Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Quan điểm về cấp độ liên kết của cộng đồng ASEAN

Bài tập học kỳ Pháp luật cộng đồng ASEAN.

Cộng đồng ASEAN là sự liên kết của các quốc gia ASEAN ở cấp độ cao hơn và sâu rộng hơn là các liên kết trong một tổ chức quốc tế thông thường, hướng tới phát triển các liên kết trên 3 lĩnh vực: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, hình thành nên 3 trụ cột là Cộng đồng chính trị - an ninh (APSC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC). Trừ Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN là mô hình liên kết độc đáo, chưa từng có tiền lệ trên thế giới, Cộng đồng chính trị - an ninh và Cộng đồng kinh tế ASEAN đều mới chỉ đạt đến các cấp độ liên kết chưa cao, đặc biệt nếu so sánh với Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy em xin chọn đề bài: “ Bình luận quan điểm sau: Mặc dù cấp độ liên kết của cộng đồng ASEAN trong nhiều lĩnh vực chưa đạt được mức độ như Liên minh châu Âu- tổ chức quốc tế khu vực thành công nhất trên thế giới hiện nay, nhưng cấp độ như vậy sẽ phù hợp với những đặc trưng riêng về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của ASEAN” làm bài tập học kỳ của mình.

NỘI DUNG

I. Cấp độ liên kết của cộng đồng ASEAN so với Liên minh châu Âu

Cấp độ liên kết của cộng đồng ASEAN chưa đạt được mức độ như Liên minh châu Âu, cụ thể:

Về kinh tế, cộng đồng kinh tế ASEAN chỉ được xem là một thị trường chung trừ ( CM -, trừ đi hai nội dung thuế quan chung và hài hoà chính sách kinh tế) hoặc là một khu vực thương mại tự do cộng ( FTA +, cộng thêm hai sự tự do luân chuyển các yếu tố của sản xuất là vốn và lao động). Trong đó, EU là liên kết có sự phát triển cao về sự di chuyển tự do hàng hoá, dịch vụ, sức lao động, tư bản giữa các nước thành viên. Liên minh kinh tế tiền tệ ( EMU) là cấp độ liên kết cao nhất mà ở đó các nước thành viên phải phối hợp chính sách tiền tệ với nhau, cùng thực hiện một chính sách tiền tệ thống nhất và cuối cùng là sử dụng chung đồng tiền đó, Liên minh châu Âu EU đã đạt đến được cấp độ liên kết cao nhất này kể từ khi cho ra đời đồng EURO vào ngày 1/ 1/2002.

Về chính trị- an ninh, hiện nay cộng đồng chính trị- an ninh ASEAN ( APSC) đang nằm ở cấp độ phát triển, với các đặc điểm như: hợp tác đối phó với hiểm họa; nhiều nội dung hợp tác mới về an ninh, chính trị đã được được triển khai; chia sẻ các vấn đề chung và đối thoại về quốc phòng. Trên thực tế ta có thể thấy nếu ASEAN thực hiện được đầy đủ những gì kế hoạch đã đề ra trong việc xây dựng cộng đồng Chính trị - an ninh thì đến năm 2015 mức độ liên kết của APSC sẽ là cấp độ trưởng thành nhưng chỉ là ở mức độ “lỏng” vì APSC sẽ không động đến chủ quyền của các quốc gia thành viên trong hoạch định chính sách an ninh quốc phòng cũng như không ảnh hưởng đến quan hệ an ninh và phòng thủ của từng quốc gia thành viên với bên ngoài. Việc hợp tác của các thành viên APSC vẫn chỉ là hợp tác liên chính phủ tức là sẽ không có sự chuyển chủ quyền từ các quốc gia thành viên và theo như kế hoạch thì ASEAN luôn khẳng định APSC sẽ không phải là một khối phòng thủ chung. Còn Liên minh châu Âu đã đạt đến mức độ trưởng thành cao hơn cấp độ liên kết của ASEAN trong liên kết của hợp tác chính trị- an ninh vì EU đã thể chế hóa được các cơ chế hợp tác, các quốc gia đã nhượng một phần chủ quyền cho liên minh trong vấn đề chính trị- an ninh tạo nên một sự thống nhất trong vấn đề an ninh nội khối và đã có được chính sách đối ngoại và phòng thủ chung đây là liên kết ở cấp độ trưởng thành liên kết chặt vì liên kết quân sự của Eu rất chặt chẽ, hoạch định được những chính sách đối ngoại chung và đặc biệt trong việc phối hợp chống lại nguyên cơ từ bên trong và bên ngoài.

II. Sự phù hợp với ASEAN

Mặc dù cấp độ liên kết của cộng đồng ASEAN trong nhiều lĩnh vực chưa đạt được mức độ như Liên minh châu Âu- tổ chức quốc tế khu vực thành công nhất trên thế giới hiện nay, nhưng cấp độ như vậy sẽ phù hợp với những đặc trưng riêng về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của ASEAN vì:

• ASEAN là một khu vực các quốc gia kém phát triển, khoảng cách phát triển giữa các quốc gia là quá lớn: Trong ASEAN chia thành ASEAN 6 và ASEAN 4. Các nước ASEAN 6 phát triển hơn các nước ASEAN 4. Về thu nhập, thu nhập đầu người của các nước ASEAN có sự tương phản rất sâu sắc. Mức thu nhập bình quân đầu người (tính theo ngang giá) năm 2009 của Bru-nây, Xin-ga-po ( các nước ASEAN 6) đạt xấp xỉ 50 nghìn USD. Đây là nhóm nước có mức thu nhập bình quân đầu người không chỉ cao nhất trong khu vực, mà còn có thể so sánh với một số quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới. Mức thu nhập này cao gấp 17 lần so với Việt Nam (2.900 USD), và gấp 50 lần so với Mi-an-ma (1.100 USD) - nước nghèo nhất khu vực ( các nước ASEAN 4). Ma-lai-xi-a, Thái-lan có mức thu nhập cao hơn nhiều so với CLMV nhưng cũng chỉ bằng một phần ba của Xin-ga-po hay Bru-nây. Tương tự, về quy mô thị trường và cấu trúc của các ngành kinh tế trong các nước ASEAN cũng có sự khác biệt và chênh lệch rất lớn. Trong khi tổng GDP của In-đô-nê-xi-a đạt 546 tỷ USD, của Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po cũng đạt trên dưới 200 tỷ USD thì những nền kinh tế như Lào, Mi-an-ma, Cam-pu-chia chỉ đạt từ 5 đến 18 tỷ USD, thấp hơn 80 - 90 lần so với các thành viên khác. Trong khi đó các nước thành viên của Liên minh châu Âu có sự phát triển đồng đều, khoảng cách giữa các quốc gia là rất nhỏ.

• Định hướng phát triển của ASEAN tập trung vào chính trị- an ninh, đây là nội dung trọng tâm trong hợp tác của ASEAN. Còn Liên minh châu Âu hợp tác  xuất phát từ kinh tế.

• Trong khu vực ASEAN các quốc gia có sự khác biệt về truyền thống, văn hoá: ASEAN bao gồm những quốc gia khác biệt về tôn giáo và chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc và phương Tây nhưng mức độ ảnh hưởng ở từng quốc gia cũng khác nhau tạo nên những sắc màu văn hoá khác nhau. Có thể phân biệt một Đông Nam Á Ấn Độ hoá về phương diện văn hoá với một Đông Nam Á ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, những đặc điểm khác biệt trong văn hoá Đông Nam Á đã làm nên một Đông Nam Á đa dạng như ngày nay.

• Trong khu vực các quốc gia còn nghi kị lẫn nhau, có lịch sử đối đầu nhau: Trong lịch sử các quốc gia Đông Nam Á có sự đối đầu nhau, Đông Nam Á là khu vực đa dạng về lịch sử, chính trị văn hoá mà nổi bật hơn cả là sự đa dạng về dân tộc và tôn giáo. Qua so sánh cho thấy, chưa có khu vực nào trên thế giới lại bao gồm đầy đủ các tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo và Khổng giáo như ở Đông Nam Á. Trong điều kiện đó, sự gia tăng của các vấn đề dân tộc tôn giáo ( như khuynh hướng ly khai của các thế lực tôn giáo tại một số nước Đông Nam Á), sự xuất hiện khuynh hướng quốc tế hoá các thế lực tôn giáo, dân tộc, đặc biệt là sự phát triển của khuynh hướng bạo lực trong việc giải quyết các vấn đề…Cùng với đó là những xung đột, mâu thuẫn tiềm tàng giữa các nước trong khu vực, nên các quốc gia còn sự nghi kị lẫn nhau, hơn thế nữa lại có lịch sử đối đầu nhau, có những quốc gia đã từng xâm chiếm quốc gia khác và gây nên những cuộc chiến tranh trong lịch sử.

Vì những lí do trên nên mức độ liên kết như vậy là tương đối phù hợp với ASEAN. Nếu ASEAN tiến lên mức độ cao hơn thì không đạt được cấp độ mong muốn và rất dễ dẫn đến tan rã.

KẾT THÚC

Mỗi tổ chức liên kết khu vực đều có cách thiết kế và vận hành mô hình hợp tác của riêng mình, không thể có một công thức chung đối với tất cả các tổ chức. Tuy nhiên, việc học tập những bài học kinh nghiệm từ tổ chức khác, nhất là tổ chức được đánh giá là mô hình hợp tác thành công sẽ là cần thiết. ASEAN có thể tiếp thu những bài học của EU để có thể xây dựng mô hình hợp tác phù hợp với đặc điểm của mình theo nguyên tắc không phải là sự bắt chước, dập khuôn máy móc. Và xây dựng một cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét