Bài tập học kỳ Luật Hình sự 1.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật hình sự thì: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Chế định đồng phạm quy định trong Bộ luật hình sự có hai loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức).
Đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành. Ví dụ: A rủ B và C vào nhà bà D lấy trộm xe máy mang đi bán.
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 20 Bộ luật hình sự)
Phạm tội có tổ chức, là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu. Ví dụ: A, B, C lập đường dây vận chuyển ma túy, A giữ vai trò là người đứng đầu đường dây, cung cấp ma túy cho B và C. B chịu trách nhiệm vận chuyển ma túy tới địa điểm X, giao cho B, B có nhiệm vụ mang ma túy tới các vũ trường, quán bar tiêu thụ.
Phạm tội có tổ chức, là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia. Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.
1. Nhiều người cùng tham gia phạm tội là đồng phạm
Qua quy định tại khoản 1, Điều 20 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ xung năm 2009 thì để được coi là đồng phạm, tội phạm cần đáp ứng điều kiện:
Thứ nhất, là phải có ít nhất hai người trở lên cùng thực hiện tội phạm. Có nghĩa là, những người này phải cùng nhau bàn bạc, thống nhất ý kiến khi thực hiện tội phạm. Nếu thiếu yếu tố này thì không thể có đồng phạm, nếu chỉ có một người phạm tội thì không có đồng phạm. Và những người tham gia thực hiện phải có chung hành động với nhau. Sự chung hành động (thể hiện bằng hành động hoặc không hành động) được hiểu là: Tội phạm được thực hiện do sự nỗ lực chung của một số người, hành động của mỗi người là điều kiện cần thiết cho sự hoạt động của người khác, là một khâu trong sự hoạt động chung của tất cả những người đồng phạm hay nói cách khác, là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của mỗi người đồng phạm với hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Nếu không có mối quan hệ nhân quả này, thì không có đồng phạm. Mối quan hệ nhân quả có thể mang tính chất trực tiếp như cung cấp cho người thực hành công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm hoặc khắc phục các trở ngại trong việc thực hiện tội phạm. Hoặc có thể biểu hiện thông qua nhận thức của người thực hiện như: Xúi giục người thực hành phạm tội, giúp đỡ họ thực hiện tội phạm.
Thứ hai, cùng thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Yếu tố lỗi ở đây rất quan trọng, để được coi là đồng phạm các chủ thể của tội này phải thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, có nghĩa là, họ hiểu rõ tội phạm mà mình muốn thực hiện, biết rõ tính chất nguy hiểm của hành vi, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả sảy ra. Việc cùng cố ý thực hiện tội phạm thể hiện qua mặt lý chí và ý trí như sau:
- Về lý trí: Mỗi người đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cùng có hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng mình.
- Nếu chỉ biết mình có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không biết người khác có hành vi nguy hiểm cho xã hội với mình thì chưa phải là cùng cố ý và do vậy chưa phải là đồng phạm.
Trong một cuộc bạo động, có nhiều người cùng tham gia, với lỗi cố ý, họ hiểu tính chất nguy hiểm của hành vi này đối với xã hội nhưng mong muốn hậu quả sảy ra. Trong trường hợp này, những người tham gia được coi là đồng phạm.
Từ những phân tích trên có thể thấy đồng phạm là một thể thống nhất không thể tách rời của những yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có những yếu tố quan trọng nhất như: Có từ hai người trở lên tham gia; cùng chung hành động với nhau, và cùng cố ý.
2. Nhiều người cùng tham gia phạm tội nhưng không phải là đồng phạm
Nhân lúc không có ai ở nhà, A cắt khóa lẻn vào nhà bà C lấy trộm một chiếc xe máy tay ga, trị giá 47 triệu đồng. B đi qua nhà bà C, thấy cổng mở, lại không có ai ở nhà, thấy có chiếc xe máy số dựng trong sân, B lẻn vào dắt đi. Giá trị chiếc xe khoảng 25 triệu đồng. Trong trường hợp này, A và B cùng phạm tội trộm cắp tài sản, tuy nhiên ở đây A và B không được coi là đồng phạm, vì:
Trường hợp trên đáp ứng được một yêu cầu được quy định trong khoản 1, Điều 20 Bộ Luật hình sự là có từ hai người trở lên thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, nhưng không đáp ứng được điều kiện thứ hai là cùng thực hiện tội phạm. A và B không cùng bàn bạc nhau vào nhà bà C lấy trộm tài sản, mà đây là hai hành vi khác nhau của hai chủ thể trong tội trộm cắp tài sản. Vì vậy A và B không thể là đồng phạm.
Khoản 2, Điều 20 cũng quy định: “Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sực đều là những người đồng phạm”. Nếu những người này cùng có chung mục đích, cùng thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, hiểu rõ tính chất nguy hiểm của hành vi đối với xã hội, nhận thức rõ hậu quả nhưng mong muốn hậu quả sảy ra thì những người này là đồng phạm.
Nhiều người cùng tham gia phạm tội có thể là đồng phạm hoặc có thể không, để xác định chính xác cần phải đặt chúng trong từng trường hợp cụ thể, các yếu tố cấu thành tội phạm.
Như vậy, đồng phạm có thể do nhiều người cùng thực hiện tội phạm, tuy nhiên không phải trường hợp nhiều người thực hiện tội phạm cũng là đồng phạm. Để xác định đúng, cần căn cứ vào những yếu tố đã phân tích ở trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét