Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Tìm hiểu thuật ngữ luật gia và luật sư. Lịch sử và vai trò của nghề luật sư ở Việt Nam - 9 điểm

Bài tập học kỳ Nghề luật và phương pháp học luật.

Nghề luật sư hình thành trên thế giới từ rất sớm. Ở Việt Nam, hoạt động luật sư đã có từ trước Cách mạng tháng 8/1945. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy tư pháp được tổ chức lại. Chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945 về tổ chức đoàn thể luật sư. Nghề luật sư không còn xa lạ đối với chúng ta nhưng đôi khi nhầm giữa hai thuật ngữ: luật gia và luật sư. Vậy hai thuật ngữ này là gì? Lịch sử hình thành nghề luật sư ở Việt Nam như thế nào? Vai trò của nghề này ở nước ta ra sao? Để trả lời những câu hỏi này, em chọn đề tài số 04: “Tìm hiểu thuật ngữ luật gia và luật sư. Lịch sử và vai trò của nghề luật sư ở Việt Nam” để nghiên cứu, giải đáp thắc mắc trên.

NỘI DUNG

1. Giải thích các thuật ngữ luật gia và luật sư

Hai thuật ngữ “luật gia” và “luật sư” hiện nay ở Việt Nam tuy được hiểu khác nhau vẫn còn nhiều sự nhầm lẫn. Nguyên nhân của hiện tượng này một mặt là do hệ thống luật pháp nói chung và các nghề nghiệp về tư pháp ở Việt Nam nói riêng chưa phát triển; mặt khác có hiện tượng này cũng một phần do việc dịch các thuật ngữ có liên quan trong ngôn ngữ nước ngoài chưa chuẩn xác, chưa thống nhất.

Theo cách giải thích của từ điển Luật học:

- Luật gia: là người có kiến thức về pháp luật, chuyên gia luật, có bằng cử nhân luật; có thể bao gồm cả những người tuy không có bằng cử nhân luật, nhưng có kiến thức về pháp luật và đang hoạt động trên các lĩnh vực pháp luật, tư pháp, trong đó có cả các luật sư. Hội viên Hội luật gia Việt Nam được hiểu theo nghĩa này.

- Luật sư: là luật gia được đào tạo thêm về kỹ năng hành nghề, được gia nhập Đoàn luật sư, qua đó được công nhận là luật sư để hành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực tranh tụng và tư vấn pháp luật hoặc một trong hai lĩnh vực này.

2. Sự khác biệt giữa luật sư với luật gia.

Ở Việt Nam luật sư được hiểu theo quy định tại Điều 2 Luật Luật sư năm 2006: “Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là khách hàng)” Điều kiện hành nghề luật sư là được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư. Như vậy, ở nước ta luật sư có thể là thành viên Hội luật gia, nhưng luật gia thì chưa hẳn đã phải là luật sư. Sự khác biệt đó còn thể hiện ở các điểm sau đây:

- Một trong những tiêu chuẩn quan trọng, không thể thiếu đối với luật sư là phải được đào tạo nghề sau khi đã có bằng cử nhân đại học luật. Tại Việt Nam, Học viện Tư pháp là trường duy nhất đào tạo nghề Luật sư.

- Chức năng của luật sư là cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, tổ chức, bao gồm việc tham gia tố tụng để bào chữa hoặc biện hộ cho bị can, bị cáo, đương sự; tư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức và làm các dịch vụ pháp lý khác.

- Sứ mệnh xã hội của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Luật sư độc lập, tự chịu trách nhiệm trong hành nghề, trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất mà luật sư gây ra cho khách hàng; trách nhiệm vật chất của luật sư là trách nhiệm vô hạn.

- Ngoài việc phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật, luật sư còn phải tuân theo các quy tắc hành nghề, trong đó có các quy tắc đạo đức nghề nghiệp do tổ chức hiệp hội luật sư ban hành.

- Nguồn thu nhập của luật sư là tiền thù lao do khách hàng trả.

3. Lịch sử của nghề luật sư tại Việt Nam

3.1. Giai đoạn 1858 - 1945

Ngay sau khi xâm lược Nam Kỳ, thực dân Pháp từng bước thiết lập bộ máy hành chính để quản lý các vùng đất đã chiếm được, trong đó có việc hoàn thiện bộ máy tư pháp theo mô hình của Cộng hòa Pháp. Ngày 26/11/1876, Thống đốc Nam Kỳ lúc đó là Chuẩn đô đốc Victor Auguste Duperré (Nam tước Dupérré) ban hành Nghị định về việc biện hộ cho thân chủ là người Pháp hoặc người Việt mang quốc tịch Pháp tại tòa án Pháp. 

Ngày 16/5/1906, toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc đó là Jean Baptiste Paul Beau ký Nghị định số 1514a cho phép thành lập trường đại học đầu tiên theo mô hình của Pháp tại Đông Dương. Theo quy định tại Nghị định nêu trên thì Viện Đại Học Đông Dương được tổ chức khởi đầu với 5 trường liên thuộc: Trường Cao đẳng Luật và Pháp chính, Trường Cao đẳng Khoa học, Trường Cao đẳng Y khoa, Trường Cao đẳng Xây dựng dân chính, Trường Cao đẳng Văn chương. Trong đó thì Trường Cao đẳng Luật và Pháp chính là nơi đào tạo nhân sự bản xứ cung cấp cho bộ máy hành chính của Pháp tại Việt Nam.

Ngày 30/01/1911, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc đó là Antony Waladislas Klobukowski ký Sắc lệnh thành lập Đoàn luật sư Sài Gòn và Hà Nội, thành viên là các luật sư đã tốt nghiệp trường Luật ở Pháp, có quốc tịch Pháp. Chủ trương của Antony Waladislas Klobukowski là mở rộng nghề luật sư theo hướng không hạn chế chỉ người Pháp và người Việt mang quốc tịch Pháp mới được làm luật sư, mà còn có cả người Việt mang quốc tịch Việt cũng được làm luật sư nếu hội đủ các điều kiện theo luật định. Antony Waladislas Klobukowski cho phép mở trường Luật (École de Droit) với hai trụ sở tại Hà Nội và Sài Gòn, thời gian học là 02 năm. Trường luật khai giảng tại Hà Nội ngày 15/4/1910. Trong niên khoá 1911-1912 tại Hà Nội có 32 sinh viên và Sài Gòn có 18 sinh viên. Ngày 15/10/1917, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc đó là Albert Pierre Sarraut ký Nghị định thành lập Trường Luật và Pháp chính (Ecole de Droit et d’Administration).

Ngày 25/5/1930, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương lúc đó là Pierre Marie Antoine Pasquyer ký Sắc lệnh tổ chức Luật sư đoàn ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. Việc ký Sắc lệnh này thể hiện rõ sự chú trọng của Pháp đối với việc phát triển nghề luật sư tại Việt Nam bởi các quy định trong Sắc lệnh mở hơn so với các Nghị định trước đó. Mặt khác, về mặt hiệu lực thì Sắc lệnh có hiệu lực cao hơn so với Nghị định. Cụ thể, Sắc lệnh này mở rộng thêm cho các luật sư không chỉ biện hộ cho thân chủ có quốc tịch Pháp mà cho cả thân chủ không có quốc tịch Pháp; không chỉ biện hộ ở tòa án Pháp mà còn biện hộ cả ở tòa án bản xứ.

Giai đoạn 1930 - 1945 là thời kỳ bùng nổ nghề luật sư ở Việt Nam khi các luật sư du học tại Pháp trở về nước, cùng với một số lượng đông đảo những người được đào tạo ngành luật tại Trường Đại học Đông Dương, Hà Nội. Các luật sư tên tuổi thời kỳ này có thể kể đến là Phan Văn Trường (1876-1933), Trịnh Đình Thảo (1901-1986), Phan Anh (1912-1990), Trần Công Tường (1915-1990), Trương Đình Dzu (1917-1991), Vũ Trọng Khánh (1912-1996), Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996), Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997),  Nguyễn Văn Hưởng (1910-2001);….

Trong thời gian gần 80 năm hình thành và phát triển, kể từ năm 1876 đến năm 1955, thiết chế luật sư và hệ thống pháp luật của Pháp đã du nhập vào Việt Nam với những nguyên tắc pháp lý hoàn toàn mới mẻ so với quan niệm luật pháp truyền thống của phương Đông vốn tồn tại hàng ngàn năm dưới ảnh hưởng của Khổng giáo qua các triều đại phong kiến. Có thể nói rằng, việc Jean Baptiste Paul Beau cho phép mở Trường Cao đẳng Luật và Pháp chính đã đặt viên gạch đầu tiên cho một nền luật học dựa trên những nguyên tắc pháp lý theo quan niệm phương Tây, được hiểu bao gồm các hệ thống pháp luật điển hình trên thế giới lúc đó là hệ thống Luật Dân sự (Civil Law) của khối châu Âu lục địa, hệ thống Thông luật (Common Law) của khối Anglo-Saxon và hệ thống Luật xã hội chủ nghĩa (Sovietique) của Liên Xô.

3.2 Giai đoạn 1945 – 1954

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, bộ máy tư pháp được tổ chức lại. Chỉ hơn một tháng sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10-10-1945 về tổ chức đoàn thể luật sư. Sắc lệnh này đã quy định việc duy trì tổ chức luật sư trong đó đã có sự vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật của chế độ cũ về luật sư nhưng không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hoà. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946 (Điều 67) đã khẳng định quyền tự bào chữa hoặc mượn luật sư bào chữa là quyền quan trọng của bị cáo, một trong những quyền cơ bản của công dân.

Mặc dù trong điều kiện mới lập nước, Việt Nam vừa trải qua cuộc kháng chiến vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng sự coi trọng việc bảo đảm quyền bào chữa trước Toà án của bị cáo đã được ghi trong Hiến pháp và được cụ thể và mở rộng hơn chủ thể tham gia bào chữa được ghi nhận tại Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 quy định nguyên cáo, bị cáo có thể nhờ một công dân không phải là luật sư bênh vực cho mình. Để cụ thể hóa Sắc lệnh này Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 01/NĐ – VY ngày 12-01-1950 quy định về bào chữa viên để phù hợp với điều kiện Việt Nam khi đó, thể hiện mục tiêu của nhà nước dân chủ cộng hòa là xây dựng một nền tư pháp công bằng, dân chủ của chế độ mới. Thực hiện quy định của pháp luật về bào chữa viên, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đội ngũ bào chữa viên đã được hình thành và ngày càng phát triển. Bên cạnh các luật sư đã tham gia kháng chiến, còn có nhiều luật sư, luật gia đã làm việc trong bộ máy chế độ cũ cũng hăng hái gia nhập đội ngũ bào chữa viên của chế độ mới.

3.3 Giai đoạn từ năm 1954 đến nay

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) năm 1954, Việt Nam bị chia cắt hai miền. Ở miền Nam, trường Đại học Luật khoa Huế, Đà Lạt, Sài Gòn của chế độ Việt Nam Cộng hòa đào tạo các cử nhân luật, một số sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật được đào tạo tiếp để trở thành luật sư. Trong các tòa vi cảnh, tòa sơ thẩm, tòa đại hình, tòa thượng thẩm đều có công tố viên và có luật sư tranh luận, bào chữa bảo vệ thân chủ. Luật sư có quyền tham gia tại giai đoạn điều tra, giai đoạn xét xử và tranh tụng tại phiên tòa.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ CNXH ở miền Bắc, Hiến pháp năm 1959 ra đời tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về quyền bào chữa và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Sau khi thống nhất đất nước Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 ngoài việc khẳng định bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, còn quy định việc thành lập tổ chức luật sư để giúp cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện quy định của Hiến pháp, ngày 31/10/1983 Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 691/QLTPK về công tác bào chữa, trong đó quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện làm bào chữa viên, quy định ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập một Đoàn bào chữa viên để tập hợp các luật sư đã được công nhận trước đây và các bào chữa viên, đến cuối năm 1987 trên cả nước đã có 30 Đoàn bào chữa viên với gần 400 thành viên. Riêng Đoàn luật sư TP.Hà Nội thành lập năm 1984 và có 16 luật sư thành viên.

Năm 1986, Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động tư pháp. Các đạo luật về tố tụng được ban hành theo hướng mở rộng dân chủ trong tố tụng, tăng cường bảo đảm quyền bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trước Toà án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác.

Trong bối cảnh đó, Pháp lệnh tổ chức luật sư đầu tiên được ban hành ngày 18/12/1987. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa lịch sử trong việc khôi phục nghề luật sư và mở đầu cho quá trình phát triển nghề luật sư ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Pháp lệnh tổ chức luật sư quy định tiêu chuẩn để được công nhận là luật sư, chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực giúp đỡ pháp lý của luật sư. Pháp lệnh cũng qui định về việc tổ chức các đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ sau gần 10 năm, ở hầu hết ở các tỉnh, thành phố đã thành lập được đoàn luật sư, với đội ngũ luật sư lên tới hàng nghìn người. Hoạt động nghề nghiệp luật sư cũng đã có bước phát triển đáng kể. Ngoài việc tham gia tố tụng, các luật sư đã từng bước mở rộng hoạt động nghề nghiệp sang lĩnh vực tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã đề ra những chủ trương, biện pháp cải cách mạnh mẽ về tổ chức, hoạt động của các hệ thống chính trị, trong đó có việc đổi mới tổ chức hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước. Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã được ban hành. Nội dung của Pháp lệnh thể hiện quan điểm cải cách mạnh mẽ tổ chức và hoạt động luật sư theo hướng chính quy hoá, chuyên nghiệp hoá đội ngũ luật sư, nghề luật sư, tăng cường vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập quốc tế của nghề luật sư ở Việt Nam. Với nội dung tiến bộ, phù hợp với yêu cầu khách quan, Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Chỉ sau 5 năm thi hành Pháp lệnh, đội ngũ luật sư đã tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đã thành lập trên 1.000 tổ chức hành nghề là các văn phòng luật sư, các công ty luật hợp danh. Trong tham gia tố tụng, nhiều luật sư đã dần khẳng định trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp khi tham gia tranh tụng tại các phiên tòa. Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư cũng đã có bước phát triển đáng kể, đặc biệt là tư vấn cho khách hàng trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại ngày càng nhiều và ngày càng nâng cao về chất lượng dịch vụ. Có thể nói Pháp lệnh luật sư năm 2001 đã tạo một bộ mặt mới với triển vọng phát triển mạnh mẽ nghề luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế – quốc tế ở Việt Nam.

Việc Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại quốc tế (WTO) đã tạo ra vị thế và những cơ hội mới phát triển đất nước, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới to lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống  pháp luật và các thiết chế cùng với cơ chế vận hành theo lộ trình phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Trong các năm 2005, 2006, 2007, Việt Nam đã ban hành một số lượng lớn các đạo luật mới hoặc thay thế các đạo luật không còn phù hợp, trong đó có Luật Luật sư được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2007 thay thế Pháp lệnh luật sư năm 2001.

Luật Luật sư được ban hành đã góp phần nâng cao vị thế của luật sư, tạo cơ sở pháp lý đẩy nhanh quá trình xây dựng đội ngũ luật sư, nghề luật sư mang tính chuyên nghiệp, ngang tầm với nghề luật sư ở các nước tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt Luật  Luật sư đã quy định hoàn chỉnh hệ thống các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư từ Trung ương tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Có thể nói, Luật Luật sư là mốc son đánh dấu một bước phát triển và hoàn thiện của Hệ thống pháp luật ở Việt Nam, và qua đó mở ra nhiều triển vọng, vị thế mới cho nghề luật sư ở Việt Nam

4. Vai trò của nghề luật sư tại Việt Nam

Luật sư và nghề luật sư đang là một nghề trỗi dậy, trở thành một trong các yếu tố không thể thiếu được trong phát triển kinh tế thị trường cũng như xây dựng Nhà nước pháp quyền; ít có một nghề nghiệp nào lại có được vị trí và vai trò như vậy trong xã hội. Đội ngũ luật sư ngày càng tham gia tích cực vào các vụ án chỉ định theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng; cũng như trợ giúp pháp lý miễn phí. Hoạt động của luật sư dần mang tính chuyên nghiệp, hình thành đội ngũ luật sư tranh tụng các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính; tham gia tư vấn cho doanh nghiệp, xây dựng và tuyền truyền pháp luật. Đặc biệt là việc hình thành đội ngũ luật sư tham gia tư vấn và tranh tụng quốc tế. Tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa của đội ngũ luật sư đã được khẳng định và từng bước được củng cố, tạo lập sự uy tín trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý với cộng đồng xã hội.

Đội ngũ luật sư ở tất cả các cấp từ Trung ương tới địa phương cũng đã được tin tưởng mời tham gia vào các ban soạn thảo và tổ biên tập để góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Năm 2012, Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng đã đóng góp tích cực trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư 2006, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, tham gia vào Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn III với việc rà soát thủ tục hành chính ở 3 lĩnh vực: chứng thực, quốc tịch, xuất nhập cảnh... Qua đó, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ công lý, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

C. KẾT LUẬN

Lịch sử đã chứng minh, nghề Luật sư là một nghề cao quý, được đề cao trong mọi hoàn cảnh. Nó góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, công dân, các tổ chức kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghề Luật sư đòi hỏi mỗi người cần phải có có lòng tin và niềm đam mê sắt đá để có thể học tập trau dồi kiến thức,kinh nghiệm, có một cái nhìn khách quan, đúng đắn, luôn hướng thiện và chính trực. Với cương vị một sinh viên trường Đại học Luật, một luật gia tương lai, em sẽ luôn cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt để xứng đáng với những thế hệ đi trước, xứng đáng với sự kính trọng của xã hội dành cho nghề Luật sư nói riêng, nghề Luật nói chung.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Từ điển Luật học
2. Luật Luật sư năm 2006
3. “Tìm một quy trình hợp lý cho việc công nhận luật sư, cấp phép hành nghề luật sư khi sửa đổi Luật Luật sư” - Nguyễn Văn Thảo - http://liendoanluatsu.org.vn

4. “Lịch sử hình thành nghề luật sư” – Ths.LS Ngô Văn Hiệp - Tạp chí Luật sư Việt Nam (số 7 - tháng 9/2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét