Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Thực trạng và giải pháp công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta hiện nay

Bài tập học kỳ Xã hội học pháp luật.

Trong những năm qua, tình trạng tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta ngày càng diễn ra trầm trọng với số lượng và thủ đoan tinh vi, gây hậu quả vô cùng lớn tới xã hội và những người là nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ. Tội phạm mua bán phụ nữ là loại tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, hạnh phúc gia đình của người phụ nữ; xâm phạm chính sách, pháp luật về bảo vệ phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ mà nhà nước và xã hội ta đã cố gắng thực hiện nhiều năm qua. Nhận thức sâu sắc về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mua bán phụ nữ cũng như những diễn biến phức tạp của loại hành vi này, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo ra cơ sở pháp lí thuận lợi cho việc phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hệ thống văn bản đó đã bộc lộ nhiều bất cập, thiếu sót dẫn đến hạn chế hiệu quả của công tác phòng chống ttooij phạm mua bán phụ nữ. Để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, vấn đề quan trọng là cần tỏng kết thực tiễn, tổ chức thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này; qua đó đề xuất các góp phần hoàn thiện pháp luật về phòng chống mua bán phụ nữ. Với mong muốn được làm sang tỏ vấn đề này, nhóm chúng tôi tiến hành cuộc điều tra với đề tài: “Công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta hiện nay: thực trạng và giải pháp”.

Cuộc điều tra của chúng tôi được tiến hành với mục đích:

- Đánh giá được tình hình tội phạm và thực trạng công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ.

- Đánh giá về sự hiểu biết của sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội về tình hình tội phạm mua bán phụ nữ và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ ở Việt Nam hiện nay.

- Đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ.

Để thực hiện được các mục đích này nhóm chúng tôi đã triển khai các nhiệm vụ sau đây:

- Lập bảng hỏi với 20 câu hỏi để tìm hiểu về quan điểm của sinh viên Đại học Luật đối với công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ.

- Phát và thu về 100 phiếu điều tra, xử lí, phân tích và tổng hợp số liệu.

- Tổng hợp số liệu và viết báo cáo kết quả thu được.

Để thực hiện mục đích này nhóm chúng tôi đã sử dụng phương pháp an két kết hợp phân tích dữ liệu và kết quả của cuộc điều tra của nhóm chúng tôi như sau:

NỘI DUNG

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG

1. Khái quát chung về công tác phòng chống tội phạm mua bán người (trong đó có tội phạm mua bán phụ nữ).

“a) “Buôn bán người” có nghĩa là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ tổn thương hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức nô lệ hay những hình thức tương tự như nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể;”.

Ở nước ta “Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an rất quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1427/QĐ-TTCP, ngày 18/8/2011 phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 – 2015. Với vai trò là Cơ quan Thường trực, Bộ Công an đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2013, trên cả nước xảy ra 507 vụ, lừa bán 982 nạn nhân (tăng 4% số vụ, 11% số nạn nhân so với năm 2012). Trong 6 tháng đầu năm 2014, trên cả nước xảy ra 301 vụ, lừa bán 651 nạn nhân (tăng 16% số vụ, 31% số nạn nhân so với cùng kỳ năm 2013) . Tính đến thời điểm hiện nay tội phạm mua bán người đặc biệt là mua bán phụ nữ vẫn là con số báo động rất đáng lo ngại đối không chỉ ở nước ta mà còn xuất hiện ở hầu hết các uốc gia trên thế giới.

2. Quy định của pháp luật hiện hành về công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ.

Hiện nay, Tội phạm mua bán phụ nữ chưa được quy định là loại tội danh riêng biệt trong bộ luật hình sự mà nó được quy định chung trong tội phạm mua bán người tại Điều 119 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009):

“1. Người nào mua bán người thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến hai mươi năm: 
a) Vì mục đích mại dâm;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
đ) Để đưa ra nước ngoài;
e) Đối với nhiều người;
g) Phạm tội nhiều lần;
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”.

Ngoài ra tội phạm mua bán phụ nữ còn được quy định trong Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011:

“Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật Hình sự.
2. Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
3. Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
6. Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại Điều này.
7. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
8. Cản trở việc tố giác, tố cáo, khai báo và xử lý hành vi quy định tại Điều này.
9. Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân.
10. Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.
11. Giả mạo là nạn nhân.
12. Hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này”.

Điều 23 của Bộ luật này cũng quy định về xử lí vi phạm như sau:
“1. Người thực hiện hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, dung túng, xử lý không đúng hoặc không xử lý hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Người giả mạo là nạn nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận”.

Tại thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BCA – BQP – BTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em có quy định về tội phạm mua bán người (mua bán phụ nữ) cũng quy định về loại tội phạm này.

Tội phạm mua bán phụ nữ được quy định trong Bộ luật hình sự, và các văn bản quy phạm pháp luật khác được Đảng và Nhà nước ta đã triển khai cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ nhưng trên thực tế loại tội phạm này vẫn diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Vì vậy chúng tôi tiến hành cuộc thăm dò này nhằm mục đích chính là tìm hiểu về quan điểm của sinh viên về công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ.

Đối tượng thăm dò của chúng tôi là các sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội bởi lẽ sinh viên là những bạn trẻ năng động nên sẽ có cách nhìn đa phương về vấn đề được đặt ra. Mặt khác, các bạn sinh viên trường Đại học Luật là những người không chỉ có kiến thức chung về các vấn đề xã hội mà còn nắm vững các quy định của pháp luật – Sẽ là đối tượng phù hợp nhất cho cuộc thăm dò mang tính chất xã hội – pháp luật này.

II. QUAN ĐIỂM CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM MUA BÁN PHỤ NỮ

Việc đưa ra những phân tích, nhận xét quan điểm của sinh viên Đại học Luật Hà Nội về công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ của nhóm chúng tôi hoàn toàn dựa trên sự phân tích các số liệu thu được từ cuộc điều tra. Kết quả thu được của nhóm như sau:

1. Tình hình tội phạm và thực trạng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người trong đó chủ yếu là tội phạm mua bán phụ nữ.

Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một con số chính xác nhất tổng hợp được đã có bao nhiêu phụ nữ, trẻ em bị buôn bán, bởi sự khó khăn trong việc xác định hành vi phạm tội, người bị hại và chính bởi sự che dấu của gia đình nạn nhân gắn liền với những hệ lụy xã hội có thể xảy ra trong nền văn hóa phương Đông.

Qua một cuộc khảo sát các bạn sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội chúng tôi phát ra và thu về 100 phiếu điều tra để tổng hợp, xử lí số liệu và thu được kết quả như sau về quan điểm của các bạn sinh viên về công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ như sau:

Câu 1: Anh (chị) có quan tâm đến tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta hiện nay không?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Có 100 100
2. Không  

Câu 2: Anh (chị) có đồng ý với ý kiến mua bán phụ nữ là một vấn đề nóng bỏng trong xã hội hiện nay?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Có 95 95
2. Không 5 5

Câu 3: Anh (chị) có biết đến các quy định của pháp luật về phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta hiện nay, hay quy định về Tội phạm mua bán phụ nữ được trong Bộ luật hình sự năm 1999?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Có 98 98
2. Không 2 2

Câu 4: Anh (chị) đã từng biết đến một vụ án về tội phạm mua bán phụ nữ chưa?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Có 96 96
2. Không 4 4

Câu 5: Ở địa phương anh (chị) sinh sống có từng xảy ra các vụ mua bán phụ nữ không?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Có 90 90
2. Không 10 10

Câu 6: Mức độ nghiêm trọng của tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta như thế nào?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Không nghiêm trọng  
2. Ít nghiêm trọng  
3. Nghiêm trọng 40 40
4. Rất nghiêm trọng 60 60

Câu 7: Tội phạm mua bán phụ nữ có ảnh hưởng như thế nào đến cá nhân người bị hại, gia đình và toàn xã hội? 
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Không ảnh hưởng  
2. Ít ảnh hưởng  
3. Ảnh hưởng lớn 100 100

Câu 8: Anh (chị) thường tìm hiểu về tình hình tội phạm và công tác phòng chống mua bán phụ nữ qua kênh thông tin nào?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Ti vi 54 54
2. Sách báo 5 5
3. Radio  
4. Internet 41 41
5. Nguồn khác  

Câu 9: Đối tượng nào thường thực hiện tội phạm mua bán phụ nữ?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Nam giới 17 17
2. Nữ giới 3 3
3. Cả hai phương án trên 80 80

Câu 10: Anh (chị) có đồng tình với ý kiến xử phạt thật nghiêm khắc tội phạm mua bán phụ nữ?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Có 100 100
2. Không  

Câu 11: Cơ quan nào có vị trí và vai trò chủ đạo trong công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Công an 91 91
2. Ủy ban nhân dân 3 3
3. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 6 6
4. Ý kiến khác  

Câu 12: Theo anh (chị) tội phạm mua bán phụ nữ thường xảy ra ở đâu?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Miền Bắc 9 9
2. Miền Nam 18 18
3. Miền Trung 54 54
4. Cả nước 12 12
5. Toàn thế giới 7 7

Câu 13: Theo anh (chị) chủ thể tội phạm mua bán phụ nữ thường dùng thủ đoạn nào để khiến phụ nữ trở thành nạn nhân mua bán?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Giả làm người yêu 5 5
2. Rủ đi chơi xa 18 18
3. Hứa tìm giúp việc làm 4 4
4. Đưa đi xuất khẩu lao động 69 69
5. Ý kiến khác 4 4

Câu 14: Theo anh (chị) Mục đích của tội phạm mua bán phụ nữ là gì?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Cưỡng bức tình dục 64 64
2. Bóc lột,cưỡng bức lao động 16 16
3. Kiếm tiền, làm nhục 11 11
4. Tất cả các phương án trên 9 9

Câu 15: Anh (chị) thấy các quy định của pháp luật về công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta hiện nay như thế nào?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Hiệu quả  
2. Ít hiệu quả 9 9
3. không hiệu quả 91 91

Câu 16: Anh (chị) có quan tâm đến việc thực hiện tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Có 100 100
2. Không  

Câu 17: Theo anh (chị) hoạt động phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta gặp những trở ngại gì?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Hiểu biết pháp luật của nhân dân còn hạn chế 14 14
2. Các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập 8 8
3. Công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế 69 69
4. Các cơ quan chức năng chưa vào cuộc một cách xát sao 9 9
5. Ý kiến khác  

Câu 18: Theo anh (chị) nhà nước cần thực hiện phương án nào dưới đây để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm mua bán phự nữ?
Số đáp án Số phiếu Tỉ lệ (%)
1. Thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống TPMBPN 22 22
2. Tăng cường công tác điều tra, phát hiện tội phạm và xử lí kịp thời 35 35
3. Xử phạt nghiêm khắc những người có hành vi mua bán phụ nữ 40 40
4. Ý kiến khác 3 3

Câu 19: Một số việc mà mỗi bản thân sinh viên sẽ làm để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ:
- Tuyên truyền ở địa phương nơi mình sinh sống về tội phạm mua bán phụ nữ.
- Tham gia các chương trình về công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ
- Thực hiện đúng chính sách pháp luật.
- Tích cực học tập, mở rộng hiểu biết về tội phạm nói chung và tội phạm mua bán phụ nữ nói riêng để nâng cao ý thức cảnh giác tội phạm nguy hiểm này.
- Chia se với bạn bè, người thân về tội phạm mua bán phụ nữ.
- Không tin và nghe những lời ngon ngọt từ người lạ.

Câu 20: Một số đề xuất nâng cao công tác phòng chống tội phạm của sinh viên:
- Làm những bộ phim về phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ.
- Tuyên truyền pháp luật về phòng chống tội phạm đến vùng sâu, vùng xa và trên cả nước để nâng cao nhận thức, trinh độ dân trí của người dân, cách phòng tranh tội phạm.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về tội phạm mua bán phụ nữ.
- Các cơ quan chức năng cần điều tra, giám sát, xử lí nghiêm các trường hợp phạm tội.
- Tăng mức hình phạt đối với tội phạm này.
- Tạo nhiều công ăn việc làm cho nhân dân, đặc biệt là phụ nữ để tránh việc tội phạm lợi dụng nền kinh tế khó khăn nên lừa đảo để phụ nữ trở thành nạn nhân.

Để tìm hiểu về thực trạng này trước tiên, chúng tôi đưa ra 5 câu hỏi để đánh giá mức độ quan tâm của các bạn sinh viên đối với tội phạm mua bán phụ nữ. Kết quả: 100% các bạn sinh viên đều quan tâm đến tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta trong đó có 95 bạn cho rằng đây là một vấn đề nóng bỏng trong xã hội hiện nay; Và chủ yếu nhóm người này họ đã từng biết đến các quy định của pháp luật về tội phạm mua bán phụ nữ (trong đó có tội mua bán phụ nữ được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 hiện hành).

Có tới 96% số lượng  người tham gia họ đã từng biết đến một số vụ án về tội phạm mua bán phụ nữ. Và 90% sinh viên cho biết ở địa phương họ đã từng xảy ra các vụ mua bán phụ nữ.

Năm câu hỏi trên đã giúp chúng ta thấy được tội phạm mua bán phụ nữ đã và đang diễn ra rất phổ biến trong xã hội ngày nay. Loại tội phạm này đang là mối đe dọa rất lớn đối với công tác phòng chống tội phạm ở nước ta.

Làm rõ hơn về tình hình, mức độ ảnh hưởng tội phạm này chúng tôi đã tiếp tục đặt ra 3 câu hỏi về mức độ ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng của tội phạm mua bán phụ nữ. Kết quả cho thấy 100% các bạn sinh viên đều cho rằng loại tội phạm này gây ảnh hưởng lớn đến cá nhân người bị hại, gia đình và toàn xã hội, có tới 60% người chọn đáp án tội phạm mua bán phụ nữ có mức độ rất nghiêm trọng và 40% người chọn mức độ nghiêm trọng, mức độ ít nghiêm trọng và không nghiêm trọng không có bất kì sự lựa chọn nào. Như  vậy, có thể đưa ra kết luận rằng tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta vẫn đang là một hiện tượng gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ với nạn nhân mà còn gây nguy hại rất lớn cho toàn xã hội.

Kết quả điều tra còn cho thấy hầu hết các bạn sinh viên đều tìm hiểu về công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ cũng như tình hình loại tội phạm này thông qua ti vi (54%), qua mạng internet (41%), một số ít tìm hiểu qua sách báo (chỉ chiếm 5%). Họ cho rằng không chỉ riêng nam giới mới thực hiện tội phạm này mà còn có cả phụ nữ. Tuy nhiên, dù chủ thể là nam giới hay nữ giới thì tất cả mọi người đều đồng tình với quan điểm “xử phạt thật nghiêm khác những người thực hiện tội phạm mua bán phụ nữ”. Đại đa số sinh viên đều trả lời rằng họ thấy công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ ở nước ta chưa thực sự hiệu quả, các quy định của pháp luật về loại tội phạm này còn nhiều hạn chế (64%).

Công tác phòng chống tội phạm nói chung hay tội phạm mua bán phụ nữ không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay tổ chức mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội. Tuy nhiên, để công tác này thực sự có hiệu quả thì nó phải được thi hành trên thực tế. Mà cơ quan có vị trí chủ đạo để thực hiện nhiệm vụ ấy chính công an. Có đến 91% những người tham gia trả lời câu hỏi đồng ý với quan điểm này. Ngoài ra một số ít chọn phương án Hội liên hiệp phụ nữ và một số cơ quan khác.

Qua các số liệu nêu trên, chúng tôi nhận thấy các bạn sinh viên đều rất quan tâm đến vấn nạn mua bán phụ nữ hiện nay. Để làm rõ hơn vấn đề này sau đây chúng tôi xin đưa ra một số dữ liệu cụ thể say:

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, tội mua bán người nói riêng diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ, tính chất nghiêm trọng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Trong những năm 2011 tình trạng bán phụ nữ đưa ra nước ngoài để lấy chồng hoặc hoạt động tình dục vì mục đích thương mại, tập trung chủ yếu là địa bàn Trung Quốc (chiếm khoảng 65%-70%), Campuchia (chiếm khoảng 10%), còn lại là các địa bàn khác, như Singapore, Mailaisya, Thái Lan, Cộng hòa Liên bang Nga và một số nước Đông Âu.... Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, năm 2011 toàn quốc phát hiện 454 vụ mua bán người với 670 đối tượng, 821 nạn nhân, tăng 10 vụ (=2%) và tăng 57 đối tượng (=9%), giảm 15 nạn nhân (=2%) so với cùng kỳ năm 2010. Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, toàn quốc năm 2011 có hơn 22.000 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày không rõ lý do, không có tin tức, nhiều người trong số này nghi bị mua bán; hơn 80.000 phụ nữ xuất cảnh và xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lấy chồng, hoặc xuất cảnh trái phép ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, hơn 20.000 trẻ em được cho nhận làm con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong đó, đã có rất nhiều người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, bị cưỡng ép lao động, bị bóc lột tình dục... Hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em trong nội địa từ các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, từ nông thôn ra đô thị, các khu du lịch, khu nghỉ mát ép làm mại dâm, tuyển mộ, cưỡng ép lao động cực nhọc, bóc lột sức lao động tại các bãi khai thác khoáng sản... diễn biến phức tạp. Một thủ đoạn phạm tội mới là một số đối tượng người Việt Nam câu kết với người nước ngoài tổ chức tuyển chọn, tìm kiếm phụ nữ ở các vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đưa lên thành phố và một số tỉnh giáp ranh để tổ chức “xem mặt, chọn vợ” rồi kết hôn bất hợp pháp nhằm đưa phụ nữ ra nước ngoài. Bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn tiếp cận làm quen với những cô gái mới lớn, trình độ văn hóa thấp, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái không có điều kiện học hành, bỏ học, không có việc làm ổn định để dụ dỗ, lôi kéo họ đến các cơ sở dịch vụ việc làm, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, massage, cắt tóc, gội đầu... hoặc tìm số phụ nữ đã từng làm gái mại dâm để rủ rê, lừa gạt tìm việc làm ổn định, lao động nhẹ có thu nhập cao, sau đó bán phụ nữ, trẻ em cho các đối tượng là chủ nhà hàng ép buộc làm gái mại dâm để thu lợi. Lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong môi giới hôn nhân và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du lịch thăm thân..., bọn tội phạm mua bán người lợi dụng công nghệ thông tin như internet, điện thoại động để tán tỉnh giả vờ yêu đương, dụ dỗ đi mua hàng, du lịch… rồi bán cho các tổ chức mại dâm ở nước ngoài. Nắm bắt được nhu cầu một số người ở nước ngoài có nhu cầu ghép nội tạng, nên các đối tượng đã tiếp xúc, làm quen những người có hoàn cảnh khó khăn cần tiền, sau đó dụ dỗ, lừa gạt, tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép để bán nội tạng (như vụ bán thận ở Cần Thơ). Một số đối tượng khác tìm kiếm phụ nữ ở vùng nông thôn miền Tây Nam bộ dụ dỗ họ ra nước ngoài đẻ thuê (như vụ 15 cô gái đẻ thuê tại Thái Lan)… Hành vi chiếm đoạt, bắt cóc phụ nữ, trẻ em ở khu vực giáp biên cũng tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu… Cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại các tỉnh trong nội địa để bán sang Trung Quốc, chẳng hạn từ tháng 12/2011 đến nay, tại Hà Giang đã xảy ra 08 vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em hiện chưa được giải cứu, nạn nhân là trẻ sơ sinh từ 2 đến 4 tháng tuổi .

Năm 2013, trên cả nước xảy ra 507 vụ, lừa bán 982 nạn nhân (tăng 4% số vụ, 11% số nạn nhân so với năm 2012).

Trong năm 2014 toàn quốc xảy ra 469 vụ tội phạm mua bán người với 685 đối tượng và 1.031 nạn nhân, so với năm 2013 giảm 7,5% số vụ, 1,7% số đối tượng và tăng 5% số nạn nhân, trong đó, mua bán người đưa sang Trung Quốc chiếm trên 70% tổng số vụ. Đã điều tra 325 vụ với 553 đối tượng, khởi tố 217 vụ, 440 bị can. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 202 vụ/389 bị can và kiểm sát xét xử sơ thẩm 199 vụ/394 bị cáo về tội mua bán người. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 228 vụ/445 bị cáo để xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đã giải quyết 216 vụ/420 bị cáo, đạt tỷ lệ 98%. Trong đó có rất nhiều vụ án mua bán phụ nữ. 

Trong tổng số các vụ mua bán người nêu trên nạn nhân là phụ nữ chủ yếu bị bán sang Trung Quốc, Campuchia, mua bán qua Lào; một số khác bị bán qua đường biển, đường hàng không sang các nước Thái Lan, Malayxia, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Macao…Các đối tượng phạm tội hình thành các đường dây mua bán người từ Việt Nam sang các nước láng giềng với mục đích chính là bán nạn nhân vào các ổ mại dâm và các dịch vụ vui chơi, giải trí và bóc lột sức lao động. Tình trạng mua bán nội tạng, đẻ thuê, môi giới hôn nhân trái pháp luật với người nước ngoài đang diễn biến phức tạp gây bức xức trong dư luận quần chúng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên nhiều địa bàn của cả nước.

2. Một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của tội phạm mua bán người.

Tội phạm mua bán người trong đó chủ yếu là mua bán phụ nữ và trẻ em diễn biến rất phức tạp, do nhiều nguyên nhân. Thông qua việc điều tra để tiếp thu ý kiến của các bạn sinh viên kết hợp phân tích tài liệu nhóm chúng tôi xin đưa ra một số nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập bên cạnh mang lại những thành tựu to lớn, song mặt trái của nó cùng với đà suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh, dân số đông, thiếu việc làm, thất nghiệp, dẫn đến chênh lệch về thu nhập, mức sống luôn là những yếu tố tác động đến sự gia tăng của tội phạm nói chung, tội mua bán người nói riêng.

Thứ hai, công tác truyền thông, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người còn dàn trải và hình thức, chưa tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao, dẫn đến nhân dân hiểu biết chưa sâu rộng, phần lớn nạn nhân chưa có thông tin khi tìm việc làm hoặc lấy chồng nước ngoài nên dễ bị lừa gạt, không có kỹ năng tự bảo vệ mình.

Thứ ba, công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, nhất là chưa tạo được cơ chế phối hợp thống nhất, đồng bộ trong việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ nạn nhân. 

Thứ tư, công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý nhà nước tại các khu vực biên giới, nhất là các tuyến đường bộ còn sơ hở, thiếu sót, lực lượng mỏng không kiểm soát được các đường tiểu ngạch, lối mòn ở khu vực biên giới nên bọn tội phạm lợi dụng đưa người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em qua biên giới bán, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép...

Thứ năm, công tác nắm tình hình tuy đã có những tiến bộ nhất định song số tội phạm ẩn còn nhiều. Các cơ quan chức năng chưa phát hiện được nhiều vụ án mua bán người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động trong nội địa, mà phần lớn các vụ án mua bán người, mua bán trẻ em được phát hiện, điều tra khám phá thông qua đơn thư tố cáo của nạn nhân, gia đình nạn nhân hoặc các cơ quan thông tin đại chúng...

Thứ sáu, chưa tổ chức lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm mua bán người, công an là lực lượng nòng cốt phòng, chống tội phạm mua bán người nhưng đến nay, hầu hết các địa phương, đơn vị chưa thành lập được các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm mua bán người. Tại các phòng nghiệp vụ công an cấp tỉnh, chủ yếu là lồng, ghép với các đội nghiệp vụ để triển khai thực hiện các hoạt động phòng ngừa và điều tra khi có vụ án mua bán người xảy ra nên kết quả đấu tranh hạn chế.

Thứ bảy, công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân như về thủ tục tư pháp, rào cản ngoại giao, hệ thống pháp luật. Nhiều yêu cầu của phía Việt Nam đề nghị cơ quan hữu quan nước bạn xác minh (nhất là các trường hợp giải cứu nạn nhân), nhưng trong một thời gian dài vẫn không nhận được công hàm trả lời, dẫn đến việc giải cứu nạn nhân, truy bắt đối tượng lẩn trốn ra nước ngoài hiệu quả thấp. Một số vụ án cần thiết phải cử một tổ công tác ra nước ngoài điều tra để giải cứu nạn nhân hoặc khai thác các đối tượng là người Việt Nam bị công an nước bạn bắt giữ về tội mua bán người để thu thập tài liệu, chứng cứ và truy bắt các đối tượng nghi vấn đang hoạt động trong nước nhưng gặp nhiều khó khăn do thủ tục ngoại giao xuất, nhập cảnh mất nhiều thời gian.

III. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM MUA BÁN PHỤ NỮ.

Để phòng ngừa và từng bước ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em trên các tuyến biên giới, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, các địa phương thực hiện tốt chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 – 2015 của thủ tướng chính phủ (Quyết định số 1427/QĐ-TTCP, ngày 18/8/2011).

Hai là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống mua bán người với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng như: truyền thông trực tiếp, truyền thông thông qua các hoạt động văn hoá văn nghệ, hội thi, hội nghị tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt tổ phụ nữ,…nhằm chuyển tải nhiều thông tin tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt tranh thủ hiệu quả của hệ thống thông tin đại chúng làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, tạo sự ủng hộ và giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em.

Ba là, đặc biệt chú trọng tới việc tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên, phóng viên biên tập viên Đài Truyền thanh huyện, Trạm truyền thanh xã, công an, phụ nữ ở các xã biên giới. Trong đó, tập trung vào nhóm phụ nữ có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các vụ mua bán người, giúp cho chị em có nhiều thông tin về nguyên nhân, thủ đoạn, hậu quả và các biện pháp phòng, chống mua bán người để bảo vệ bản thân.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện tốt chính sách, tạo phong trào hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về.

Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp, xã hội hóa công tác hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân. Huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Lồng ghép công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về với việc thực hiện các đề án khác của Chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và với các chương trình kinh tế - xã hội khác có liên quan như (phòng, chống tệ nạn xã hội, dạy nghề, xoá đói, giảm nghèo và việc làm…). Khuyến khích các hoạt động tự nguyện, nhân đạo. Vận động các tổ chức, cá nhân có những hoạt động thiết thực hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt thòi.

Sáu là, tăng cường các hoạt động quản lý biên giới, cửa khẩu. Chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu ở khu vực nông thôn, địa bàn giáp biên, vùng sâu, vùng xa. Tiến hành điều tra, rà soát, thống kê, phân loại đối tượng. Thiết lập hệ thống thông tin về công tác hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về.

Bảy là, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tiếp nhận, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán trở về cho khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở.

Tám là, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, từng bước hạn chế, ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới.

C. KẾT LUẬN

Buôn bán phụ nữ không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là biểu hiện của tình trạng suy đồi đạo đức đến mức phi nhân và đã trở thành vấn nạn trong cộng đồng thế giới loài người mà nếu không giải quyết được, đó chính là những gam màu xám đen làm nhem nhuốc, phá hỏng toàn cảnh bức tranh văn minh nhân loại cho dù về phương diện khoa học kĩ thuật vật chất, con người có tiến bộ đến đâu đi nữa. Bởi lẽ đó, việc phòng chống, ngăn chặn tội phạm mua bán phụ nữ là trách nhiệm chung cuả tất cả loài người chúng ta để cùng góp phần vào sự ổn định của xã hội mà cũng là bình an của cuộc sống chính mình.

Trên đây là bài tập nhóm của chúng em về đề tài “Tìm hiểu về công tác phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ”. Trong quá trình làm bài không thể tránh khỏi những sai xót chúng em kính mong nhận được sự góp ý từ phía thầy cô và các bạn để bài làm trở nên hoàn thiện hơn. 

Em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình xã hội học pháp luật, trường Đại học Luật Hà Nội, TS. Ngọ Văn Nhân chủ biên. Nxb Hồng Đức, năm 2012
2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
3. “Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia”

4. Tạp chí dân chủ và pháp luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét