Bài tập học kỳ Luật Dân sự 2.
Trong cuộc sống hằng ngày, để giải quyết những khó khăn tạm thời về kinh tế, đặc biệt với những gia đình túng thiếu, cần vốn để sản xuất kinh doanh, phải vay tiền, vàng của người khác thì hợp đồng vay được coi là phương tiện pháp lý để thỏa mãn những nhu cầu đó. Nhà nước đã tạo điều kiện cho các chủ thể vay vốn ở các ngân hàng với mức lãi suất phù hợp để có thể phát triển sản xuất, kinh doanh. Mặt khác nhân dân vay mượn của nhau để tiêu dùng và phát triển sản xuất kinh doanh cũng được nhà nước cho phép. Hợp đồng vay tài sản có vai trò hết sức to lớn trong cuộc sống xã hội ngày nay. Do đó em xin chon đề bài: “Đánh giá các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 về hợp đồng vay tài sản (nêu những ưu điểm hạn chế và những định hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật” cho bài tập lớn của mình".
I. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT DÂN SỰ HIỆN HÀNH VỀ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN:
1. Chủ thể của hợp đồng vay tài sản:
Chủ thể trong hợp đồng vay tài sản là những người cụ thể có đầy đủ năng lực chủ thể (năng lực pháp luật và năng lực hành vi) theo quy định của pháp luật dân sự, bao gồm:
1.1. Hệ thống ngân hàng:
Đây là nhóm chủ thể tương đối quan trọng trong hợp đồng vay tài sản, nhất là trong điều kiện kinh tê phát triển ổn định và nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất ngày càng lớn. Ngân hàng là cơ quan được Nhà nước giao cho những quyền hạn, nhiệm vụ vừa kinh doanh, vừa là cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý, lưu thông tiền tệ của Nhà nước, nhằm ổn định nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện kinh doanh có hiệu quả.
Khi tham gia vào quan hệ hợp đồng dân sự, với tư cách là trung tâm kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng vừa là người đi vay, vừa là người cho vay. Theo quy định của Nhà nước thì Ngân hành có quyền cho các tổ chức, cá nhân vay để hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất nhất định, đồng thời được phép sử dụng đồng tiền nhàn rỗi trong nhân dân để kinh doanh. Khi ngân hàng là bên cho vay thì hợp đồng giao kết giữa các bên luôn phải có thời hạn vay, có các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng như phải thể hiện mục đích vay… Trong khi đó, nếu Ngân hàng là bên vay thì hợp đồng giao kết giữa các bên không nhất thiết phải đáp ứng các điều kiện này.
1.2. Cá nhân:
Cá nhân là chủ thể phổ biến nhất trong hợp đồng vay tài sản ở nước ta. Khi xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự nói chung, một hợp đồng vay tài sản nói riêng, không phải mọi cá nhân đều bình đẳng với nhau mà khả năng đó phụ thuộc vào năng lực hành vi dân sự của mỗi cá nhân. Theo quy định tại Điều 17 BLDS năm 2005 thì: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Cá nhân ở mỗi độ tuổi khác nhau có khả năng nhận biết hành vi khác nhau thì có khả năng tham gia xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự khác nhau.
1.3. Pháp nhân và các chủ thể khác của quan hệ pháp luật dân sự:
Đây là các chủ thể được tạo thành bởi sự liên kết của nhiều cá nhân. Do vậy, khi xác lập, thực hiện một giao dịch dân sư trong đó có giao dịch vay tài sản nhất thiết phải thông qua hành vi của người đại diện của chủ thể đó. Theo quy định của BLDS năm 2005 thì người đại diện của pháp nhân và các chủ thể khác của quan hê pháp luật dân sự được chia thành hai loại: người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác
Chỉ những hành vi đại diện được tiến hành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của pháp nhân được ghi trong quyết định thành lập pháp nhân hoặc điều lệ pháp nhân (Điều 91 BLDS); vì lợi ích chung của hộ gia đình (Điều 107 BLDS); vì mục đích hoạt động của tổ hợp tác theo quyết định của đa số tổ viên (Điều 113 BLDS) và phù hợp với quy định của pháp luật, mới làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các tổ chức đó… Ngược lại, nếu những hành vi đại diện được tiến hành không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của pháp nhân; không vì lợi ích chung của hộ gia đình; vì mục đích hoạt động của tổ hợp tác theo quyết định của đa số tổ viên thì nó sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự của các tổ chức đó. Và khi đó, trách nhiệm phát sinh từ hành vi này do chính người đại diện đó gánh chịu với tư cách cá nhân.
2. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản:
Trong hợp đồng vay tài sản, điều khoản về đối tượng là một trong những điều khoản chủ yếu, nó là căn cứ để quy định và thực hiện các điều khoản khác.
Trên thực tế đối tượng của hợp đồng vay tài sản thường là tiền vì tiền là tài sản trao đổi ngang giá chung cho mọi hàng hóa, tiện lợi cho việc trao đổi để thỏa mãn các nhu cầu về sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và tiện lợi cho việc thành toán khi trả nợ.
Vật cũng có thể trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản nếu vật thỏa mãn điều kiện: là vật cùng loại, tồn tại hiện hữu hoặc có thể được hình thành trong tương lai; phải lưu thông được và đặc biệt là phải thuộc sở hữu của bên cho vay (vì người vay sẽ trở thành chủ sở hữu của tài sản vay).
Ngoài ra, trong thực tế, đối tượng của hợp đồng cho vay có thể là vàng, kim khí, đá quý hoặc có thể là tài sản khác.
3. Hình thức của hợp đồng vay tài sản:
Hình thức của hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng vay tài sản nói riêng là phương thức thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên khi giao kết. Nó có ý nghĩa rất quan trọng trong tố tụng dân sự, là chứng cứ xác nhận các chủ thể đã và đang tham gia quan hệ đó, từ đó là căn cứ xác định trách nhiệm dân sự khi có vi phạm hợp đồng xảy ra.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 401 BLDS: “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định” và tại Khoản 1 Điều 124 BLDS quy định: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản”. Như vậy, hình thức của hợp đồng dân sự bao gồm các loại: bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi và bằng thông điệp từ dữ liệu. Trong đó, hình thức bằng lời nói thường được áp dụng trong những trường hợp như số lượng tài sản cho vay không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân quen. Tuy nhiên, hợp đồng giao kết bằng lời nói không tạo ra căn cứ pháp lý để xác định quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của các bên khi có tranh chấp xảy ra. Do đó, để tạo ra căn cứ pháp lý vững chắc để giải quyết thấu đáo khi có tranh chấp, các bên cần phải ký kết hợp đồng bằng văn bản. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật cũng như công nghệ thông tin hợp đồng vay tài sản còn được ký kết bằng thông điệp từ dữ liệu để rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các chủ thể tạo điều kiện thuận lợi để các bên tham gia.
4. Thời hạn cho vay và kỳ hạn trả nợ trong hợp đồng vay tài sản:
Hợp đồng vay tài sản có thể có hoặc không có kỳ hạn (xác định hoặc không xác định). Nếu hợp đồng vay tài sản không thỏa thuận về kỳ hạn thì hợp đồng vay tài sản được coi là không có kỳ hạn. Bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện hợp đồng bất kì thời điểm nào nhưng phải báo trước một khoảng thời gian hợp lý. Hết thời gian đó, bên vay buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình (Điều 477 BLDS). Nếu hợp đồng không có kỳ hạn thì bên vay có thể thực hiện nghĩa vụ bất kỳ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên cho vay tài sản một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện hợp đồng. Xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng vay tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định trách nhiệm dân sự của các bên và thời hiệu của hợp đồng.
Trường hợp hết hạn hợp đồng mà bên vay không trả được nợ thì phải chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng.
5. Lãi suất và lãi suất nợ quá hạn trong hợp đồng vay tài sản:
Lãi suất giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong hợp đồng vay tài sản. Nó cũng là cái mà các bên thường quan tâm khi tham gia vào quan hệ vay tài sản.
Lãi là khoản tiền hoặc vật, ngoài vốn gốc, mà người cho vay nhận được từ người đi vay khi có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định do việc sử dụng vốn vay của người này. Điều đó cho thấy, căn cứ vào lãi suất, số tiền vay và thời hạn vay mà bên vay phải trả một số tiền nhất định cho bên cho vay, tiền lãi nhiều khi lãi suất cao, tài sản vay lớn, thời hạn vay dài và ngược lại.
Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tỷ lệ nhất định mà người vay phải trả thêm vào số tài sản đã vay tính trên một đơn vị thời gian, nếu các bên có thỏa thuận về về việc trả lãi hoặc pháp luật có quy định về việc trả lãi. Lãi suất có thể được tính theo ngày, tuần, tháng, năm; theo mùa, vụ… Căn cứ vào lãi suất, số lượng tài sản vay và thời hạn vay, ta có thể biết được số lãi ít hay nhiều.
Khi giao kết hợp đồng vay tài sản, nếu các bên không thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định, thì hợp đồng vay không có lãi suất. Nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất, thì không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với hạn vay tại thời điểm trả nợ (Điều 476 BLDS). Thực tế cho thấy, lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thay đổi theo định kì hàng tháng, do đó, mức trần lãi suất cho vay tối đa cũng thay đổi tương ứng theo từng tháng. Do vậy, khi giao kết các hợp đồng vay tài sản có lãi suất, một điểm rất quan trọng mà các bên cần chú ý đó là mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm đó. Vì từ mức lãi suất cơ bản này ta có thể tính được mức lãi suất tối đa có thể thỏa thuận trong hợp đồng.
Lãi suất nợ quá hạn là một trong những trường hợp đặc biệt của lãi suất, nó được áp dụng trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả nợ không đầy đủ cho bên cho vay.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 474 BLDS thì: “Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận” còn “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.” (Khoản 5 Điều 474 BLDS). Như vậy, trong hợp đồng vay tài sản, khi đến hạn mà bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ cho bên cho vay thì bên vay phải trả “lãi đối với khoản chậm trả” (nếu là vay không có lãi) hoặc “lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn” (nếu là vay có lãi). Lãi nợ quá hạn chỉ có thể phát sinh trong trường hợp vay có lãi. Và mức lãi suất nợ quá hạn khi đó sẽ bằng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ.
6. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vay tài sản
6.1. Quyền và nghĩa vụ của bên cho vay
a, Các quyền của bên cho vay:
- Đối với trường hợp vay không có kỳ hạn, bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một khoảng thời gian hợp lý. Ngoài ra, nếu trong hợp đồng các bên thỏa thuận về lãi thì khi đến hạn bên cho vay có quyền được nhận lãi và yêu cầu bên vay trả tiền lãi như đã thỏa thuận (Điều 477 BLDS).
- Còn trong trường hợp vay có kỳ hạn, thì bên cho vay không có quyền đòi lại tài sản trước kỳ hạn vay đã thỏa thuận. Tuy vậy, nếu được bên cho vay đồng ý thì bên cho vay vẫn có quyền lấy lại tài sản vay trước kỳ hạn (Điều 478 BLDS). Song, trên thực tế việc này rất ít khi thực hiện được do khả năng hoàn trả tài sản của người đi vay rất hạn chế. Bên cạnh đó, nếu các bên có thỏa thuận về lãi suất, thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi như thỏa thuận.
- Nếu hợp đồng cho vay có áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng bên vay không thực hiện đúng thời hạn, thì bên cho vay có quyền xử lý tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như thỏa thuận hoặc theo yêu cầu bán đấu giá để thực hiện nghĩa vụ.
- Nếu trong hợp đồng vay tài sản, các bên có thỏa thuận về mục đích vay thì bên cho vay có quyền giám sát việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng trái mục đích (Điều 475 BLDS).
- Theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 474 BLDS thì khi đến hạn mà bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay “trả lãi đối với khoản tiền trả chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thỏa thuận” (nếu là vay không có lãi) hoặc yêu cầu bên vay “trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ” (nếu là vay có lãi).
b, Các nghĩa vụ của bên cho vay:
- Bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận (Khoản 1 Điều 473 BLDS). Thực tế cho thấy việc giao tài sản cho vay thường được thực hiện tại nơi ở hoặc trụ sở của bên cho vay hoặc tại nơi mà các bên thỏa thuận.
- Mặt khác, theo quy định tại Khoản 2 Điều 473 BLDS quy định, nếu bên cho vay biết trước tài sản cho vay không đảm bảo chất lượng mà không báo cho bên vay biết thì phải bồi thường thiệt hại cho bên vay, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
- Bên cho vay không được yêu cầu bên vay phải trả lại tài sản trước trước thời hạn, trừ trường hợp được bên vay đồng ý (Khoản 3 Điều 473 BLDS).
6.2. Quyền và nghĩa vụ của bên vay:
a, Các quyền của bên vay:
- Trước hết, theo Điều 472 BLDS có quy định: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận được tài sản đó”. Và kể từ thời điểm nhận được tài sản bên vay có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản vay miễn là bên vay sử dụng tài sản đó không trái pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
- Đối với hợp đồng vay không có kỳ hạn thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một khoảng thời gian hợp lý. Nếu là vay có lãi thì bên vay chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ (Điều 477 BLDS).
- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn: nếu là vay không có lãi thì bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một khoảng thời gian hợp lý; còn nếu là vay có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ số lãi theo kỳ hạn nếu không có thỏa thuận khác (Điều 478 BLDS).
b, Các nghĩa vụ của bên vay:
- Theo quy định tại Điều 474 BLDS, có thể nói nghĩa vụ trả nợ một khoản tiền hoặc vật cùng loại với một khoản lãi (nếu hợp đông vay có lãi) là nghĩa vụ chủ yếu của bên vay khi giao kết hợp đồng. Khoản 1 Điều 474 BLDS quy định: “Tài sản là tiền, thì phải trả đủ khi đến hạn; nếu tài sản là vật, thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý. Suy cho cùng, nếu bên cho vay không đồng ý, thì bên vay cũng không thể trả lại vật khi không có khả năng tìm được vật.
- Khi hợp đồng vay đến hạn mà bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay “phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời thời điểm , nếu có thỏa thuận” (nếu là vay không có lãi) hoặc “phải trả lãi trên nợ gốc và lãi suất nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ” (nếu là vay có lãi) (Khoản 4 và Khoản 5 Điều 474 BLDS).
- Bên cạnh đó, nếu trong hợp đồng vay các bên có thỏa thuận về mục đích vay thì từ khi nhận tài sản từ bên cho vay, bên vay có nghĩa vụ sử dụng tài sản đúng mục đích đã thỏa thuận.
7. Các biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng vay tài sản:
Trong quan hệ vay tài sản, sự tin cậy lẫn nhau là tiền đề quan trọng để hợp đồng được hình thành. Nó chỉ có thể được xác lập khi người đi vay thực sự tạo ra được niềm tin đối với người cho vay, để họ yên tâm mà chuyển giao tài sản cho mình. Bên cạnh đó, để tránh tình trạng bên có nghĩa vụ “trả nợ” trong hợp đồng vay tài sản có thể không có khả năng “trả nợ” cho bên có quyền. Vì vậy, tùy theo tính chất của hợp đồng vay, bên cho vay thường yêu cầu bên vay đưa ra các cam kết và cung cấp các bảo đảm cần thiết cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 318 BLDS, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có 7 biện pháp như sau:
7.1. Cầm cố tài sản:
Theo Điều 326 BLDS quy định: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự”.
7.2. Thế chấp tài sản:
Khoản 1 Điều 342 BLDS quy định: “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp”.
7.3. Bảo lãnh:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 361 BLDS quy định: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình”.
7.4. Tín chấp:
Tại Điều 372 BLDS có quy định: “Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ”.
Các biện pháp bảo đảm kể trên đã được quy định rõ trong BLDS năm 2005. Phạm vi bài không cho phép đi sâu phân tích về từng biện pháp.
Trong hợp đồng vay tài sản, mặc dù bên vay và bên cho vay đã thỏa thuận đặt ra một biện pháp bảo đảm bên cạnh một nghĩa vụ chính, nhưng nó sẽ không được áp dụng nếu nghĩa vụ chính được thực hiện một cách đầy đủ. Khi đến hạn, bên vay thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của mình, biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đó cũng được coi là chấm dứt.
8. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng vay tài sản:
Thông thường, khi hợp đồng có hiệu lực, các bên tham gia hợp đồng phải thực hiện nghĩa vụ của mình vì lợi ích của bên kia như đã thỏa thuận. Nếu một trong các bên vi phạm nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng thì phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về tài sản theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trước của các bên trong hợp đồng. Bên không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng sẽ gánh chịu trách nhiệm trước bên kia, đây là trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Tùy theo tính chất và hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm hợp đồng mà trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng có thể chia làm ba loại:
- Thứ nhất, trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ.
Đây là loại trách nhiệm dân sự theo đó bên có quyền có thể áp dụng đối với bên có hành vi vi phạm hợp đồng, nhằm buộc bên vi phạm phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết. Thực chất, trách nhiệm phải thực hiện đúng nghĩa vụ là một biện pháp cưỡng chế thực hiện đúng nghĩa vụ dân sự mà các bên đã cam kết trong hợp đồng và trách nhiệm này phát sinh trên hai căn cứ là hành vi vi phạm hợp đồng và lỗi của chủ thể vi phạm. Tức là, trách nhiệm này sẽ được áp dụng khi có hành vi vi phạm nhưng chưa gây thiệt hại cho bên có quyền.
- Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm này được đặt ra khi bên có nghĩa vụ trong hợp đồng có hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho bên có quyền. Bên có nghĩa vụ có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại đã xảy ra cho bên có quyền, nhằm bù đắp những tổn thất mà bên có quyền phải gánh chịu. Người có hành vi vi phạm buộc phải gánh chịu những hậu quả xấu về mặt tài sản. Do vậy, trách nhiệm này chỉ phát sinh khi có đủ 4 điều kiện sau: có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, có thiệt hại xảy ra, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và thiệt hại xảy ra, có lỗi (cố ý hoặc vô ý) của người có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.
- Thứ ba, phạt vi phạm.
Trong quá trình xác lập một quan hệ dân sự các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng điều khoản phạt vi phạm và về một mức phạt nhất định trong trường hợp nghĩa vụ quy định trong hợp đồng không được thực hiện (Điều 422 BLDS).
Cả ba trách nhiệm nêu trên đều có thể áp dụng trong hợp đồng vay tài sản. Trong giao kết hợp đồng vay tài sản, bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng vào thời điểm và tại địa điểm đã thỏa thuận. Nếu bên cho vay biết đươc tài sản không đảm bảo chất lượng mà không báo cho bên vay biết thì phải bồi thường thiệt hại cho bên vay, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn chấp nhận tài sản đó (Khoản 2 Điều 473 BLDS).
9. Một số vấn đề pháp lý về họ, hụi, biêu, phường:
Họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) là một loại giao dịch dân sự về tài sản. Giao dịch này đã được nhân dân ta sử dụng từ lâu và nó đã trở thành tập quán. Dưới hình thức góp vốn, lĩnh vốn theo phường, hội trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người về thời gian, số tiền hoặc tài sản khác (vật nuôi, lúa,..), thể thức góp vốn, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Nguyên tắc chung của chơi họ là nhiều người (nhà con) cùng tham gia một dây họ bầu ra nhà cái (người thu tiền của các nhà con và chuyển cho người bốc (bát) của họ. Hằng tháng, mỗi nhà con phải góp một số tiền nhất định cho nhà cái. Lần lượt theo thứ tự bốc thăm hoặc theo thỏa thuận đến kỳ hạn bốc ho, một nhà con sẽ nhận về số tiền từ nhà cái, số tiền này do các nhà con khác góp họ. Theo thứ tự bốc họ, khi người cuối cùng bốc họ thì dây họ chấm dứt.
II. THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ ƯU, NHƯỢC ĐIỂM CỦA HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN:
1. Về đối tượng:
Thứ nhất, về ưu điểm:
Đối tượng trong hợp đồng vay tài sản là một điều khoản chủ yếu, nếu không có đối tượng thì hợp đồng vay tài sản sẽ không thể giao kết được. Đối tượng trong hợp đồng vay tài sản do các bên tham gia thỏa thuận. Trên cơ sở thỏa thuận về đối tượng giữa các bên đã xác định một căn cứ pháp lý cho việc giao kết hợp đồng vay tài sản và cũng là căn cứ xác định các vấn đề xung quanh hợp đồng này. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản thường là tiền và vật cùng loại – là các tài sản thông dụng trong giao dịch dân sự.
Thứ hai, về nhược điểm:
Bên cạnh những ưu điểm nói trên, cũng có một số nhược điểm về đối tượng của hợp đồng vay tài sản. Trên thực tế đối tượng của hợp đồng vay tài sản thường là tiền vì tiền là tài sản trao đổi ngang giá chung cho mọi hàng hóa, tiện lợi cho việc trao đổi để thỏa mãn các nhu cầu về sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và tiện lợi cho việc thành toán khi trả nợ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngoại tệ có đươc coi là đối tượng của hợp đồng vay tài sản hay không? Theo Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thành toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”. Như vậy, ngoại tệ là tài sản thuộc loại bị hạn chế lưu thông, chỉ những chủ thể nhất định theo quy định của pháp luật mới được phép xác lập giao dịch đối với nó. Cá nhân, tổ chức không được tự do mua bán, thành toán, cho vay với nhau bằng ngoại tệ. Từ đây, có thể kết luận ngoại tệ không thể là đối tượng của hợp đồng vay tài sản, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Như vậy, về ngoại tệ có phải là đối tượng của hợp đồng vay tài sản hay không lại không được quy định trong BLDS mà chỉ được quy định trong Pháp lệnh.
2. Về hình thức của hợp đồng vay tài sản:
Thứ nhất, về ưu điểm:
Hình thức của hợp đồng dân sự bao gồm các loại: bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi và bằng thông điệp từ dữ liệu. Có thể thấy hình thức của hợp đồng vay tài sản rất đa dạng và phong phú tạo điều kiện cho các bên tham gia thỏa thuận chọn bất kì hình thức nào hoặc theo quy định của pháp luật. So với BLDS năm 1995 thì BLDS năm 2005 bổ sưng thêm một hình thức đó là hình thức thông điệp dữ liệu. Về nguyên tắc, các bên có thể lựa chọn một trong các hình thức nói trên để giao kết hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng vay tài sản thường được giao kết dưới hai hình thức là bằng lời nói và bằng văn bản. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – kĩ thuật – công nghệ thì việc giao kết hợp đồng bằng hình thức thông điệp dữ liệu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có khoảng cách xa về địa lý có thể giao kết hợp đồng vay tài sản một cách nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng. Đây là một ưu điểm nổi trội của BLDS năm 2005 so với BLDS năm 1995 với việc quy định thêm hình thức thông điệp dữ liệu.
Thứ hai, về nhược điểm.
Trên thực tế, chỉ có một số ít vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản có hợp đồng bằng văn bản, còn lại đa số là các giấy vay tiền, giấy xác nhận nợ… thường được bên vay viết hoặc ký để làm căn cứ cho Tòa án giải quyết tranh chấp, thậm chí có những vụ án tranh chấp không có bằng chứng chứng mình vì hợp đồng vay tài sản được giai kết bằng lời nói. Chính vì thế, mà không có một căn cứ xác đáng nào để chứng minh quyền và nghĩa vụ của các bên, do vậy tranh chấp diễn ra Tòa án không có căn cứ để giải quyết. Hậu quả là có những trường hợp bên vay từ chối nghĩa vụ trả nợ của mình gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên cho vay.
3. Về cách tính lãi suất của hợp đồng vay tài sản:
Thứ nhất, về ưu điểm:
Với những quy định về lãi suất đã nêu ở trên đã xác định căn cứ để đảm bảo quyền lợi của các bên trong hợp đồng vay tài sản. Trong đó, bên cho vay được đảm bảo quyền lợi về mục đích sinh lợi khi cho vay tài sản nhà rỗi của mình, còn bên vay được đảm bảo được tính lãi suất đúng theo quy định của pháp luật là không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Do đó có thể tránh những trường hợp bên cho vay cho vay nặng lãi mang tính chất bóc lột bên vay.
Thứ hai, về nhược điểm.
Mặc dù đã có quy đinh về cách tính lãi suất tại Điều 476 BLDS nhưng trên thực tế vẫn có những vụ tranh chấp về lãi suất vay. Tuy nhiên, viêc giải quyết các tranh chấp này còn gặp nhiều khó khăn do các quy định về lãi suất trong pháp luật dân sự chưa thực sự rõ ràng và ổn định, điển hình như Ngân Hàng Nhà nước liên tục có những thay đổi về chính sách lãi suất.
4. Về hợp đồng vay có biện pháp bảo đảm:
Thứ nhất, về ưu điểm:
Các biện pháp bảo đảm trong hợp đồng vay giúp cho nghĩa vụ trả nợ được đảm bảo thực hiện đúng thời hạn, đúng số lượng và đầy đủ. Hơn nữa, tạo cho bên cho vay sự tin cậy vào bên vay cũng như thế chủ động trong quan hệ vay tài sản để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên cho vay. Thông qua những biện pháp này, bên cho vay có thể bằng hành vi của mình tác động vào tài sản của bên vay bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ để thỏa mãn quyền lợi của mình trong trường hợp bên vay không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời nó cũng tạo ra một quy chế pháp lý, buộc bên vay phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của mình đối với bên cho vay, đảm bảo sự ổn định trong giao lưu dân sự tránh các tran chấp có thể xảy ra ảnh hưởng lợi ích của các bên.
Thứ hai, về nhược điểm:
Đối với hợp đồng vay có thế chấp tài sản:
Thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản có thế chấp tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì tài sản đem thế chấp chủ yếu là quyền sử dụng đất. Mặc dù, hầu hết các hợp đồng thế chấp đều được lập thành văn bản nhưng phần lớn các hợp đồng này lại không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật như: các bên thế chấp quyền sử dụng đất không làm thủ tục theo đúng quy định và đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng mà không được sự đồng ý bằng văn bản của bên còn lại… Do đó, gây nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp trên thực tế.
Đối với hợp đồng vay tài sản có biện pháp bảo đảm là cầm cố:
Trên thực tế, chủ yếu tài sản đem cầm cố là động sản không đăng ký quyền sở hữu, còn các tài sản phải đăng kí quyền sở hữu như ô tô, xe máy… thì cần yêu cầu bên vay giao giấy tờ đăng kí quyền sở hữu đối với tài sản. Vì nếu không có giấy tờ đăng ký, khi có hành vi vi phạm hợp đồng tài sản đó rất tham gia vào giao dịch dân sự thậm chí sẽ không bán được đề thu hồi nợ. Hơn nữa, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên cần tự thỏa thuận về biện pháp xử lý tài sản cầm cố ngay từ khi tiến hành giao kết hợp đồng
5. Về họ, hụi, biêu, phường:
Thứ nhất, về ưu điểm:
Mục đích chơi họ là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, có thể nói đây là giao dịch hiếm hoi mà mục đích của giao dịch được pháp luật cụ thể hóa. Bên cạnh mục đích hỗ trợ, chơi họ còn nhằm mục đích sinh lợi cho cá nhân có tài sản nhàn rỗi.
Thứ hai, về nhược điểm:
Chơi họ chưa được pháp luật quy định một cách cụ thể và rõ ràng, nên việc áp dụng cũng như giải quyết những tranh chấp gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chơi họ còn có thể bị bể họ do chủ họ và các thành viên không đủ thực lực kinh tế để tham gia dây họ hoặc do xuất phát từ sự lừa đảo của các chủ họ, chủ họ khai khống hội viên để lấy tiền của các hội viên thật.
6. Về hợp đồng tín dụng:
Thứ nhất, về ưu điểm:
Đối với hoạt động tín dụng ngân hàng, hiện nay Nhà nước đã có chính sách vay vốn cụ thể cho từng đối tượng, từng thành phần kinh tế và địa phương đồng thời song song với chính sách vay vốn thì hàng loạt các biện pháp bảo đảm như: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, tín chấp… đã được ban hành nhằm bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng vay vốn. Nhìn chung, các tranh chấp dân sự về vay tài sản giữa Ngân hàng với cá nhân và các tổ chức kinh tế ít xảy ra hơn.
Thứ hai, về nhược điểm.
Hoạt động tín dụng ngân hàng bên cạnh những điểm tích cực còn có những điểm tiêu cực như chính sách lãi suất thay đổi liên tục gây khó khăn cho Tòa án giải quyết các vụ tranh chấp về lãi suất.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN:
1. Hoàn thiện quy định của pháp luật về hợp đồng vay tài sản:
1.1. Về đối tượng của hợp đồng vay tài sản:
Quy định tại Điều 471 cần được sửa đổi bổ sung cho hoàn thiện, xem xét ngoại tệ có phải là đối tượng của hợp đồng vay tài sản không? Vì thực trạng hiện nay, việc cho vay ngoại tệ diễn ra phổ biến, thường xuyên giữa các chủ thể không được phép cho vay, khi có tranh chấp pháp luật lại chưa có chế tài để giải quyết. Bên cạnh đó, cũng nên quy định tách bạch và rõ ràng các đối tượng là vàng, kim khí, đá quý, không nên để nó bao gồm trong đối tượng là vật, bởi đây là những tài sản khác nhau, có giá trị đặc biệt, đồng thời nhằm giải quyết những tranh chấp về lãi suất được thống nhất và dễ dàng hơn.
1.2. Về hình thức:
Trên thực tế những hợp đồng vay tài sản được giao kết bằng lời nói, khi có tranh chấp xảy ra do không có căn cứ xác thực hay người làm chứng, gây ra nhiều khó khăn cho Tòa án khi điều tra, thu thập chứng cứ để giải quyết vụ tranh chấp. Do vậy, theo em nên có quy định cụ thể rõ ràng hơn về hình thức của hợp đồng vay tài sản, tránh giao kết bằng những hình thức không có căn cứ xác thực để chứng minh quyền và nghĩa vụ của các bên như hình thức bằng lời nói. Khuyến khích các chủ thể giao kết hợp đồng bằng các hình thức tạo ra căn cứ xác thực để chứng minh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên như hình thức văn bản, văn bản có công chứng, chứng thực hoặc xác nhận, đăng kí tại các cơ quan nhà nước có thầm quyền để tạo điều kiện giải quyết một cách dễ dàng khi có tranh chấp xảy ra.
1.3. Về lãi suất:
Có nhiều ý kiến cho rẳng Điều 476 BLDS quy định về lãi suất chưa thực sự phù hợp và đúng đắn.
- Với Khoản 1 “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”, nên bỏ cụm từ “đối với loại cho vay tương ứng” vì Ngân hàng Nhà nước chỉ công bố một mức lãi suất cơ bản duy nhất cho các tổ chức tin dụng tham khảo ấn định lãi suất kinh doanh, mà không công bố các mức lãi suất khác nhau tương ứng với từng loại vay ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn.
- Với Khoản 2 “Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”, cụm từ “tranh chấp về lãi suất” gây nhiều tranh cãi và cách hiểu khác nhau. Giả sử các bên thỏa thuận mức lãi suất quá cao và bên vay thấy bất lợi cho mình, cho rằng thỏa thuận đó là trái pháp luật và khởi kiện ra tòa thì có được coi là vay có lãi suất và có tranh chấp về lãi suất không. Mặt khác còn tạo ra những hiểu lầm về cách tính lãi suất trong trường hợp này, nên áp dụng Khoản 1 hay Khoản 2.
1.4. Về nghĩa vụ của bên cho vay:
Tại Khoản 3 Đều 473 BLDS có quy định: “Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Ðiều 478 của Bộ luật này”. Tuy nhiên, quyền yêu cầu trả lại tài sản vay của bên cho vay không chỉ được quy định tại Điều 478 mà còn được ghi nhận trong Điều 475 “Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay; bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích”. Như vậy quy định tại Khoản 3 Điều 473 là không cần thiết, tạo ra sự trùng lặp.
Khoản 1 Điều 473: “Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận”. Quy định này mang tính chất chung chung không rõ ràng gây nhiều cách hiểu cũng như tranh cãi khi xét xử. Do đó, theo ý kiến của bản thân em nên quy định vấn đề này cụ thể, rõ ràng và chi tiết hơn.
1.5. Về sử dụng tài sản vay:
Tại Điều 475 BLDS có quy định “Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay; bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.”, không quy định chế tài xử lý trong trường hợp này. Việc trả lãi trong trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào?
1.6. Về vấn đề họ hụi, biêu phường:
Nên có quy định về hình thức chơi họ, mỗi lần giao nhận tài sản hai bên giao nhận phải ký hoặc điểm chỉ vào cuốn sổ họ để tạo căn cứ pháp lý chứng minh hai người đó đã giao và nhận tài sản nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên.
2. Một số giải pháp về mặt xã hội:
Bên cạnh phương hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về hợp đồng vay tài sản cũng cần quan tâm và đưa ra các giải pháp về mặt xã hội trong giải quyết các vấn đề vướng mắc về vấn đề này. Bởi lẽ mọi tranh chấp, vướng mắc phần lớn cũng là do nguyên nhân chủ quan đó là sự hiểu biết và ý thức pháp luật của mọi người trong xã hội. Do đó, cần phải thực hiện các giải pháp xã hội như sau:
- Cần tổ chức, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật sâu rộng trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là pháp luật dân sự, pháp luật về hợp đồng vay tài sản, để từ đó nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật cho mọi người, hạn chế những tranh chấp xảy ra.
- Cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các giao dịch dân sự đặc biệt là giao dịch cho vay tài sản.
- Củng cố, năng cao hơn nữa kiến thức chuyên môn cũng như kĩ năng nghiệp vụ và quan trọng hơn hết là tinh thần trách nhiệm của những người làm việc trong Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có những bản án thấu tình đạt lý, đúng pháp luật và đạo đức xã hội.
KẾT LUẬN
Qua những trình bày và phân tích trên, bài làm đã đưa ra những vấn đề liên quan đến hợp đồng vay. Đồng thời cũng đã trình bày những ưu nhược điểm cũng như đề ra giải pháp hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật về hợp đồng vay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét