Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề xác định là con chung của vợ chồng

Bài tập học kỳ Luật Hôn nhân và gia đình có đáp án.


Gia đình là tế bào của xã hội, tại đó tồn tại mối quan hệ ruột thịt và tình thương, gắn bó các chủ thể một cách thường xuyên, lâu dài, thậm chí suốt cả đời người về tình cảm và nghĩa vụ. Trong các mối quan hệ đó, mối quan hệ giữa cha mẹ và con được duy trì lâu bền nhất do yếu tố tình cảm chi phối và cũng vô cùng tế nhị. Từ đó dẫn đến vấn đề mà xã hội quan tâm là làm thế nào để xác định chính xác mối quan hệ huyết thống giữa cha mẹ .Việc xác định con chung của vợ chồng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của Luật hôn nhân và gia đình nói riêng và cả xã hội nói chung. Nó thể hiện tính nhân đọa sâu sắc và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Vì những lí do trên, em xin chọn đề tài số 12 làm bài tiểu luận cuối kì: “Các trường hợp được xác định là con chung của vợ chồng và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này”.


B. NỘI DUNG

I.KHÁI NIỆM “CON CHUNG CỦA VỢ CHỒNG”

Từ điển Luật học xác định con chung là: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng kí kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha hoặc mẹ không thừa nhận, nhưng có chứng cứ để Tòa án căn cứ ra quyết định là con của hai người thì cũng là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra mà cha mẹ không có giấy đăng kí kết hôn, không sống chung với nhau như vợ chồng trên với nhau trên thực tế thì vẫn là con chung của hai người và thường được gọi là con ngoài giá thú. Con nuôi do vợ chồng cùng nhận nuôi cũng là con chung của vợ chồng…”. Tuy nhiên khái niệm này chỉ mang tính liệt kê các trường hợp được coi là “con chung” chứ chưa nêu được khái quát định nghĩa “con chung của vợ chồng” là như thế nào.

Khái niệm “con chung” là một khái niệm rộng, có thể là con chung của vợ chồng hoặc con chung của hai người không phải là vợ chồng. Do đó, con chung có thể là con trong giá thù, cũng có thể là con ngoài giá thú; có thể là con đẻ, có thể là con nuôi. Luật thực định chỉ dùng khái niệm “con chung của vợ chồng” để áp dụng nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con. Con chung của vợ chồng, về nguyên tắc, là con trong giá thú bởi khi cha mẹ của người con đó, với tư cách là vợ chồng của nhau về mặt pháp lý thì có nghĩa là giữa họ tồn tại một quan hệ hôn nhân hợp pháp. Tuy nhiên, trong trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng không đăng kí kết hôn mà được thừa nhận là có giá trị pháp lý thì họ cũng là vợ chồng của nhau, nhưng con chung của họ vẫn là con ngoài giá thú (vì quan hệ hôn nhân của họ không có giấy chứng nhận kết hôn). Do đó, con chung của vợ chồng có thể là con trong giá thù hoặc có thể là con ngoài giá thú. Con chung của chồng có thể là con nuôi khi hai vợ chồng đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định, cùng tự nguyện nhận một người không phải do mình trực tiếp sinh ra làm con. Trong trường hợp này con chung của vợ chồng về nguyên tắc, sẽ không có quan hệ huyết thống về trực hệ với cha mẹ nuôi. Có thể khẳng định rằng mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con đẻ, xét về bản chất hoàn toàn khác mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi. Do đó, đối với những trường hợp nhận con đẻ của mình làm con nuôi không nên được chấp nhận. Mặc dù việc nhận con đẻ của mình làm con nuôi cũng tương tự là xác định người đó là con của mình, vẫn đảm bảo lợi ích của người con đó được sống trong môi trường gia đình, được sống với cha mẹ đẻ của mình dưới hình thức là cha mẹ nuôi. Người con vẫn là con chung của vợ chồng, Nhưng về bản chất tư cách chủ thể trong các mối quan hệ này là không đồng nhất. Cho dù khi hình thành quan hệ nuôi dưỡng thì giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ như cha mẹ đẻ và con đẻ. Cha mẹ nuôi hay cha mẹ đẻ, con nuôi hay con đẻ đều với tư cách là cha, mẹ, con về mặt pháp lý nhưng rõ ràng tính chất ràng buộc về hệ quả pháp lý của hai mối quan hệ này là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy trong trường hợp này không nên áp dụng việc nhận nuôi con nuôi. Có như vậy mới đảm bảo sự ổn định của gia đình và xã hội, ngăn ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra. Điều này sẽ dung hòa được lợi ích cá nhân và lợi ích gia đình, cũng như xã hội. 

Từ những phân tích trên và cũng theo Luận văn Tiến sĩ Luật học: “Xác định cha, mẹ, con trong pháp luật Việt Nam” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan thì: “Con chung của vợ chồng là con mà vợ chồng được xác định là cha mẹ của người con đó” . Đây là một khái niệm mang tính khái quát cao, đã định nghĩa được cơ bản vấn đề thế nào là con chung của vợ chồng.

II. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ CON CHUNG CỦA VỢ CHỒNG

Theo pháp luật thực định thì các trường hợp được xác định là con chung của vợ chồng rất rộng. Tại Điểm 5 Nghị định số 02 năm 2000 hướng dẫn ba trường hợp được coi là con chung của vợ chồng: con sinh ra khi đã tổ chức đăng ký kết hôn cho đến trước khi chấm dứt quan hệ hôn nhân; con sinh ra sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân, nhưng người vợ đã có thai từ khi đã tổ chức đăng ký kết hôn cho đến trước khi chấ dứt hôn nhân; con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cả vợ và chồng thừa nhận. Việc hướng dẫn này chưa bao quát được hết được tinh thần của quy định Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Theo đó, chúng ta có thể xác định các trường hợp sau là con chung của vợ chồng:

1. Con được sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận.

Khoản 1 Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã quy định như sau: “1…. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng”.

Khi đứa trẻ được sinh ra bởi người mẹ không đang tồn tại một mối quan hệ vợ chồng hợp pháp, đứa trẻ là con ngoài giá thú. Nhưng khi cha mẹ kết hôn thì đứa con đó trở thành con chung của vợ chồng. Tuy nhiên không mang tính chất được đương nhiên như những trường hợp khác, mà phải có điều kiện là cha mẹ thừa nhận, ở đây pháp luật quy định là: “được cha mẹ thừa nhận” có nghĩa là cả cha và mẹ đều phải thừa nhận đứa trẻ đó là con của mình. Đó là điều kiện để xác định đứa con đó là con chung của vợ chồng và là con trong giá thú. Vậy pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể về sự thừa nhận con chung của vợ chồng. Sự thừa nhận được coi là sự mặc nhiên thừa nhận con chung của vợ chồng thông qua giấy chứng nhận kết hôn hay phải thông qua một thủ tục đăng ký khác?

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận có thể xảy ra các trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, người mẹ là giấy khai sinh cho con sau đó mới đăng ký  kết hôn. Theo pháp luật về hộ tịch, kể từ khi đứa trẻ được sinh ra, trong một khoảng thời gian nhất định đứa trẻ phải được khai sinh. Khi đó, người mẹ không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mà chỉ có giấy chứng sinh và các giấy các giấy tờ khác thì trong giấy khai sinh đó chỉ ghi phần họ tên mẹ của đứa trẻ và phần họ tên cha bỏ trống. Sau đó người mẹ kết hôn với người trước đây đã từng sống chung, dẫn tới có thai và sinh con cả hai đều muốn đứa trẻ đó là con chung của vợ chồng thì chỉ cần sự thừa nhận đứa con của người chồng là đủ, vì người mẹ đã đứng tên trong giấy khai sinh của người con và không cần sự thừa nhận một lần nữa. Người mẹ không phản đối sự thừa nhận của người chồng thì coi đó như sự mặc nhiên thừa nhận đứa trẻ là con chung của hai vợ chồng.

Trường hợp thứ hai, người mẹ đăng ký kết hôn rồi mới đi làm giấy khai sinh cho đứa con. Trong trường hợp này cũng chỉ cần sự thừa nhận của người chồng đối với đứa con là đủ vì người mẹ là người trực tiếp sinh ra đứa trẻ, trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ. Khi đăng ký giấy khai sinh cho đứa trẻ thì quan hệ giữa người mẹ và đứa trẻ đã được chứng minh bằng giấy chứng sinh ở nơi mà người mẹ sinh đứa trẻ đó. Như vậy trong trường hợp này chỉ cần sự thừa nhận của người cha mà không cần sự thừa nhận của người mẹ.

Trong cả hai trường hợp này, nếu coi là có sự thùa nhận của người mẹ thì đó là đã mặc nhiên thừa nhận chồng mình là cha của đứa con do mình sinh ra trong giấy đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, đứa trẻ đang được người cha nuôi dưỡng, người mẹ quay trở về và họ đăng ký kết hôn với nhau , nếu đứa trẻ chưa đăng ký khai sinh và người mẹ cũng không xuất trình được giấy chứng sinh thì người mẹ và người cha cùng phải thừa nhận đứa con là con chung của vợ chồng. Như vậy, đối với trường hợp này cần có sự thừa nhận của cả cha và mẹ. Trong trường hợp này cũng cần đặt ra vấn đề là sự thừa nhận của người cha và người mẹ trong việc xác định một đứa con là con chung của mình đã đủ cơ sở để ghi nhận tư cách cha mẹ đối với con hay chưa? Pháp luật hiện nay ghi nhận sự tự nguyện là quan trọng nhất. Thậm chí có thể trên thực tế các chủ thể không có mối liên hệ với nhau về mặt huyết thống thì mối liên hệ giữa các chủ thể với tư cách cha mẹ và con vẫn được ghi nhận về mặt pháp lý.

Trong các trường hợp trên, sự thừa nhận của người cha đương nhiên phỉa có sự thừa nhận gián tiếp của người mẹ đối với quan hệ cha con giữa chồng mình và đứa con do mình sinh ra. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa dự liệu trường hợp, nếu con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn, đã thành niên, hoặc chưa thành niên nhưng đến một độ tuổi nhất định có quyền thể hiện sự đồng ý hay không đồng ý trong việc thừa nhận mối quan hệ cha mẹ và con không? Nếu không đồng ý thì sự thừa nhận của cha mẹ có đương nhiên không? Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn thì cha mẹ có được thừa nhận khi đứa con đó đã chết không? Có người cho rằng nên hiểu là, khi con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là đủ cơ sở để ghi nhận tư cách về mặt pháp lý mà không cần phải có sự thể hiện ý chí của người con khi người con đó chưa thành niên đạt một độ tuổi nhất định hoặc người con đó đã thành niên. Bởi vì, việc xác định người con đó có phải là con chung của vợ chồng hay không chỉ có vợ chồng là người rõ nhất. Nếu cho người con quyền thể hiện ý chí trong trường hợp này và người con không đồng ý thì sẽ không xác lập đượcmối quan hệ giữa cha mẹ và con về mặt pháp lý mà vốn dĩ giữa các chủ thể đã có quan hệ về mặt huyết thống. Mặt khác, nếu cho người con quyền thể hiện ý chí thì việc xác định đó về mặt huyết thống không có gì khác so với việc nhận con nuôi (người được nhận làm con nuôi được quyền thể hiện ý chí khi đạt đến một độ tuổi nhất định). Nhưng theo em không nên hiểu theo cách này. Người con cần được thể hiện ý chí khi đạt một độ tuổi nhất định. Bởi vì, người con chính là trung tâm của vấn đề xác định con chung của vợ chồng. Trong một chừng mực nhất định, người con đó có thể nhận thức được quan hệ giữa mình và người nhận mình làm con có thật sự tồn tại về mặt huyết thống hay không. Nếu người con thể hiện ý chí của mình là không đồng ý, không nhận người kia làm cha, mẹ thì thì quan hệ này vẫn có thể xác định theo một thủ tục khác. Như vậy, trường hợp này giống như không giống như trường hợp nhận nuôi con nuôi. Trong việc nhận nuôi con nuôi, nếu người được nhận nuôi không đồng ý làm con nuôi khi đến một độ tuổi nhất định thì đương nhiên quan hệ cha mẹ và con giữa người nuôi và người con nuôi không phát sinh.

Vì vậy, về nguyên tắc, việc thừa nhận con ngoài giá thú không mang tính đương nhiên mà luôn phải tiến hành bằng một thủ tục riêng biệt. Pháp luật Việt Nam cần quy định chi tiết về trường hợp này để áp dụng một cách thống nhất trong thực tiễn.

2.Con do người vợ thụ thai và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân.

Đây là trường hợp thông thường và phổ biến trong xã hội và được chấp nhận đương nhiên ở mọi giai đoạn xã hội.

Quá trình sinh đẻ của con người mang tính chất sinh học – xã hội đó là năng lực đẻ con (thụ tinh, thai nghén, đẻ). Sự kiện sinh đẻ luôn gắn với yếu tố xã hội mà trước hết là Hôn nhân và Gia đình. Theo quy định tại khoản 1  Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000:

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng…”.

Căn cứ vào thời kỳ hôn nhân: Thời kỳ hôn nhân là: “Khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, tính từ ngày đăng ký kết hôn tới ngày chấm dứt hôn nhân” (Khoản 7 Điều 8). Theo thủ tục đăng kí kết hôn, ngày đăng ký kết hôn sẽ được tính từ ngày hai bên nam nữ ký vào giấy chứng nhận kết hôn và được cán bộ tư pháp hộ tịch gia vào sổ đăng ký kết hôn và giấy chứng nhận kết hôn. Ngày này cũng chính là ngày tổ chức đăng ký kết hôn và cấp giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam nữ để họ trở thành vợ chồng. Hôn nhân sẽ chấ dứt khi một trong hai bên vợ chồng bị chết, bị tuyên bố là đã chết hoặc hai bên được Tòa án cho phép ly hôn bằng bản án hoặc quyết định thuận tình ly hôn có hiệu lực pháp luật. Nếu người vợ sinh con trong thời kỳ hôn nhân này, về nguyên tắc con đó được xác định là con chung của vợ chồng.

Tuy nhiên, việc xác định thời kỳ hôn nhân trong một số trường hợp còn gặp nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, theo Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn đối với những trường hợp kết hôn trái pháp luật mà không máy móc xử hủy thì thời điểm bắt đầu của thời kỳ hôn nhân được tính từ thời điểm nào? Có quan điểm cho rằng được tính từ ngày đăng ký kết hôn. Theo em, điểm này chưa phù hợp, vì tại thời điểm đó họ đang vi phạm điều kiện kết hôn. Vì vậy, trong trường hợp này nên bắt đầu tính từ thời điểm hai bên không còn vi phạm điều kiện kết hôn nữ.

Theo từ điển Tiếng Việt , “có thai” là đang mang thai trong bụng, “thụ thai” là bắt đầu có thai. Từ đó, dẫn đến hai trường hợp: Người vợ thụ thai trong thời kỳ hôn nhân hoặc người vợ đang mang thai trong thời kỳ hôn nhân. Việc quy định này rất phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện nay. Pháp luật thực định không đưa ra định nghĩa như thế nào là con do được thai nghén trong thời kỳ hôn nhân như pháp luật kỳ trước. Vì đã quy định trường hợp con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng nên việc quy định này là không cần thiết. Pháp luật thực định chỉ quy định thời gian mang thai tối đa mà không quy định thời gian mang thai tối thiểu. Hiện nay, Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: “Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người” (Điều 21). Vậy pháp luật đã gián tiếp quy định thời gian mang thai tối đa là 300 ngày. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định thời gian mang thai tối thiểu.

3. Con do người vợ thụ thai trước ngày đăng ký kết hôn và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân.

Do pháp luật thực định không ấn định thời gian mang thai tối thiểu bắt buộc kể từ ngày đăng ký kết hôn, mà chỉ quy định con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Do đó, bất kỳ ở thời điểm nào trong thời kỳ hôn nhân, người vợ sinh con thì đứa trẻ đều đương nhiên được xác định là con chung của vợ chồng. Đây là quy định hoàn toàn phù hợp trong điều kiện xã hội hiện nay.

Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật cần quy định thời gian mang thai tối thiểu để đảm bảo việc xác định con chung của vợ chồng được chính xác và cụ thể hơn. Đó là, đối với trường hợp người chồng hoặc người vợ bị tuyên bố mất tích hoặc bị tuyên bố chết trở về.

4.Con do người vợ thụ thai trong thời kỳ hôn nhân và sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt trong một thời hạn luật định tối đa là 300 ngày.

Đây là khoảng thời gian tương đối phù hợp cả về mặt khoa học và phong tục tập quán, quan niệm truyền thống…Trong lịch sử lập pháp Việt Nam tất cả các văn bản pháp luật đều lấy khoảng thời gian là 300 ngày trong thời gian mang thai tối đa của người phụ nữ. Việc quy định thời gian mang thai tối đa chỉ mang tính tương đối. Một vấn đề cần đặt ra trong trường hợp này là, ngoài việc xác định thời gian mang thai tối đã là 300 ngày kể từ chấm dứt hôn nhân, cần có quy định cụ thể thêm một số trường hợp đặc biệt khác để đảm bảo việc xác định chính xác và cụ thể hơn.

Pháp luật một số nước trên thế giới  đã có quy định về thời gian mang thai tối thiểu như: Trung Quốc (đứa con hợp pháp là đứa con được thụ thai từ quan hệ hôn nhân, thời gian thụ thai là khoảng thời gian giữa ngày thứ 181 và ngày thứ 302, kể cả hai ngày đó, trước ngày đứa trẻ sinh ra); Nhật Bản (sau 200 ngày từ khi kết hôn hoặc trong phạm vi 300 ngày từ khi hôn nhân bị hủy bỏ, bị vô hiệu – Điều 772 Bộ luật Dân sự Nhật Bản); hoặc Thái Lan (tính từ ngày thứ 180 cho đến ngày thứ 310, trước khi đứa trẻ ra đời – Điều 1539 Bộ luật Dân sự và Thương Mại Thái Lan)…để xác định đứa trẻ có là con chung của vợ chồng hay không.

Vì vậy, pháp luật Việt Nam không chỉ cần quy định thời gian mang thai tối đa là 300 ngày đối với trường hợp chấm dứt hôn nhân để xác định con chung của vợ chồng mà còn cần dự liệu đến cả thời gian mang thai tối thiểu để giải quyết những trường hợp cụ thể như trường hợp người vợ/chồng bị Tòa tuyên bố mất tích, hoặc tuyên bố chết trở về. Có nghĩa là thời gian mang thai tối thiểu, tối đa có thể được áp dụng ngay cả khi đang tồn tại thời kỳ hôn nhân.

5.Con do người vợ thụ thai trước ngày đăng ký kết hôn và sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt trong một thời hạn luật định.

Pháp luật quy định là người vợ “có thai trong thời kỳ hôn nhân” có thể hiểu rằng người vợ có thể đã thụ thai trước ngày đăng ký kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân thì đang mang thai, rồi sau khi chấm dứt hôn nhân mới sinh con. Do vậy, đứa trẻ này cũng đương nhiên được suy đoán là con chung của vợ chồng.

6.Con sinh ra theo phương pháp khoa học.

Trên thực tế hiện nay, số lượng các cặp vợ chồng vô sinh không ít và có dấu hiệu gia tăng, do nhiều nguyên nhân. Với sụ phát triển của y học, ở các nước và Việt Nam đã thực hiện những trường hợp thụ tinh nhân tạo, thụ tinh ống nghiệm, từ đó dẫn tới việc xác định con chung của vợ chồng trong trường hợp này cần được pháp luật quy định. Điều 3 Nghị định 12/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về sinh con theo phương pháp khoa học như sau:

- Sinh con theo phương pháp khoa học là việc sinh con được thực hiện bằng các ký thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh ống nghiệm.

- Thụ tinh nhân tạo là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào tử cung người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi.

- Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi.

- Cặp vợ chồng vô sinh là cặp vợ chồng sống gần nhau liên tục không áp dụng biện pháp tránh thai nào mà không có thai sau 01 năm.

- Noãn là tế bào trứng/

- Phôi là sản phẩm kết hợp giữa noãn và tinh trùng.

Pháp luật Việt Nam khẳng định rằng cặp vợ chồng vô sinh là cha mẹ hợp pháp của con được sinh ra từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chứ không phải là người cho tinh trùng, noãn, phôi. Thời gian 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân sẽ  hoàn toàn phù hợp trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học. Việc sinh con theo phương pháp khoa học phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của cặp vợ chồng vô sinh vì những quy định nghiêm ngặt về y tế. Do đó, kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân mà người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh sinh con thì đứa con đó có thể vẫn đc xác định là con chng của vợ chồng mặc dù thời điểm người vợ sinh con là quá 300 ngày kể từ khi chấm dứt hôn nhân khi có những điều kiện nhất định. Vì vậy, pháp luật cần có những quy định cụ thể về vấn đề này. 

7.Hai vợ chồng trong thời kì hôn nhân cùng nhận nuôi con nuôi.

Hai vợ chồng đang trong thời kì hôn nhân hợp pháp mà cùng đồng ý nhận con nuôi thì người con nuôi đó đương nhiên trở thành con chung của vợ chồng. Tuy nhiên, hai vợ chồng đó phải thỏa mãn các điều kiện nhận nuôi con nuôi quy định tại Điều 69 Luật HN&GĐ năm 2000:

“1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
3. Có tư cách đạo đức tốt;
4. Có điều kiện thực tế bảo đảm viejc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
5. Không phải người đang bị hạn chế quyền làm cha, mẹ hoặc bị kết án mà chưa được xóa án về một số tội như cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự người khác,….”

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ VẤN ĐỀ NÀY

1.Hoàn thiện chế định xác định con chung của vợ chồng trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Pháp luật cần quy định cụ thể những vấn đề pháp lý liên quan trong việc xác định con chung của vợ chồng tại Điều 63 của Luật này. Đó là, phải xác định chuẩn xác một số mốc thời gian quan trọng sau:

 Thời kỳ hôn nhân cần được pháp luật xác định cụ thể trong những trường hợp đặc biệt:

• Đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật được hướng dẫn là không máy móc xử hủy thì có nghĩa là gián tiếp thừa nhận việc kết hôn đó là hợp pháp. Vì vậy, phải xác định thời kỳ hôn nhân từ thời điểm nào? Nên xác định từ thời điểm hai bên không còn vi phạm điểm không còn vi phạm điều kiện kết hôn nữa.

• Đối với trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng. Theo em, thời kỳ hôn nhân được tính từ thời điểm bắt đầu thực sự chung sống trong quan hệ vợ chồng.

 Pháp luật cần quy định thời gian mang thai tối đa và thời gian mang thai tối thiểu trong những trường hợp đặc biệt.

Như đã phân tích ở trên, Nghị định 70 chỉ quy định về thời gian mang thai tối đa (300 ngày) là không hoàn toàn phù hợp. Cần xác định rõ thời điểm tính 300 ngày ở những thời điểm đặc biệt, như thời điểm đối với người bị xác định là mất tích, là chết. Bên cạnh đó, pháp luật cần quy định thời gian mang thai tối thiểu, để đảm bảo sự toàn diện của pháp luật và là cơ sở để áp dụng pháp luật. Pháp luật có thể quy định thời gian mang thai tối thiểu là 180 ngày và thời gian mang thai tối đa là 300 ngày. Từ đó, sẽ xác định được khoảng thời gian có thể thụ thai đứa trẻ từ ngày thứ 180 đến ngày thứ 300 tính từ ngày sinh đứa trẻ ngược trở lại.

 Pháp luật cần quy định cụ thể hơn đối với trường hợp con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân và được cha, mẹ thừa nhận.

Theo quy định hiện hành thì sự thừa nhận đó có thể là của cả vợ chồng hoặc của vợ hoặc của chồng. Ngoài ra, người con đã thành niên hoặc chưa thành niên nhưng đến một độ tuổi nhất định cũng phải được quyền thể hiện ý chí về sự đồng ý hay không đồng ý sự thừa nhận đó. Có nghĩa là sự thừa nhận của cha, mẹ không đương nhiên được chấp nhận. Người mẹ đứa con, thậm chí đứa con thành niên hoặc chưa thành niên có quyền từ chối tư cách làm cha của người chồng người mẹ. Đối với trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng, nếu họ sinh con trước thời kỳ đăng ký kết hôn thì tại thời điểm sinh con, bản thân quan hệ của họ chưa được công nhận là sống chung như vợ chồng có giá trị pháp lý hay không. Người mẹ làm thủ tục khai sinh cho con phải thông qua thủ tục đăng ký nhận con, nếu không có giấy chứng nhận kết hôn thì UBND chỉ ghi họ tên người mẹ trong giấy khai sinh. Người chồng của người mẹ muốn nhận con phải làm thủ tục xác định cha cho con tại TAND. Như vậy, người chồng người mẹ không đương nhiên được thừa nhận con và được xác định cha của người con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân.

 Pháp luật cần có quy định cụ thể với trường hợp được xác định là con chung trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học và được sinh sau khi chấm dứt hôn nhân.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học có tính khả thi, pháp luật cần quy định cụ thể hơn điều kiện đối với cặp vợ chồng vô sinh và các trường hợp mà các bên chủ thể thay đổi ý chí tự nguyện sinh con theo phương pháp khoa học: Cặp vợ chồng vô sinh phải có đăng kí kết hôn hợp pháp; quy định về tình trạng hôn nhân; xác định thời điểm bắt đầu thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là thời điểm sau khi hoàn tất hồ sơ, đã được phê duyệt và các chủ thể cam kết sự tự nguyện bằng văn bản theo quy định của pháp luật.

Cần xác định đây là trường hợp ngoại lệ khi xác định thời gian 300 ngày kể từ khi chấm dứt hôn nhân. Thời gian này có thể kéo dài hơn nữa do không còn chịu sự chi phối hoàn toàn bởi quy luật tự nhiên về thời gian mang thai tối đa kể từ khi chấm dứt hôn nhân nữa mà còn phụ thuộc vào ý chí của cặp vợ chồng vô sinh, phụ thuộc vào các điều kiện thích hợp theo sự chỉ định của cơ sở y tế.

2.Hoàn thiện thủ tục xác định con chung của vợ chồng.

 Cần hướng dẫn cụ thể việc cha mẹ thừa nhận con do được sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn.

Đối với trường hợp con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận thuộc trường hợp cha mẹ chung sống như vợ chồng được coi là có giá trị pháp lý theo hướng dẫn của Nghị định 35/2000/QH10 ngày 9 tháng 6 năm 2000 và Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dấn Nghị định 35 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình thì vẫn áp dụng theo tinh thần Điều 9 Nghị định 77/2001/NĐ-CP.

 Cần hướng dẫn cụ thể việc xác định thời điểm bắt đầu thời kỳ hôn nhân trong những trường hợp đặc biệt.

Đối với trường hợp chung sống như vợ chồng được coi là có giá trị pháp lý, sau đó, họ có đăng ký kết hôn thì thời điểm tính quan hệ vợ chồng được xác định là ngày họ thực sự sống chung trong quan hệ vợ chồng.

Đối với trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật mà Tòa án không máy móc xử hủy việc kết hôn thì coi như việc kết hôn đó là hợp pháp, nên trong trường hợp này pháp luật cần hướng dẫn, lấy thời điểm các bên trong quan hệ đó không còn vi phạm điều kiện kết hôn nữa.

 Cần hướng dẫn cụ thể về thời điểm khôi phục năng lực chủ thể đối với trường hợp người bị tuyên bố mất tích và bị tuyên bố chết trở về.

Trong trường hợp người bị tuyên bố mất tích và bị tuyên bố chết trở về, khi Tòa án ra quyết định để khôi phục năng lực chủ thể của họ, cần thiết phải xác định rõ trong quyết định đó về thời điểm bắt đầu khôi phục năng lực chủ thể của họ, đó là thời điểm biết được sự tồn tại của họ tại một địa phương nào đó.

Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về việc xác định con chung của vợ chồng được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa lý luận và thự tiễn. Do đó, các giải pháp của từng mảng pháp luật thống nhất với nhau, tạo ra một cơ chế đồng bộ, một hành lang pháp lý toàn diện. Từ đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong mối quan hệ đó và các mối quan hệ có liên quan.

C. KẾT LUẬN

Xác định con chung của vợ chồng là một quyền nhân thân gắn liền với nhân thân của chủ thể không thể chuyển giao cho người khác. Nó luôn bị chi phối bởi các yếu tố phong tục tập quán, truyền thống, tình cảm và đạo đức xã hội. Việc xác định này đảm bảo một trật tụ pháp lý, đảm bảo sự dung hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích chung của gia đình và xã hội.

Pháp luật quy định về vấn đề xác định con chung của vợ chồng ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, điều chỉnh kịp thời những vẫn đề mới nảy sinh trong thực tiễn. Pháp luật đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh các trường hợp xác định con chung của vợ chồng trong hôn nhân hợp pháp. Đây là cơ sở pháp lý đảm bảo sự ổn định về mối quan hệ này. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển và không ngừng thay đổi, thì các xác định con chung của vợ chồng cần được pháp luật hướng dẫn cụ thể hơn nữa, cần khắc phục những bất cập, hạn chế còn tồn tại.

Nhằm nâng cao hiệu quả việc điều chỉnh pháp luật về xác định con chung của vợ chồng cần phải xây dựng được hệ thống giải pháp đồng bộ, có sự gắn kết mật thiết với nhau, tạo nên một cơ chế pháp lý thống nhất. Như vậy, việc hoàn thiện pháp luật về vấn đề này là rất cần thiết và phải luôn đả bảo tính khả thi trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, nxb.CAND năm 2007.

2. Đại học Huế, Giáo trình luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2003.

3. Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000.

4. Luật sư – Thạc sĩ Nguyễn Văn Cừ, Thạc sĩ Ngô Thị Hường (2002), “Một số vẫn đề lý luận và thực tiễn về Luật HN&GĐ năm 2000”, nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Luận án tiến sĩ luật học Nguyễn Thị Lan “Xác định cha, mẹ,con trong pháp luật Việt Nam” năm 2008 (trang 16).

6. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.

7. Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

8. Nghị định 35/2000/QH10 ngày 9 tháng 6 năm 2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.

9. Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2001 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành Luật HN&GĐ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét