một nhà nước pháp chế XHCN, nhà nước của dân, do dân và vì dân
b) Việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân không đương nhiên đặt vợ chồng vào tình trạng ly thân
Để hiểu rõ điều này, ta để cập tới hậu quả:
Theo Điều 30 luật HN&GĐ; Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 thì chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ dẫn tới hậu quả sau
• Quan hệ nhân thân
Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt quan hệ nhân thân của vợ chồng, giữa họ vẫn tồn tại quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý. Tức các mối quan hệ trong gia đình không bị ảnh hưởng gì khi vợ chồng chia tài sản chung, trừ những mối quan hệ liên quan tài sản chia. Vợ chồng vẫn phải tiếp tục chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền và nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc và nuôi dưỡng con cái, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững…
• Quan hệ tài sản
Tài sản chung sau khi chia thuộc sở hữu riêng của vợ (chồng), vợ (chồng) có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng đó theo quy định Điều 33 luật HN&GĐ kể từ khi việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực pháp luật mà không cần sự bàn bạc, thỏa thuận của hai người, trừ trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã được đưa vào sử dụng chung mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản riêng đó phải được sự thỏa thuận của cả vợ chồng
Điều 30 luật HN&GĐ có quy định như sau “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng”
Điều 8 Nghị Định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 đã hướng dẫn chi tiết về vấn đề này như sau “1.Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thì thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác
Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ phần tài sản chung còn lại vẫn thuộc sở hữu chung của vợ, chồng.
Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác”
Như vậy hậu quả của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân chỉ tác động tới quan hệ tài sản mà không làm ảnh hưởng tới quan hệ hôn nhân. Do vậy, việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân không đương nhiên đặt vợ chồng vào tình trạng ly thân
3) Vấn đề ly thân trong thực tế
Khác với li hôn, có thể dễ dàng thống kê số vụ li hôn trên thực tế qua các tòa án bởi tòa án chính là cơ quan ra quyết định li hôn, chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng, li thân rất khó thông kê được trên thực tế. Con số các cặp vợ chồng li thân hiện nay là không hề nhỏ.
Theo thống kê, ở nước ta có tới 90% các cuộc ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân. Đây là giai đoạn làm phát sinh nhiều hậu quả về nhân thân, tài sản và con song chưa được pháp luật Hôn nhân và Gia đình quy định... Không chỉ liên quan đến con cái hay tài sản, nhiều vụ đánh ghen, thậm chí gây ra án mạng trong thời gian ly thân bởi một trong hai người cho rằng khi đã ly thân là mình có quyền tự do đi tìm bạn đời, còn người kia thì không chấp nhận vì trên danh nghĩa, họ vẫn là vợ chồng. Trong khi đó, nhiều người khác lợi dụng sự mập mờ của tình trạng ly thân kéo dài để trốn tránh trách nhiệm làm chồng, làm cha mặc dù không muốn ly hôn.
Ly thân và chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân có phần nào liên quan tới nhau. Nếu vợ chồng ly thân thì chắc chắn việc Ly thân sẽ chỉ nằm trong sự thỏa thuận của hai vợ chồng mà cơ quan pháp lí hoàn toàn không hay biết, lợi dụng quy định của pháp luật về việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân, vợ chồng sẽ phân chia tài chung của mình mà vẫn được nhìn nhận trên thực tế là chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân với các mục đích quy định ở điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Do đó, ly thân có liên quan tới mục đích của việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.
Bên cạnh đó, việc pháp luật cho phép chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân thì xảy ra những trường hợp vợ chồng thỏa thuận với nhau về việc áp dụng một cách triệt để, tức là chia toàn bộ tài sản. Sau khi chia tài sản, vợ chồng vẫn có trách nhiệm đối với gia đình. Thế nhưng, pháp luật không quy định trách nhiệm của mỗi bên đối với gia đình như thế nào?. Dẫn tới tình trạng vợ chồng bỏ bể đời sống gia đình, mục đích hôn nhân không đạt được và vợ chồng xảy ra tình trạng ly thân.
Điều này đã chứng minh rằng ly thân và việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân có phần nào liên quan tới nhau nhưng vẫn có tính độc lập nhất định.
(Tính độc lập của nó đã được chứng minh ở mục II. 2)
4) Kiến nghị về vấn đề này
Thứ nhất, luật hôn nhân và gia đình năm 2000 cần phải bổ sung một quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của mỗi bên vợ chồng khi họ chia tài sản chung. Cần phải xác định phạm vi nghĩa vụ rõ ràng của từng người đối với việc duy trì đời sống chung khi chia tài sản chung( đặc biệt là trường hợp chia toàn bộ tài sản chung). Vì thế trong văn bản thỏa thuận chia tài sản chung cần có một số nội dung bắt buộc về tài sản đảm bảo cho nhu cầu chung của gia đình.
Thứ hai, quy định khoản 2 Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 có quy định: “ Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”. Như vậy nếu vợ chồng không có “ thỏa thuận khác” thì có đồng nghĩa với việc “ chấm dứt chế độ tài sản chung”. Điều này bất hợp lí và mâu thuẫn với quy định xác định tài sản chung trong thời kì hôn nhân ở Điều 27 Luật HN &GĐ. Do vậy cần phải có sự quy định rõ ràng ở đây, những thu nhập liên quan tới hoạt động đầu tư kinh doanh mới được xem là tài sản riêng.
Thứ ba, cần đưa vấn đề ly thân vào luật. Ở Việt Nam, ly thân từ lâu đã được coi là “ đóng cửa bảo nhau” Tức là vợ chồng hoàn toàn tự thỏa thuận, thực tế này xuất phát từ đặc điểm của li thân, Li thân hoàn toàn do vợ chồng thỏa thuận mà không cần sự can thiệp của bất kì cơ quan, tổ chức nào và không hề có sự can thiệp của pháp luật nên có thể diễn ra và kết thúc bất cứ lúc nào. Đặc biệt là mặc dù chế định ly thân hông được luật quy định song các vụ án xét xử, các toàn án lại thường công nhân tình trạng ly thân và dùng làm căn cứ để giải quyết cho ly hôn. Do vậy, việc ly thân cần có chế định quy định rõ ràng bao gồm nội dung ly thân, thời hạn ly thân, hậu quả pháp lý của ly thân, thẩm quyền giải quyết ly thân.
KẾT LUẬN
Trên cơ sở kế thừa luật hôn nhân và gia đình năm 1987, luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định chi tiết và cụ thể hơn về chế độ chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Việc quy định vế vấn đề này là cần thiết, đã đáp ứng được xu thế phát truyển của xã hội và nhu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì trong quá trình áp dụng, luật hôn nhân và gia đình năm 2000 vẫn còn gặp phải những khó khăn do thiếu sót , bất cập trong việc quy định của pháp luật. Đặc biệt là trong vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Do vậy với điều kiện kinh tế, xã hội phát triển như hiện nay thì nhu cầu chia tài sản chung của vợ chồng có thể sẽ xảy ra rất nhiều. Do đó, để chế độ này được thực hiện tốt trên thực tế thì đòi hỏi văn bản pháp luật nói chung và luật hôn nhân và gia đình nói riêng phải quy định chi tiết và cụ thể hơn về vấn đề này một cách logic, chặt chẽ và hợp lý hơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, NXB Công An Nhân dân
2. Chế độ tài sản chung của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình” TS Nguyễn Văn Cừ.
3. Luật Hôn Nhân và Gia đình: giải đáp 175 câu hỏi.
4. Những điều cần biết về Ly Hôn- NXB Phụ Nữ
5. Chỉ dẫn áp dụng Luật Hôn Nhân & Gia đình, NXB Tư Pháp, TS. Võ Trí Hảo
6. Bộ luật dân sự năm 1995
7. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
8. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 03/10/2001
9. Nghị quyết số 35/2000/QH 10 của Quốc hội ngày 9/6/2000
10. Nghị định số 70/2001 NĐ-CP ngày 03/10/2001
11. Luật Gia đình năm 1959
12. Sắc luật 15/64 về dân sự, Bộ Dân luật năm 1972
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét