Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Tác động của phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tới hoạt động quản lí và bảo vệ môi trường

Bài tập học kỳ Luật Môi trường.

Việt Nam đang chủ trương thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với nhịp độ ngày càng cao. Điều này mang lại những lợi ích vô cùng to lớn về mọi mặt cho đất nước nhưng bên cạnh đó chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Để bảo vệ môi trường (BVMT), Đảng và nhà nước ta đã áp dụng các công cụ khác nhau để bảo vệ, ngăn chặn tối đa các nguyên nhân làm ảnh hưởng xấu đến môi trường trong đó có việc lồng ghép chi phí BVMT và chi phí sản xuất kinh doanh vào giá thành sản phẩm.Việc lồng ghép này là một thành tựu hết sức quan trọng trong công tác quản lí môi trường ở một nước khi mà ngân sách còn khó khăn, khả năng phân bổ kinh tế cho mục tiêu quản lí và BVMT còn hạn chế như ở nước ta hiện nay. Hướng đi này vừa giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vừa đạt được mục tiêu BVMT với hiệu quả cao. Phí BVMT là một công cụ kinh tế hữu hiệu trong BVMT, là một bước tiến vô cùng quan trọng trọng trong công tác quản lí môi trường ở nước ta. Để tìm hiêu hơn về nội dung này em xin chọn đề bài: “Đánh giá tác động của phí BVMT đối với nước thải tới hoạt động quản lí và bảo vệ môi trường

NỘI DUNG

I. Những vấn đề lí luận về nước thải và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

1. Nước thải.

Theo tiêu chuẩn Việt nam 5980: 1995 thì “Nước thải là nước đã được thải ra từ sau khi đã sử dụng hoặc được tạo ra trong một quá trình công nghệ và không có gia trị trực tiếp đối với quá trình đó”.

Từ khái niệm trên có thể thấy nước thải được thải ra chủ yếu từ hai nguồn chính đó là: Nước thải được thải ra từ quá trình sinh hoạt của người dân và thứ hai là nước thải được tạo ra trong một quá trình công nghệ và không còn giá trị trực tiếp với quá trình đó nữa.

Ngoài ra nước thải chứa hàm lượng lớn các chất gây ô nhiễm tới môi trường, hàm lượng của nó chủ yếu bao gồm các chất lơ lửng (SS), chất hữu cơ (BDO, CDO) và kim loại nặng. Nước thải có tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người. Trong chất thải có chứa những chất độc hại như thủy ngân, chì… Lượng chất thải ngày càng lớn và chứa nhiều chất gây ô nhiễm nên đòi hỏi quy trình và công nghệ xử lí rất phức tạp và tốn kém.

2. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Theo quy định tại điều 2 của pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 thì “Phí là khoản tiền mà mà tổ chức, cá nhân phải trả khi một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ theo quy định trong danh mục phí được ban hành kèm theo pháp lệnh”

Trước tình hình ô nhiễm như hiện nay thì yêu cầu quản lí và BVMT  càng trở nên cần thiết, cần những công cụ hiệu quả để tăng cường quản lí và BVMT. Theo điều 148 luật BVMT năm 2014 quy định phí bảo vệ môi trường như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường hoặc làm phát sinh tác động xấu đối với môi trường phải nộp phí bảo vệ môi trường.

2. Mức phí bảo vệ môi trường được quy định trên cơ sở sau:

a) Khối lượng chất thải ra môi trường, quy mô ảnh hưởng tác động xấu đối với môi trường;

b) Mức độ độc hại của chất thải, mức độ gây hại đối với môi trường;

c) Sức chịu tải của môi trường tiếp nhận chất thải”.

Từ những quy định trên có thể xác định phí BVMT có những vai trò sau:

- Điều chỉnh hành vi môi trường một cách tự động. Phí BVMT là phí đánh vào chất, số lượng gây ô nhiễm. Từ đó buộc các đối tượng hạn chế xả thải, hạn chế hàm lượng chất thải gây ô nhiễm thải ra môi trường

- Khuyến khích hành vi BVMT do phí BVMT  không chỉ có tác dụng trực tiếp và lâu dài đối với hành vi gây ảnh hưởng tới môi trường của doanh nghiệp mà còn khuyến khích quá trình nghiên cứu, triển khai, thay đổi và phát triển kĩ thuật, công nghệ có lợi cho môi trường

- Giúp tăng hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên bởi nó tác động trực tiếp đến quyền lợi kinh tế của các cá nhân và các doanh nghiệp nên các chủ thể phải tính toán đến việc sử dụng nguồn tài nguyên như thế nào là tiết kiệm và hiệu quả nhất .

Với những quy định nhằm làm thay đổi hành vi của người gây ô nhiễm, khuyến khích các tác nhân gây ô nhiễm giảm lượng chất gây ô nhiễm thải ra môi trường, hướng tới hành vi thân thiện, BVMT của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân…. Ngoài ra còn tạo ra nguồn kinh phí để đầu tư trở lại cho các hoạt động BVMT. Cụ thể là một phần phí để đầu tư trang thiết bị mới và phần còn lại để duy trì , bảo dưỡng các công cụ thiết bị.

II. Đánh giá tác động của phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tới hoạt động quản lí và bảo vệ môi trường.

1. Thực trạng pháp luật về phí BVMT đối với nước thải tới hoạt động quản lí và bảo vệ môi trường.

• Đối với nước thải sinh hoạt:

Hiện nay quy định về mức phí BVMT đối với nước thải được quy định theo NĐ 25/2013/NĐ-CP và 2 thông tư liên tịch số 63/TTLT-BTC-BTNMT và thông tư số 6/2013/TT-BTC. 

- Quy định về đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là nước thải ra môi trường từ các hộ gia đình, tổ chức, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, trường học, bệnh viện…

- Quy định về mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt thì:

Tại điều 5 NĐ 25/2013/ NĐ-CP  thì “Mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỉ lệ phần trăm trên giá bán của 1m3 nước sạch, nhưng tối đa không quá 10% của giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng”

Như vậy hiện nay mức thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt căn cứ vào tổng khối lượng nước sinh hoạt thải ra chứ không căn cứ vào hàm lượng các chất gây ô nhiễm, cho nên mới chỉ có tác dụng khuyến khích chủ thể xả thải giảm lượng nước tiêu thụ chứ chưa có tác dụng khuyến khích chủ thể xả thải giảm hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong nước thải. Mặt khác với tình hình kinh tế xã hội hiện nay thì mức phí như hiện tại không còn phù hợp nữa bởi việc thu phí mức thải sinh hoạt tối đa là 10% so với giá nước sạch chưa bao gồm thuế VAT là quá thấp không đủ để chi phí cho việc vận hành, bảo dưỡng các thiết bị xử lí nước thải, chưa kể việc lại phải hoàn lại chi phí ban đầu đã bỏ ra để mua sắm thiết bị.

- Quy định về xác định số phí BVMT đối với nước thải:

Mức thu phí được quy định tại khoản 1 điều 5 TTLT 63/2013/BTC-BTNMT thì mức phí theo quy định tỉ lệ phần trăm trên giá bán nước sạch

Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt phải nộp (đồng) = Số lượng nước sạch sử dụng của người nộp phí (m3) x Giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (đồng/m3) x Tỷ lệ thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt theo quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (%)

Trường hợp giá bán nước sạch đã bao gồm thuế giá trị gia tăng thì xác định giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng như sau:

Giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng = Giá bán nước sạch đã bao gồm thuế giá trị gia tăng 1 + Thuế suất thuế giá trị gia tăng

Thuế suất thuế giá trị gia tăng hiện hành đối với nước sạch là 5% (năm phần trăm).
- Trường hợp mức thu phí được quy định bằng một số tiền nhất định:

Số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt phải nộp (đồng) = Số lượng nước sạch sử dụng của người nộp phí (m3) x Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt theo quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đồng/m3)

Số lượng nước sạch sử dụng được xác định theo đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ của người nộp phí. Trường hợp người nộp phí chưa lắp được đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ thì áp dụng theo định mức khoán lượng nước sạch tiêu thụ đối với từng loại đối tượng sử dụng nước sạch do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cho phù hợp với từng loại đối tượng sử dụng nước sạch.

Trường hợp tự khai thác nước thì số lượng nước sạch sử dụng được xác định căn cứ vào số người theo sổ hộ khẩu gia đình (đối với hộ gia đình) hoặc bảng chấm công, bảng lương, hợp đồng lao động (đối với tổ chức không sản xuất, chế biến) và lượng nước sạch sử dụng bình quân theo đầu người trong xã, phường, thị trấn.

Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tự khai thác nước để sử dụng thì số lượng nước sạch sử dụng được xác định căn cứ vào quy mô hoạt động kinh doanh, dịch vụ do cơ sở tự kê khai và thẩm định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Theo quy định trên thì đối với những đối tượng nộp phí chưa lắp đặt được đồng hồ đo lượng nước sạch tiêu thụ áp dụng theo định mức khoán lượng nước sạch thì việc xác định mức phí, số phí phải nộp sẽ không được chính xác, xảy ra hiện tượng đối tượng phải nộp phí nhiều hơn hoặc ít hơn số thực tế phải nộp. Tương tự như vậy, trường hợp tự khai thác nước thì lượng nước sạch được sử dụng được xác định căn cứ vào số người theo hộ khẩu gia đình hoặc bảng chấm công, hợp đồng lao động và lượng nước sạch sử dụng bình quân đầu người trong xã, phường cũng thiếu chính xác dẫn tới việc thu phí không đúng với thực tế.

- Quy định về quản lí và sử dụng số phí BVMT đối với nước thải thu được.

“Theo khoản 1 điều 7 TTLT số 63/2013/BTC-BTNMT thì  số tiền phí thu được sẽ để lại tối đa không quá 10% (mười phần trăm) trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thu được cho đơn vị cung cấp nước sạch; tối đa không quá 15% (mười lăm phần trăm) trên tổng số phí thu được cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để trang trải chi phí cho việc thu phí. Mức cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Phần còn lại (sau khi trừ đi số phí trích để lại cho đơn vị cung cấp nước sạch, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn) được nộp vào ngân sách địa phương và sử dụng theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều này”.

• Đối với nước thải công nghiệp

- Quy định về đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp:

Đối tượng chịu phí được quy định cụ thể tại điều 1 TTLT 63/2013/BTC-BTNMT. Đó là nhóm 15 ngành nghề sau:cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản; cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến:“thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá; cơ sở chăn nuôi, giết mổ: gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; cơ sở sản xuất thủ công nghiệp trong các làng nghề;  cơ sở: thuộc da, tái chế da; cơ sở: khai thác, chế biến khoáng sản; cơ sở: dệt, nhuộm, may mặc; cơ sở sản xuất: giấy, bột giấy, nhựa, cao su;cơ sở sản xuất: phân bón, hoá chất, dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, đồ gia dụng; cơ sở: cơ khí, luyện kim, gia công kim loại, chế tạo máy và phụ tùng; cơ sở sản xuất: linh kiện, thiết bị điện, điện tử; cơ sở: sơ chế phế liệu, phá dỡ tàu cũ, vệ sinh súc rửa tàu; nhà máy cấp nước sạch; hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, khu đô thị (trừ các trường hợp được miễn phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật); cơ sở sản xuất công nghiệp khác”

- Quy định về mức phí BVMT đối với nước thải công nghiệp:

Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến không thuộc Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến có nước thải chứa kim loại nặng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành (sau đây gọi tắt là Danh mục), được tính theo công thức:

F = f + C, trong đó:
- F là số phí phải nộp;
- f là phí cố định: 1.500.000 đồng/năm;
- C là phí biến đổi, tính theo: tổng lượng nước thải ra; hàm lượng 02 (hai) chất gây ô nhiễm là nhu cầu ô xy hoá học (COD) và chất rắn lơ lửng (TSS). Mức thu đối với mỗi chất theo Biểu chi tiết ở phụ lục 1:

b) Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc Danh mục, được tính theo công thức:

F = (f x K) + C, trong đó:
- F, f và C như quy định tại Điểm a Khoản này;
- K là hệ số tính phí theo lượng nước thải của cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc Danh mục và được xác định ở phụ lục 2:

Cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc Danh mục, nếu đã xử lý các kim loại nặng trong nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt phù hợp với mục đích sử dụng của nguồn tiếp nhận thì được áp dụng hệ số K bằng 1.

Không áp dụng phí biến đổi đối với cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí dưới 30 m3/ngày đêm (C = 0).

- Quy định về xác định số phí BVMT đối với nước thải công nghiệp:

Cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến không thuộc danh mục, lĩnh vực ngành sản xuất, chế biến có nước thải chứa kim loại nặng do bộ TN&MT ban hành được quy định tại điểm a khoản 2 điều 5 TTLT 63/2013/BTC-BTNMT :
Trường hợp có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí dưới 30m3/ngày đêm, chỉ phải nộp phí theo mức cố định f = 1.500.000 đồng/năm;
Trường hợp có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí từ 30m3/ngày đêm trở lên, ngoài việc phải nộp phí cố định f = 1.500.000 đồng/năm, hàng quý phải nộp phí biến đổi (Cq) được tính theo công thức sau:
Cq (đồng) = Tổng lượng nước thải ra
(m3) x Hàm lượng COD trong nước thải
(mg/l) x Mức thu đối với COD (đồng/kg) + Hàm lượng TSS trong nước thải
(mg/l) x Mức thuđối với TSS
(đồng/kg) x10-3
Trong đó:
+ Tổng lượng nước thải ra là lượng nước thải thực tế của cơ sở thải ra trong cả quý;
+ Hàm lượng COD, TSS trong nước thải được xác định theo kết quả phân tích thực tế;
+ Mức thu đối với COD và TSS được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 4 Thông tư này.

b) Cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến thuộc Danh mục:

- Trường hợp có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí dưới 30m3/ngày đêm, số phí phải nộp bằng mức phí cố định nhân với hệ số K bằng 2 là: 3.000.000 đồng/năm;

- Trường hợp có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí từ 30m3/ngày đêm trở lên, số phí phải nộp hàng quý được tính theo công thức sau:
- Fq = (f x K)/4 + Cq trong đó:
+ Fq là số phí phải nộp trong quý (đồng);
+ f = 1.500.000 đồng;
+ K được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 4 Thông tư này và được xác định theo lượng nước thải trung bình ngày đêm trong quý tính phí;
+ Cq được tính theo công thức quy định tại Điểm a Khoản này.

Đây là cách tính phí BVMT đối với nước thải công nghiệp hoàn toàn mới so với trước đây. Như vây để đánh giá đúng chỉ tiêu kim loại nặng tồn tại trong nước thải là rất khó, chúng ta không có các phòng đo, phân tích đạt tiêu chuẩn, đặc biệt ở những thành phố lớn, quận, huyện đông dân cư, việc lấy mẫu phân tích cho hàng chục ngàn là quá khó. Vì vậy đến NĐ 25/2013/NĐ-CP đã có những thay đổi để khắc phục khó khăn NĐ 67/2003/NĐ-CP là chỉ thu vào 2 chất là COD và TSS hơn mức thu cũng tăng lên cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay.

2. Đánh giá Đánh giá tác động của phí bảo vệ môi trường đối với nước thải tới hoạt động quản lí và bảo vệ môi trường.

• Một số kết quả đạt được

Đối với công tác nộp phí, số phí thu được tương đối lớn. Một số địa phương đã có trách nhiệm nộp phí đúng thời hạn và tăng dần qua các năm như tỉnh Phú Thọ (1363 triệu đồng vào năm 2008, 1149 triệu đồng năm 2007, 706 triệu đồng năm 2006). Như vậy quy định về cách thu phí đã phát huy hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành thu phí.  

Đối với công tác thu phí thì theo tổng công ty cấp nước Sài Gòn, từ khi áp dụng thu phí nước thải sinh hoạt năm 2004 đến năm 2011 công ty đã thu gần 560 tỉ đồng, trong đó gần 100% số hộ dân sử dụng nước đóng tiền đầy đủ, góp phần cải thiện môi trường nước. Còn việc thu phí với nước thải công nghiệp cũng đạt được một số thành tịu sau: tại thành phố Hồ Chí Minh, tổng số phí BVMT đối với nước thải công nghiệp thu được năm 2004, 2005 là 5011 tỷ đồng, năm 2006 là 6054 tỷ đồng, năm 2007 là 6207 tỷ đồng, năm 2008 là 8845 tỷ đồng, năm 2009 là 9832 tỷ đồng. căn cứ vào các số liệu nêu trên thì có thể thấy số phí thu được ở mỗi tỉnh, thành phố là khác nhau và đều thu về một lượng phí lớn từ các hộ gia đình, cá nhân. Từ đó giúp cải thiện môi trường một cách đáng kể.

• Một số hạn chế.

Đối với nước thải sinh hoạt như hiện nay thì cách thu chưa tạo ra được động lực làm giảm hàm lượng các chất gây ô nhiễm trong nước thải của các đối tượng chịu phí, chưa tạo ra được sự công bằng giữa những đối tượng phải chịu phí nước sinh hoạt thải ra từ các bệnh viện, trường học… thường có hàm lượng chất gây ô nhiễm cao hơn lượng nước được thải ra từ các hộ gia đình, cá nhân sinh hoạt nhưng lại đều chịu chung một mức phí. Do vậy việc thu phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt mới chỉ đạt được mục tiêu là tăng thu nhập để chi cho các hoạt động BVMT và giảm tổng số lượng nước tiêu thụ.

Đối với việc thu phí từ nước thải công nghiệp thì hàng năm ngân sách nhà nước thất thu một khoản tiền không nhỏ do nhiều doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ nộp phí nước thải công nghiệp, tình trạng này đã đang và rất phổ biến tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo báo cáo của chi cục BVMT Hà Nội từ năm 2007 đến năm 2009 chi cục nhận được hơn 300 tờ khai về phí BVMT và đã thẩm định số phí BVMT cho các cơ sở đã nộp tờ khai. Tổng số cơ sở đã được thẩm định là 82 cơ sở và tổng số phí đã thẩm định và gửi thông báo nộp phí năm 2009 gần 870 triệu đồng, nhưng quỹ BVMT chỉ thu được chưa tới 520 triệu đồng, như vậy số phí thu được chỉ đạt xấp xỉ 60% so với số phí đã thẩm định. Vẫn còn tồn tại những thực trạng trên là do:

+ Quy trình thu phí theo NĐ 67/2003/NĐ-CP  và các văn bản hướng dẫn thi hành tương đối rắc rối và phức tạp. Hầu hết các DN đều cho rằng quy trình này còn nhiều bất cập, chưa xác định được lưu lượng và nồng độ các chất gây ô nhiễm có trong nước thải, gây phiền hà, hao tốn thời gian cho các doanh nghiệp.

+ Vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện phải nộp phí nhưng chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

+ Cơ quan có chức năng thẩm định tình trạng nguồn nước thải còn nhiều hạn chế, một số địa phương tự đi đo, có nơi lấy số liệu của báo cáo đánh giá tác động môi trường nơi khác. Mỗi đơn vị có một số lượng khác nhau gây khó khan cho các địa phương. Chính từ điều này nên mới giao cho doanh nghiệp tự khai theo mẫu có sẵn, đó là một vòng luẩn quẩn, vì vậy việc tính đúng và tính đủ phí BVMT đối với nước thải là một vấn đề còn rất khó khăn.

+ Việc tuyên truyền, giáo dục ý thức BVMT cho các doanh nghiệp còn hạn chế, đa số cán bộ chỉ tập trung vào công tác chuyên môn, làm sao để thống kê đúng, đủ danh sách các DN thuộc đối tượng phải nộp phí để ra thong báo yêu cầu các chủ thể này nộp phí, còn công tác tuyên truyền, giáo dục thì chưa có hoặc nếu có thì vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu hiện nay.

III. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Qua những số liệu đã thống kê về những mặt tồn tại của hoạt động thu phí BVMT đối với nước thải, thì có thể thấy hoạt động này đã và đang triển khai khá tốt ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên để đạt được kết quả tốt hơn nữa thì nhà nước ta cần phải đề ra một số giải pháp sau:

1. Những quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Một là kiện toàn bộ máy thu phí ở các cấp từ trung ương đến địa phương. Hiện nay bộ máy quản lí nhà nước về BVMT còn thiếu về số lượng và năng lực còn hạn chế. Nguồn nhân lực và kinh phí dành cho việc thu phí BVMT còn thiếu. từ đó Bộ Tài nguyên và Môi trường nên phân cấp, ủy quyền thu phí BVMT đến quận huyện đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, quy  mô hộ gia đình. Đối với nước thải công nghiệp, các Sở Tài nguyên và Môi trường cần chủ động triển khai thu phí thông qua các hoạt động kiểm tra, đôn đốc, vận động các cơ sở công nghiệp kê khai và nộp phí. Bộ Tài nguyên & Môi trường nên xây dựng phần mền quản lí việc thu nộp phí để phục vụ tốt công tác thu phí. Ngoài ra nó còn giúp cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ hơn. Phần mền này giúp cơ quan có thể nắm bắt thông tin về tình hình thu phí trên cả nước trong một thời gian ngắn, biết được những tỉnh nào thực hiện tốt và tỉnh nào chưa thực hiện tốt qua đó để có chế độ khen thưởng và có những biện pháp thích hợp để xử lí những tỉnh nào có tình trạng trốn phí.

Hai là: Các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác thu phí BVMT đối với nước thải. Hiện nay các loại phí và lệ phí đều do Bộ Tài chính soạn thảo mà trong lĩnh vực về môi trường là một chuyên ngành riêng biệt nên việc đưa ra các quy định về phí do bộ tài chính sẽ có những điểm không đồng thuận với Bộ TN & MT. Chính sự không đồng thuận này đã làm cho hiệu quả quản lí nhà nước về phí BVMT đối với quản lí chất thải chưa cao. Vì vậy trong thời gian tới cần có sự phối hợp giữa hai cơ quan này với nhau về lĩnh vực này.

Ba là: Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trên thế giới. Qua đó học tập kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và từ đó áp dụng để phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam.

2. Những quy định cụ thể trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với nước thải.

Một là: sửa  đổi quy định về đối tượng thuộc diện chịu phí nước thải sinh hoạt như bệnh viện, trung tâm y tế, nhà hàng, khách sạn, cơ sở nấu ăn… có hàm lượng ô nhiễm trong chất thải cao nhưng vẫn chịu mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt thấp. Với những đối tượng này nên chuyển thành đối tượng chịu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp.

Hai là: Đối với nước mưa chảy tràn thì ở những cơ sở có hệ thống thải nước mưa được tách riêng thì không phải tính phí. Nhưng cũng có trường hợp cơ quan tính phí cả lưu lượng nước mưa tự nhiên theo mặt bằng tiếp nhận của đơn vị để tính số phí của đơn vị phải nộp. Vì vậy cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này để tránh thiệt thòi cho chủ thể nộp phí.

Ba là: Bổ sung quy định về cơ chế khuyến khích đối với DN chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phí BVMT đối với nước thải. Hiện nay mức thu phí áp dụng theo kiểu cào bằng, chưa phân biệt những doanh nghiệp đã đầu tư thiết bị BVMT và những DN sản xuất những mặt hang gây ô nhiễm mà không có bất cứ hệ thống xử lí nào đạt quy chuẩn kĩ thuật nhà nước quy định. Tình trạng này tạo ra sự không công bằng đối với các DN thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, không tạo ra động lực khuyến khích các doanh nghiệp có ý thức tốt trong việc BVMT.

Bốn là: Sửa đổi, bổ sung chế tài đối với các doanh nghiệp vi phạm theo hướng xử lí thật nghiêm khắc đối với những đối tượng này. Một thực tế là chế tài đối với các doanh nghiệp có hành vi xả thải nhưng trốn nộp phí chưa đủ mạnh nên chưa thể thay đổi hành vi của DN . Đối với các cơ quan thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp mà cụ thể là chi cục TN&MT thì việc thu đúng, thu đủ phí BVMT luôn là vấ đề quá khó. Hiện DN nợ phí quá nhiều và chi cục cũng rất lung túng trong xử lí, trong trường hợp này chi cục chỉ có thể ra văn bản nhắc nhở công ty và đề nghị thanh tra sở TN&MT vào cuộc. Tuy nhiên khi thanh tra vào cuộc thì lại bắt đầu quy trình kiểm tra, lấy mẫu để xác định vi phạm, và khi xác định được vi phạm thì mức chế tài cũng chưa thật sự nghiêm khắc khiến các DN xem thường. Mặt khác với mức thu phí BVMT thấp cùng với chế tài chưa đủ mạnh khiến các DN né đầu tư hệ thống xử lí nước thải bằng cách chịu nộp phạt. Bởi vì đầu tư và vận hành một hệ thống xử lí nước thải đắt hơn nhiều so với bị phạt nên các DN chấp nhận nộp phạt còn hơn phải xây dựng hệ thống xử lí nước thải, nên chế tài đối với DN không kê khai, nộp đầy đủ số phí chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe, trừng trị đối với doanh nghiệp vi phạm. Để hạn chế tình trạng trên cần phải sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt đối với DN vi phạm theo hường: đối với các trường hợp vi phạm bi xử phạt hành chính thì cần phải tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lên một mức để DN nhận thức được việc nộp phí còn hơn nộp phạt, mức phạt có thể tang lên tối đa. Đối với vi phạm nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự người đứng đầu DN hoặc cá nhân có trách nhiệm trong công tác BVMT của DN đó.

Năm là: Sửa đổi quy định về mức sai số cho phép. Mức sai số giữa tờ khai của đối tượng nộp phí và số liệu phân tích, đánh giá lần đầu hoặc số liệu đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nằm trong giới hạn cho phép là 30%. Trên thực tế mức sai số này là tương đối cao, nên nhiều doanh nghiệp sẽ kê khai không chính xác, theo hướng càng thấp hơn càng tốt, trong khi đó nhà nước không đủ cơ sở để xác định. Vì vậy với mức sai số này cần sửa đổi theo mức hạ xuống thấp hơn còn 20% đến 25%.

Sáu là: Nên bổ sung các quy định về cơ chế khuyến khích đối với các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phí BVMT đối với nước thải.

KẾT LUẬN

Từ những phân tích trên ta thấy phí BVMTđối với nước thải có ý nghĩa vô cùng to lớn, nó là một giải pháp đúng đắn giúp nhà nước hạn chế tình trạng xả nước thải chưa qua xử lí ra môi trường một cách bữa bãi, gây hiệu quả nghiêm trọng. Không chỉ tác động vào hành vi của đối tượng nộp phí mà còn đem lại nguồn tài chính cho ngân sách nhà nước thực hiện bảo vệ môi trường. Cùng với đó những quy định trên đã tạo điều kiện cho môi trường nước ta được quan tâm, được giữ vững, được bảo vệ tốt hơn, tiến đến xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp phục vụ đời sống con người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét