Bài tập học kỳ Luật Bình đẳng giới có đáp án.
Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia và là yếu tố cơ bản để nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới, tuy nhiên tình trạng này vẫn còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trong các gia đình ở các vùng nông thôn, miền núi và dân tộc ít người. Luật quy định là bình đẳng trong mọi mặt như vậy nhưng theo em, quy định bình đẳng trong gia đình, trong lao động và tham gia vào thị trường lao động là có ý nghĩa nhất, vì bình đẳng trong gia đình là cái gốc của mọi bình đẳng khác. Để tìm hiểu sâu thêm về vấn đề này, em xin chọn đề tài: “Vấn đề bình đẳng giới giữa các thành viên trong gia đình trong lao động và tham gia vào thị trường lao động”, làm bài tập học kì.
B. NỘI DUNG
1. Lý luận chung về bình đẳng giới
1.1. Một số khái niệm.
Khái niệm giới tính được quy định tại khoản 2, Điều 5: “Giới tính chỉ các đặc điểm sinh học của nam và nữ”. Giới tính mang tính tự nhiên, bẩm sinh, có tính đồng nhất và không tự nhiên thay đổi theo không gian, thời gian.
Theo hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, có thể hiểu giới là phạm trù chỉ quan niệm, vai trò và mối quan hệ giữa nam giới và phụ nữ. Khái niệm giới được quy định trong Luật Bình đẳng giới, tại khoản 1 Điều 5: “Giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội”.
Xã hội tạo ra và gán cho trẻ em gái và trẻ em trai, cho phụ nữ và nam giới các đặc điểm giới khác nhau trong các quan hệ xã hội. Bởi vậy, các đặc điểm giới rất đa dạng và có thể thay đổi được.
Tiếp theo là khái niệm về bình đẳng giới. Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ (khoản 4 Điều 5 Luật Bình đẳng giới). Định kiến giới gắn liền với giới tính, xuất phát từ giới tính dẫn đến sự đánh giá sai lệch về vị thế, vai trò của nam, nữ. Định kiến giới tồn tại lâu dài, khó thay đổi và mang tính thiên lệch, phiến diện, một chiều.
Mục tiêu của bình đẳng giới theo Luật Bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
1.2. Quy định pháp luật về bình đằng giới trong lao động
Kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và thực hiện những lời di huấn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo và thực hiện bình đẳng giới, nhiều văn bản chính sách đã được ban hành và một trong những văn bản quan trọng không thể không nhắc đến, đó là Hiến pháp 1992, tại Điều 55 quy định về quyền và nghĩa vụ lao động của công dân như sau: “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước và xã hội có kế hoạch tạo ngày càng nhiều việc làm cho người lao động.”
Điều 63 Hiến pháp 1992 quy định về quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong lao động:
“Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.
Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức Nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật.
Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội; chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ.”
Trong thời gian qua, hàng loạt các văn bản pháp luật của Nhà nước đã được ban hành nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội và thực hiện bình đẳng giới như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh dân số...và không thể không nhắc đến là Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới.
Luật Bình đẳng giới (Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007) quy định về BĐG trên tám lĩnh vực: chính trị, kinh tế, lao động – việc làm, văn hóa – thông tin, y tế, giáo dục – đào tạo, thể dục thể thao .v.v... Bình đẳng giới trong gia đình được Luật Bình giới quy định tại Điều 18:
- “Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
- Vợ, chồng có quyền ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.
- Vợ chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp; sử dụng thời gian nghỉ, chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật.
- Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
- Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình.”
Và Điều 13 Luật Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, quy định:
1. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc, về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác.
2. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm giữ các chức danh trong các nghành, nghề có tiêu chuẩn chức danh.
3. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:
a) Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;
b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;
c) Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh, an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số nghành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình tại Điều 19 quy định: “ Vợ, chồng bình đẳng với nhau có nghĩa vụ và quyền ngang nhau trong gia đình”
Điều 5 Bộ luật Lao động 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động:
“1. Người lao động có các quyền sau đây:
a) Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử;
b) Hưởng lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
c) Thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại với người sử dụng lao động, thực hiện quy chế dân chủ và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
d) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;
đ) Đình công.
2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể;
b) Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động;
c) Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về bảo hiểm y tế.”
Xuất phát từ đặc điểm của phụ nữ ngoài việc thực hiện những nghĩa vụ lao động còn phải đảm nhiệm thiên chức làm mẹ, Bộ luật Lao động đã dành một chương riêng – Chương X đối với lao động nữ quy định về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng…
2. Vấn đề bình đẳng giới giữa các thành viên trong gia đình trong lao động và trong tham gia vào thị trường lao động.
2.1. Thực trạng bình đẳng giới giữa các thành viên trong gia đình trong lao động và tham gia vào thị trường lao động.
2.1.1. Bình đẳng giới trong gia đình trong lao động.
Những năm gần đây do bình đẳng giới trong gia đình trong lao động được ghi nhận chi tiết trong pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền đến quần chúng nhân dân và được thực hiện một cách nghiêm túc cho lên đã đạt được những thành quả khả quan. Có thể nhận thấy là đa số các gia đình trong nước ta đặc biệt ở những vùng có dân trí cao như ở các thành phố, thị xã đã đạt được kết quả cao về bình đẳng giới trong gia đình trong lao động. Ta có thể thấy là ở đây không phải chỉ có người vợ mới làm công việc gia đình hoặc những công việc mang tính giản đơn nữa, mà trong các gia đình ở các thành phố hiện nay người phụ nữ còn làm kinh doanh, là trí thức... Tuy vậy, nhưng ta vẫn còn thấy không ít sự mất bình đẳng giới trong các gia đình trong lao động, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và khu vực miền núi, dân tộc ít người. Ở đây người phụ nữ, người vợ thường làm việc nhà và những công việc giản đơn còn người chồng, người con trai thường đảm nhiệm những công việc chính trong gia đình.
Cùng với sự tiến bộ của xã hội, ngày càng có nhiều công cụ và các điều kiện giúp con người giảm nhẹ sức lao động, công việc trong gia đình. Mặc dù, tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ đã dần dần mất đi, nhưng có một nghịch lí vẫn đang tồn tại là việc nội trợ nuôi dưỡng con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình vẫn được coi là công việc của người phụ nữ và vẫn có quan niệm cho rằng các hoạt động này không mang lại giá trị kinh tế.
Định kiến giới và tư tưởng trọng nam giới hơn phụ nữ vần còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư ở trong xã hội với các biểu hiện như: thích đẻ con trai hơn con gái, coi việc nội trợ, chăm sóc con cái là của phụ nữ, khi chia tài sản thừa kế thường dành cho con trai nhiều hơn, ưu tiên đầu tư vào con trai, quan niệm nam giới là người trụ cột, quyết định chính trong gia đình và đóng vai trò chính trong các quan hệ xã hội bên ngoài gia đình.
Thời gian làm việc của phụ nữ thường dài hơn nam giới: Mặc dù pháp luật quy định trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định mọi vấn đề chung, cùng chia sẻ mọi công việc cũng như chăm lo cho con cái, cha mẹ.... Nhưng trên thực tế, nam giới vẫn được coi là trụ cột trong gia đình có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là thiên chức của phụ nữ. Tính chất bảo thủ của sự phân công lao động truyền thống theo giới ở các mức độ khác nhau vẫn còn được bảo lưu trong một bộ phận gia đình Việt Nam đã làm hạn chế các cơ hội học hành của trẻ em gái, cản trở phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội và có địa vị, thu nhập bình đẳng như nam giới. Các kết quả thống kê cho thấy, trung bình thời gian làm việc một ngày của phụ nữ là 13 giờ, trong khi của nam giới là khoảng 9 giờ. Sự chênh lệch này chủ yếu là do phụ nữ còn đảm nhiệm chính công việc nội trợ, chăm sóc con cái...Ngoài vai trò sản xuất và công tác như nam giới.
Phân công lao động trong gia đình ở nhiều vùng miền trên cả nước còn mang tính chất phân biệt theo giới rõ rệt. Công việc gia đình vẫn tập trung vào người phụ nữ là chủ yếu. Do đó, phụ nữ ít có cơ hội để học tập, nâng cao trình độ, nghỉ ngơi giải trí hay tham gia vào các hoạt động xã hội. Ở một số vùng theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ không chỉ gánh vác hầu hết mọi công việc gia đình, chăm sóc con cái mà đồng thời còn là lao động chính trong gia đình. Đây thực sự là gánh nặng quá tải gây ảnh hưởng xấu tới tình trạng sức khỏe của phụ nữ.
Trong gia đình, phụ nữ tham gia vào việc ra quyết định thấp hơn nam giới: Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung phụ nữ ít được quyền quyết định công việc gia đình hơn so với nam giới. Quyền lực cao hơn của một người chồng thể hiện ở quyền quyết định ở một số việc như: sản xuất kinh doanh, quan hệ họ hàng, còn người vợ thường chỉ có tiếng nói ở những việc như sử dụng biện pháp tránh thai, việc học của con hay các công việc nội trợ trong gia đình...
2.1.2. Bình đẳng giới khi tham gia vào thị trường lao động
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia hoạt động kinh tế ở mức cao (83% so với nam giới). Phụ nữ đóng vai trò ngày càng quan trọng toàn bộ nền kinh tế quốc dân; tham gia ngày càng nhiều hơn trong khu vực phi nông nghiệp đặc biệt là các nghành và lĩnh vực kinh tế có yêu cầu kĩ thuật, công nghệ cao. Theo điều tra lao động – việc làm ngày 1/8/2007 của Tổng cục thống kê, tỷ lệ lao động nữ đã chiếm 46% trong số người làm công ăn lương từ các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh; số chủ cơ sở sản xuất – kinh doanh là nữ chiếm 41,12%, tỷ lệ lao động nữ làm kinh tế hộ gia đình chiếm 49,42%. Mặc dù các số liệu thống kê cũng chỉ ra có một tỷ lệ lớn lao động còn làm các công việc giản đơn (53,64%), nhưng tỷ lệ phụ nữ đang tham gia vào các lĩnh vực vốn được coi là “truyền thống” (công việc kĩ thuật, quản lí) của nam giới cũng đang dần tăng lên. Tỷ lệ lao động nữ từ 15 tuổi trở lên làm công việc khai khoáng chỉ chiếm 31,1%, trong khi đó nam giới chiếm 68,9%; tham gia hoạt động khoa học và công nghệ thì nữ chiếm 34% và nam chiếm 66%; quản lí nhà nước về an ninh, quốc phòng, bảo đảm xã hội thì nữ chiếm 24,7% và nam chiếm 75%. Tuy vậy, có một số công việc vốn được coi là “truyền thống” của phụ nữ thì tỷ lệ nữ tham gia vẫn còn rất cao. Chẳng hạn, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên làm việc trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng chiếm 71,6%, trong khi nam giới chỉ chiếm 28,4%; giáo dục đào tạo, nữ chiếm 69,2% và nam chiếm 30,8%; y tế và cứu trợ xã hội, nữ chiếm 59,6%, nam chiếm 40,4%
Nhìn chung, phân bố cơ cấu nam, nữ trong các ngành nghề cho thấy, nam giới vẫn thường chiếm tỷ lệ cao hơn ở những nhóm việc như công nhân, lãnh đạo, dịch vụ cá nhân, công việc chuyên môn kĩ thuật và lực lượng vũ trang. Phụ nữ thường chiếm tỷ lệ cao ở một số nhóm nghề khác như nông nghiệp, buôn bán nhỏ, nhân viên văn phòng.
Vị thế việc làm của lao động nữ cũng có sự thay đổi tích cực. Trong 10 năm từ năm 1997 đến năm 2007, nhóm lao động làm công ăn lương tăng rất mạnh trong phân bố cơ cấu lao động từ 18,6% (1997) lên tới 30% (2007), trong đó lao động nam chiếm 59,8% và lao động nữ chiếm 40,2% (2007). Nếu so sánh với năm 2005 thì có sự thay đổi rõ rệt. Năm 2005, tỉ trọng lao động làm công ăn lương chiếm 25,6%, trong đó lao động nam chiếm 78,7% và lao động nữ chiếm 21,3%. Tỷ trọng lao động nữ trong số người làm công ăn lương tăng mạnh (19%), thể hiện sự thay đổi theo hướng giảm sự bất bình đẳng giới về việc làm có thu nhập ổn định giữa nam và nữ. Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá tình hình bình đẳng giới của Việt Nam có nhiều tiến bộ.
Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, tỉ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị cũng có xu hướng giảm nhẹ, từ 4,82% năm 2006, xuống còn 4,64% năm 2007, ước tính năm 2008 là 4,65%, tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ ở khu vực thành thị là 5,25%; 5,10% và 5,10%. Nhìn chung, kết quả này đều thực hiện đạt chỉ tiêu phấn đấu đề ra trong Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.
Theo “Báo cáo phát triển con người, 2011” của UNDP, trình độ học vấn của phụ nữ Việt Nam (từ 25 tuổi trở lên) đã hoàn thành chương trình giáo dục cấp 2 trở lên là 24,7% so với 28% là của nam giới. Như vậy, mức độ chênh lệch giữa nam và nữ về giáo dục ở nước ta không nhiều. Theo Kết quả chủ yếu của Điều tra Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ngày 1/4/2011 của Tổng cục Thống kê (TCTK) thì tỷ lệ biết chữ của nam giới là 96,2% và của nữ giới là 92,2% (từ 15 tuổi trở lên). Trang Wikipedia dẫn nguồn từ website Quốc hội thì tại Việt Nam cứ 100 cử nhân có 36 nữ, 100 thạc sĩ có 34 nữ, 100 tiến sĩ có 24 nữ. Để tôn vinh các nhà khoa học nữ, 25 năm qua, giải thưởng Kovelevskaia, đã trở thành một giải uy tín lớn trong giới khoa học Việt Nam được trao cho hàng chục cá nhân, tập thể. Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ “Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam” nhằm khuyến khích và tôn vinh phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực.
Khi phụ nữ có học vấn cao sẽ mở ra các cơ hội cho họ về việc làm, thu nhập, cơ hội tiếp cận về y tế, kế hoạch hóa gia đình hay tham gia vào lĩnh vực chính trị. Chính vì thế, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Mở cánh cửa giáo dục là mở ra các cơ hội mới.
Theo UNDP, tỷ lệ nữ tham gia lao động của Việt Nam là 68% và nam giới là 76%. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 của TCTK thì tỷ lệ nữ tham gia lao động là 46,6% trong tổng số lao động. Như vậy, tỷ lệ nữ Việt Nam tham gia lao động gần bằng nam giới. Đảng chú ý báo cáo “Bình đẳng giới và Phát triển” (Gender equality and Development) của World bank được công bố mới đây thì tỷ lệ phụ nữ (30%) tham gia lao động trong lĩnh vực dịch vụ lại cao hơn nam giới (26%). Có trên 20% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam do phụ nữ làm chủ, chủ yếu thuộc về khu vực thương mại, dịch vụ, sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản. Nhiều tấm gương phụ nữ trẻ làm kinh tế giỏi không những chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp được nhiều cho xã hội. Theo UNDP thì tại Việt Nam nếu nam giới kiếm được 1$ thì nữ giới sẽ kiếm được 0,69$ (số liệu năm 2007). Điều này khác xa so với nhiều nước trên thế giới. Khi phụ nữ có việc làm, họ sẽ có thu nhập và mang đến sự tự chủ về kinh tế
Đến đây, tỷ lệ lao động nữ trong tổng số lao động mới được giải quyết việc làm đã tăng lên và có khả năng vượt chỉ tiêu kế hoạch. Theo Điều tra lao động – việc làm ngày 1/8/2007 của Tổng cục Thống kê, năm 2005, lao động nữ chiếm khoảng 21,14 triệu người trong số lao động của nền kinh tế quốc dân (48,6% so với 43,45 triệu lao động), đến tháng 8/2007 đã tăng lên khoảng 22,77 triệu người (49,4% so với tổng số trên 46,11 triệu lao động).
Chênh lệch lao động sau 2 năm 2006 – 2007 tương ứng với số lao động được giải quyết việc làm mới là 2,76 triệu người (trong đó, lao động nam là 1,08 triệu người và lao động nữ là trên 1,67 triệu người), bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 1,33 triệu người, trong đó lao động nữ là 835 nghìn người.
2.2. Nguyên nhân
- Nhận thức của người dân về vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động còn hạn chế. Các công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chưa đạt hiệu quả cao.
- Do các định kiến giới, tư tưởng gia trưởng, trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi; mặt khác nhận thức về vấn đề bình đẳng giới tuy đã có chuyển biến, nhưng chưa cao, do vậy việc thực hiện bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội còn có những hạn chế. Nhận thức của các cấp, các ngành còn nhiều bất cập; chưa tích cực, chủ động triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và còn có tư tưởng coi công tác bình đẳng giới là của phụ nữ và cho phụ nữ nên nhiều hoạt động thực hiện còn mang tính hình thức.
- Do đặc điểm giới tính. Có những lĩnh vực số lượng lao động nữ ít hơn lao động nam (ví dụ như công nghiệp nặng, xây dựng,…) nhưng ngược lại có những lĩnh vực nam ít hơn nữ (dệt may, giáo dục phổ thông,…). Nhiều nhà tuyển dụng không muốn tuyển lao động nữ vì ngại thực hiện chính sách xã hội và giảm năng suất. Thiên chức làm mẹ cũng gây ít nhiều bất lợi cho phụ nữ trong việc tuyển dụng lao động; các nhà tuyển dụng thường ngại tuyển dụng những lao động nữ vì lý do thai sản, sinh con, nuôi con nhỏ,…
- Một số quy định trong các lĩnh vực có liên quan đến bình đẳng giới còn chưa phù hợp đã dẫn tới những hạn chế điều kiện và cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ như vấn đề tuổi nghỉ hưu; tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm...của cán bộ, công chức nữ. Thiếu chế tài xử lí vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới; một số chính sách khuyến khích sử dụng lao động nữ không được thi hành như chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ban hành đã lâu nhưng chậm và khó thực hiện, do vậy không tạo động lực cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và nâng cao các điều kiện bảo hộ lao động, chế độ đãi ngộ đối với lao động nữ.
- Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội chưa được quan tâm đúng mức nên việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật đảm bảo lồng ghép bình đẳng giới cũng còn lúng túng và có hạn chế nhất định.
2.3. Giải pháp.
- Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động đến từng địa phương, từng cơ quan, nhà máy, xí nghiệp,…Tổng kết đánh giá việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực không phù hợp với các nguyên tắc bình đẳng giới theo quy định tại Điều 6 của Luật Bình đẳng giới.
- Tiếp tục tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá tác động giới trong các chính sách, chương trình, đề án về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề...nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong quá trình tổ chức thực hiện. Tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng về giới, phân tích giới, lồng ghép giới cho cán bộ làm công tác quản lí nhà nước về bình đẳng giới ở trung ương và địa phương.
- Nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ việc điều hòa các trách nhiệm của nam, nữ trong tham gia chia sẻ công việc gia đình và làm kinh tế, trao cho người cha cơ hội phát huy vai trò chăm sóc gia đình và con cái, giảm bớt gánh nặng công việc gia đình cho phụ nữ do họ phải kết hợp các hoạt động kinh tế và chăm sóc gia đình.
- Khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ của mình đối với lao động nữ, đồng thời tạo cơ hội cho người sử dụng lao động có thể cạnh tranh trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
- Tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động, đặc biệt thị trường lao động chính thức, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ, nhằm hạn chế những vi phạm trong việc sử dụng lao động nữ.
C. KẾT LUẬN
Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động là một vấn đề quan tâm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội. Nam, nữ trong lĩnh vực lao động được bình đẳng như nhau về điều kiện, cơ hội và thụ hưởng những thành quả lao động. Nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động Đảng, Nhà nước cần có những chính sách, quy định, giải pháp thiết thực để pháp luật thực hiện trong thực tiễn một cách có hiệu quả nhất.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Thị Hường - Nguyễn Phương Lan (đồng chủ biên), Tập bài giảng luật bình đẳng giới, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2013.
2. Luật bình đẳng giới năm 2006.
3. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
4. Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005.
5. Bộ luật lao động 2012
6. Bộ LĐTBXH, kết quả điều tra lao động việc làm các năm 2003, 2004, 2005, 2006. Hà nội, NXB Lao động – xã hội 2003, 2004, 2005, 2006.
7. Naila Kabeer-Trần Thị Vân Anh, toàn cầu hoá, vấn đề giới và việc làm trong nên kinh tế chuyển đổi, trường hợp Việt nam năm 2006. Hà nội năm 2007
8. Ngân hàng thế giới, Báo cáo đánh giá tình hình giới ở Việt Nam năm 2006, Hà nội 2007
9. Ngân hàng thế giới, báo cáo phát triển năm 2006. Hà nội năm 2007, NXBChính trị quốc gia năm 2007.
10. Ngân hàng thế giới – Viện kinh tế Việt nam, báo cáo sự tham gia của Cộng đồng ngư dân nghèo trong xác định nguồn lực và nhu cầu đuầ tư phát triển thuỷ sản Việt nam năm 2006. Hà nội.
11. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), báo cáo tình hình phát triển kinh tế –xã hội Việt năm năm 2006, Hà nội, NXB chính trị quốc gia năm 2007
12. Quốc hội nước CHXHCNVN, Luật bình đẳng giới năm 2006. Hà nội, NXB Lao động – Xã hội năm 2007;
13. Tổng cục thống kê – Bộ kế hoạch và đầu tư, Niên giám thông kê kinh tế – xãhội các năm 2004, 2005, 2006. Hà nội, NXB thống kê 2004, 2005, 2006
14. Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005.Bộ luật lao động 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét