Bài tập nhóm Luật So sánh.
Bàn về sự ra đời của luật so sánh, có ý kiến cho rằng: “ Luật so sánh ra đời từ thế kỉ XIX”. Tuy nhiên nhóm không đồng tình với ý kiến này vì theo nhóm luật so sánh ra đời từ trước đó.
NỘI DUNG
Quá trình hình thành, phát triển luật so sánh từ lúc nó ra đời cho đến nay có thể chia làm hai giai đoạn lớn: trước thế kỉ XIX và từ thế kỉ XIX cho đến nay. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, xã hội mà sự phát triển của luật so sánh trong hai giai đoạn này là không đồng đều. Chính điều này đã đem đến những quan điểm khác nhau về sự ra đời của luật so sánh. Bằng việc phân tích luật so sánh ở hai giai đoạn trên, chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này.
1. Luật so sánh ở giai đoạn trước thế kỉ XIX
Từ trước thế kỉ XIX, luật so sánh đã manh nha hình thành, tuy nhiên chủ yếu là với ý nghĩa lập pháp.
Ngay từ thời kì cổ đại, nhiều nhà nước cổ đại đã viện dẫn pháp luật nước ngoài để xây dựng hệ thống pháp luật của mình. Điển hình nhất là nhà nước Hy Lạp và nhà nước La Mã. Ở nhà nước Hy Lạp cổ đại, một số thành bang khi xây dựng luật lệ của mình đã chấp nhận toàn bộ hay một phần luật lệ của thành bang khác vì vùng đó được cho là có luật lệ tốt hơn. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học Hy Lạp cổ đại đã áp dụng việc so sánh luật trong các tác phẩm của mình, ví dụ: trong cuốn Laws, Plato đã so sánh luật lệ của các thành bang của Hy Lạp; Aristotle đã so sánh luật lệ của 153 thành bang của Hy Lạp để viết cuốn “ Chính trị”… Sau này, các luật lệ của La Mã, đặc biệt là luật lệ 12 bảng cũng được xây dựng dựa trên cơ sở tìm hiểu về luật lệ của Hy Lạp, bởi lẽ lúc này nền văn minh Hy Lạp đã phát triển rực rỡ nên có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với nền văn minh La Mã. Ở thời kì thịnh vượng của đế chế La Mã, các luật gia La Mã không nghiên cứu luật nước ngoài vì họ cho rằng luật La Mã là phát triển nhất.
Đến thời Trung cổ, sau khi đế chế Tây La Mã bị sụp đổ, ở Tây Âu tồn tại song song hai loại luật là luật La Mã và luật Giécmanh, tuy vậy điều này cũng không làm nảy sinh nhu cầu về việc so sánh luật. Đến trước thời kì Phục Hưng đã xuất hiện những nghiên cứu khoa học dựa trên cơ sở so sánh luật, từ đó giúp cho các học giả thời trung cổ mở rộng sự hiểu biết của mình đối với các hệ thống pháp luật khác nhau lúc bấy giờ. Cuối thời Trung cổ, ở Châu Âu lục địa hầu như không có công trình nghiên cứu luật so sánh nào vì luật La Mã và luật giáo hội được cho là những luật có giá trị tuyệt đối và không có gì để nghi ngờ.
Từ thế kỉ thứ XVI, ở các quốc gia Châu Âu lục địa tồn tại nhiều loại luật lệ khác nhau được áp dụng cho các vùng lãnh thổ khác nhau, do đó một số công trình so sánh luật lệ trong cùng quốc gia đã xuất hiện. Trong hai thế kỉ XVII và XVIII, luật so sánh hầu như không phát triển do các luật gia tập trung vào nghiên cứu hệ thống pháp luật của nước mình.
Như vậy, dù chưa đạt được nhiều thành tựu nhưng luật so sánh được ghi nhận hình thành từ trước thế kỉ XIX – giai đoạn đặt những viên gạch đầu tiên trên con đường phát triển, tiến tới hoàn thiện khoa học luật so sánh.
2. Luật so sánh từ thế kỉ XIX cho đến nay
Từ thế kỉ XIX đến nay, luật so sánh được phát triển mạnh mẽ với hai hình thức là luật so sánh lập pháp và luật so sánh học thuật.
Luật so sánh lập pháp là quá trình theo đó pháp luật của nước ngoài được viện dẫn để soạn thảo các văn bản pháp luật của quốc gia. Những tài liệu cho thấy Đức là một trong những quốc gia đầu tiên tiến hành so sánh lập pháp để xây dựng hệ thống pháp luật của mình. Với phương pháp so sánh luật, Đức đã cho ra đời một số bộ luật như Bộ luật thương mại chung 1861, Bộ luật dân sự 1896.
Luật so sánh học thuật là việc so sánh các hệ thống pháp luật khác nhau đơn giản nhằm nâng cao hiểu biết về pháp luật. Luật so sánh học thuật được phát triển đầu tiên và trước hết là ở các nước Châu Âu, tuy nhiên so với so sánh lập pháp luật so sánh học thuật phát triển muộn hơn. Bắt đầu từ cuối những năm 20 của thế kỉ XIX đã có những tín hiệu cho sự hình thành và phát triển của luật so sánh học thuật. Đầu tiên phải nói đến là sự ra đời của cuốn “Tạp chí phân tích” (Kritische Zeitschrift) liên quan đến luật so sánh đầu tiên trên thế giới ở Đức vào năm 1829 và cuốn tạp chí này xuất bản được 28 số khác nhau. Ở Anh, công trình “Bình luận về pháp luật thuộc địa và pháp luật nước ngoài” (Commantaries on Colonial and Foreign Laws) được xuất bản năm 1938 với nội dung chứa đựng các bình luận về pháp luật của các nước châu Âu lục địa. Đến giữa thế kỉ XIX, luật so sánh mới được thừa nhận là ngành nghiên cứu pháp luật hay là một phương pháp để nghiên cứu các hệ thống pháp luật, có lẽ điều này đã gây nên sự hiểu lầm cho rằng: luật so sánh ra đời từ thế kỉ XIX.
Giai đoạn cuối thế kỉ XIX, sự phát triển của luật so sánh thể hiện qua các thiết chế của nó như các hiệp hội, các tạp chí và các trường chuyên ngành so sánh lập pháp được lập ra ở Pháp năm 1986 được xem là tổ chức đầu tiên về luật so sánh và gắn liền với nó là sự ra đời Tạp chí quốc tế. Năm 1990, đại hội quốc tế đầu tiên về luật so sánh tại Pháp đã xác định mục tiêu cơ bản của luật so sánh.
Trong thế kỉ XX, nhiều thiết chế luật so sánh được thành lập, bên cạnh đó luật so sánh được phát triển thành các môn học ở các cấp độ khác nhau trong các khoa luật. Đặc biệt, nhiều công trình về luật so sánh đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của luật so sánh trên thế giới. Nửa cuối thế kỉ XX, sự xuất hiện các tạp chí, trung tâm về luật so sánh và đông đảo giới học thuật đã tạo ra số lượng khổng lồ các công trình nghiên cứu về luật so sánh.
Có thể nói rằng: trên cơ sở kế thừa những gì đã đạt được từ trước thế kỉ XIX, luật so sánh phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn trong giai đoạn này.
KẾT THÚC
Như vậy, nhóm không đồng ý với quan điểm cho rằng: “Luật so sánh ra đời từ thế kỉ XIX”, bởi lẽ luật so sánh đã manh nha hình thành từ trước thế kỉ XIX dù chủ yếu là để phục vụ xây dựng luật lệ, luật pháp lúc bấy giờ và từ thế kỉ XIX cho đến nay, nó phát triển mạnh mẽ hơn, đạt được những thành tựu mang cả ý nghĩa lập pháp và nghiên cứu khoa học thuần túy.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội năm 2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét