Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

Những mặt tiêu cực trong đời sống âm nhạc của Sinh Viên hiện nay

Âm nhạc là cách cảm xúc trở thành âm thanh, để thể hiện trạng thái vui,buồn, hờn, ghen và chả có lí do gì sống trong cuộc đời có ai không thích âm nhạc. Nhưng hiện nay, đời sống âm nhạc đang trở nên biến chất và phong cách âm nhạc trở nên xuồng xã bởi sự tiếp nhận dễ dãi của giới trẻ. Trong đó, sinh viên chiếm số lượng không hề nhỏ, khi mà công nghệ phát triển khiến con người chỉ cần “nhấn ngón tay trỏ” là có thể được làm điều mình thích. Để hiểu rõ các vấn đề bức xúc hiện nay, em xin trình bày đề tài: “Những mặt tiêu cực trong đời sống âm nhạc của Sinh Viên hiện nay

NỘI DUNG

Âm nhạc đã phản ánh hiện thực cuộc sống một cách ước lệ và trừu tượng. Âm nhạc mô tả các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Âm nhạc còn có thể thể hiện quan điểm sống, chuyển tải tư tưởng. Còn một phần rất quan trọng trong nội dung của âm nhạc là sự đánh giá thực tại trên quan điểm của Mỹ học, có nghĩa là đánh giá các sự vật, hiện tượng nhưng không phụ thuộc vào cách nhìn nhận thực tiễn, thực dụng về đối tượng ấy. 

I. Những tiêu cực trong đời sống âm nhạc của Sinh viên hiện nay

1. Nghe nhạc Nội dung không lành mạnh

Những năm gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, âm nhạc đã đóng góp vai trò không nhỏ trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, làm cho cuộc sống không ngừng được cải thiện. Bên cạnh tính tích cực vốn có của dòng âm nhạc chính thống, thì trong đời sống hiện nay, một số hoạt động âm nhạc còn bộc lộ tính yếu kém, xa rời bản sắc, thuần phong mỹ tục, làm cho cái đẹp trong âm nhạc, méo mó, biến dạng. 

1.1 Biểu hiện của nghe nhạc có nội dung không lành mạnh

Ca từ dễ dãi, thô tục

Thời gian gần đây, thị trường nhạc Việt ghi nhận sự xuất hiện của hàng loạt ca khúc lạ tai, được viết theo lối tả thực với ca từ dễ dãi, đôi khi còn thô tục và âm nhạc thì lủng củng, ít tiết tấu, lời ca trần trụi. Một điểm chung của những ca khúc dạng này là tiết tấu sôi động, hiện đại nhưng giai điệu âm nhạc và ca từ thì ít tính nghệ thuật. Ý tưởng nội dung giống nhau đến 90%, đều phản ánh trần trụi các vấn đề tiêu cực xã hội, tình yêu đơn phương, hờn giận trách móc, chia ly, đau khổ… Giới âm nhạc gọi đây là “nhạc thời trang”. Những tác phẩm âm nhạc đích thực với chất lượng chuyên môn cao, ý nghĩa ca từ sâu sắc gần như bị gạt bỏ ra ngoài sở thích của một bộ phận không nhỏ công chúng trẻ nghe nhạc. Tất nhiên, với khán giả thế hệ 9X, nhiều người không cần có sự cảm nhận sâu sắc nội dung bài hát, ý nghĩa ca từ và ở một mặt nào đó, những ca khúc này đã ít nhiều phản ánh đúng sự thật đời sống.

1.2 Nguyên nhân của hiện tượng trên

Thói quen nghe nhạc dễ dãi của giới trẻ hiện nay đã dẫn đến việc hàng loạt sản phẩm âm nhạc kém chất lượng tràn ngập trên thị trường,  nhạc “thời trang” được nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ tìm đến như một cách dễ nhất để thu hút fan hâm mộ, gây dựng tên tuổi. Có cầu có cung - các nhà sản xuất âm nhạc cũng lên kế hoạch một cách bài bản hơn để khai thác loại nhạc này. Cứ thế, cả người sáng tác lẫn người hát bị cuốn theo vòng xoáy của người thưởng thức. Kết quả là, thị trường nhạc Việt ngày một trở nên biến dạng với đầy dẫy những ca khúc “ăn khách” nhưng “rẻ tiền”. Nếu nói rằng, thị hiếu âm nhạc cũng là một cách phản ánh tầm văn hóa của giới trẻ thì hẳn là những người không theo trào lưu nhạc thị trường sẽ thất vọng về một thế hệ cảm thụ âm nhạc khá “nhu nhược”.

1.3 Hậu quả

Tình trạng não ruột về ca từ, cũ mòn về giai điệu, dễ dãi về hòa âm, phối khí trong lĩnh vực sáng tác: tình trạng kì quặc về trang phục, nhố nhăng về phong cách; hàng loạt biến tướng của  thời “ âm nhạc thi trường” như lăng xê, quảng cáo, ăn cắp bản quyền tác phẩm, ăn cắp phong cách biểu diễn. Các bài hát có ca từ dễ dãi, miêu tả những cuộc tình lứa đôi, tình tay ba, lời lẽ nhiều khi dung tục. Hậu quả kéo theo là lối sống xuề xòa thực dụng trong tình cảm, gia tiếp của một số bộ phận sinh viên hiện nay. Thực trạng yêu nhanh, sống vội, sống thử, bạo lực tình yêu…đã xảy ra không ít trong sinh viên. Nếu việc thường xuyên tiếp xúc với một điều gì đó cũng sẽ bị ảnh hưởng trong quan điểm, suy nghĩ.

1.4 Cách khắc phục

Thứ nhất: Bộ thông tin truyền thông cần có chế tài xử phạt rõ ràng, đủ mạnh và nghiêm minh. Cần xây dựng lộ trình và lập ban thanh tra để xử lý tình huống khi cần.

Thứ 2: Cần xây dựng và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận, không hạn chế số lượng, nhất là đối với các công trình nghiên cứu về văn hóa, âm nhạc dân gian. Vì điều này rất cần cho việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.

Thứ 3: Cần xử phạt nghiêm, thậm chí cấm phát hành nếu tờ báo, trang báo điện tử nào vi phạm luật báo chí, xuất bản và quảng bá các sản phẩm văn hóa có ảnh hưởng không tốt tới việc định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, nhận thức, lối sống của đại bộ phận công chúng trong xã hội.

Thứ 4: Trong lĩnh vực đào tạo, cần có sự can thiệp, hoặc liên kết chặt chẽ giữa các trường để môn âm nhạc nói riêng, văn học nghệ thuật nó chung trở thành một chuyên ngành lựa chọn của các nhà báo tương lai. Vì chỉ khi họ được học, được tiếp cận một cách đầy đủ thì khi ra trường họ mới hiểu và có cái nhìn đúng.

Thứ 5: Các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động của tiểu ban lý luận phê bình. Có sự liên kết của các khối lý luận phê bình ở các cơ quan đơn vị hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

2. Hiện tượng “ Cuồng thần tượng”

2.1 Biểu hiện của hiện tượng

Đặc điểm nổi bật trong fan cuồng là sự a dua. Một số bạn trẻ, phần lớn là nữ giới, yêu thần tượng đến mức quên ăn, quên ngủ, gào khóc và được sờ vào người thần tượng, chia sẻ cảm xúc hả hê lên các trang mạng cá nhân, ngay lập tức tạo nên một dây chuyền kích động sự ghen tỵ và ham hố của những người khác. Người hâm mộ trẻ bất chấp nắng, mưa, nhịn đói nhịn khát, chẳng màng đến những lời chê trách có thể làm mọi thứ ngoài sức tưởng tượng của người lớn để thỏa mãn một điều duy nhất là biểu lộ cảm xúc với thần tượng của mình. Họ bất cần thân thể, chỉ chờ mà không ăn uống, thậm chí khóc lóc vô cớ, nhất là những cô gái rất trẻ cố bám mình theo xe thần tượng chạm tay vào kính xe rồi khóc lóc vật vã. 

2.2 Nguyên nhân

Ảnh hưởng fan cuồng ở các quốc gia châu Á xuất phát từ phương Tây như châu Âu, châu Mỹ. Một số ý kiến cho rằng, việc gào thét, khóc lóc khi thấy thần tượng không phải là hành vi vốn có của thanh thiếu niên Việt Nam mà là sự bắt chước, theo đuôi giới thanh thiếu niên Nhật Bản, Hàn Quốc và do hiệu ứng của các phương tiện truyền thông đại chúng và đặc biệt là Internet làm nên nền văn hóa cuồng si thần tượng trong giới thanh thiếu niên hiện nay ở Việt Nam.

2.3 Hậu quả

Để bám theo thần tượng, nhiều bạn trẻ đã không ngại bỏ học, bỏ thời gian, công sức thậm chí chấp nhận làm gái mại dâm để có tiền rồi tận tâm tận lực đi theo một ca sĩ, một diễn viên nổi danh mà không cần nhận được bất cứ gì. Cuồng thần tượng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Do ý thức sai lầm, nhiều người trẻ có thể rơi vào vòng lao lý mà không ý thức hết được những hành động của mình. Sống và bắt chước thần tượng không còn là một chuyện lạ lẫm, nhưng nhiều bạn trẻ lại phụ thuộc vào “phong cách” của thần tượng mà đánh mất chính mình. Người trẻ không thể thả trôi cuộc đời mình theo những trào lưu tức thời mà phải tự học cách lớn lên và trưởng thành.

2.4 Cách khắc phục

Cần có nhận thức đúng đắn về việc ngưỡng mộ thần tượng và lường được những hậu quả của sự mê muội để có thái độ và cách ứng xử phù hợp, làm cho tâm hồn phong phú hơn, nâng tầm văn hóa cho bản thân, từ đó phấn đấu vươn tới những tầm cao của đời sống. Biết chế ngự những cảm xúc say mê thái quá trước thần tượng, không chạy theo thần tượng một cách mù quáng; phê phán mọi biểu hiện mê muội thần tượng trong cuộc sống hàng ngày, trước hết là trong học đường.

II. Quan điểm cá nhân về những tiêu cực trong đời sống âm nhạc của sinh viên hiện nay.

1. Thưởng thức nghệ thuật

Để thưởng thức, hưởng thụ nghệ thuật, con người không chỉ dựa vào sự cảm nhận trực quan của các giác quan. Dù cho được những đôi tai  thính nhất, những đôi mắt tinh tường nhất, và có  những trực giác nhạy cảm nhất, nhưng thiếu những kiến thức về Mỹ học, về các môn học, ngành nghệ thuật thì khó có thể biết, hiểu một cách chính xác đầy đủ, sâu sắc được thế nào là hay là dở, là đẹp, là xấu… Khi tiếp xúc , đối diện với  những tác phẩm nghệ thuật. Cho nên muốn thưởng thức, hưởng thụ, đánh giá nghệ thuật cũng phải được học tập, rèn luyện những điều này để có được những năng lực thẩm mỹ mới cảm thụ nghệ thuật một cách đầy đủ, sâu sắc, tốt nhất. Điều này sẽ làm cho tâm hồn của mỗi người phong phú, hưng phấn và giàu sang hơn. Không những vậy, năng lực còn giúp ích rất nhiều cho mỗi người khi tìm kiếm, chọn lựa những thần tượng trong lĩnh vực giải trí của mình. 

2. Âm nhạc phản ánh tình trạng của một đất nước

Người xưa từng nói, nghe nhạc là biết được nước thịnh hay suy. Nền âm nhạc của một đất nước luôn phản chiếu bộ mặt văn hóa đất nước ấy. Và không chỉ làm chiếc gương in bóng tâm hồn một dân tộc, âm nhạc còn là loại hình nghệ thuật tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất vào đời sống xã hội đương thời. Nhìn vào việc lựa chọn, sử dụng và yêu thích những sản phẩm âm nhạc hôm nay sẽ thấy quá nhiều cảnh đời thường, sự nhếch nhác về tâm hồn, sự dung tục trong bản năng…

KẾT LUẬN

Trước thực trạng đời sống âm nhạc còn nhiều gam màu tối sáng cạnh tranh, chen lấn nhau; nghệ thuật chân chính và những trào lưu nhất thời lúc này lúc khác, nơi nọ nơi kia còn xâm thực lẫn nhau, thiết nghĩ, khán giả cần phải có bản lĩnh hơn, kiên quyết hơn để chọn lựa thưởng thức những sản phẩm âm nhạc chất lượng cao, đồng thời đào thải những “mầm mống thảm họa” ra khỏi đời sống âm nhạc dân tộc. Về phía những người làm nhạc và hát nhạc, cũng xin đừng quá chạy theo cái lợi trước mắt mà bỏ rơi trách nhiệm với xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét