Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng hình sự

Bài tập nhóm Luật Tố tụng Hình sự có đáp án.

Cũng như các ngành luật khác, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng có những phương châm, định hướng và quan điểm chỉ đạo tri phối tới tất cả các hoạt động của mình và được ghi nhận trong các văn bản pháp luật. Những phương châm, định hướng và quan điểm chỉ đạo ấy chính là nội dung của các nguyên tắc trong pháp luật tố tụng hình sự. Một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật Tố tụng hình sự Việt Nam chính là nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng được quy định tại điều 14 Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam năm 2003. 

Để phần nào làm dõ hơn nguyên tắc này, chúng em xin trình bày bài tập nhóm số 1 của mình theo đề tài số 5: "Mục đích quy định và nội dung nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng và điều kiện đảm bảo thực hiện nguyên tắc này”. Mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng bài làm của chúng em vẫn không thể tránh được những hạn chế và sai sót, rất mong được sự chỉ bào của thầy cô và các bạn. Nhóm em xin chân thành cảm ơn.

NỘI DUNG.

I.KHÁI NIỆM SỰ VÔ TƯ VÀ NGUYÊN TẮC ĐẢM BẢO VÔ TƯ NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG, NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG.

1.Sự vô tư và nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

Vô tư có thể được hiểu là “ không nghĩ đến lợi ích riêng tư”; “ không thiên vị ai cả”  . 

Nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng được ghi nhận tại Điều 14, Luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:”Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án không được tiến hành tố tụng hoặc người phiên dịch, người giám định không được tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Định nghĩa trong luật trên đã trình bày được các chủ thể thuộc sự điều chỉnh của nguyên tắc, tuy nhiên chưa nêu rõ được nội dung của nguyên tắc. Nội dung cơ bản nhất của nguyên tắc này là đảm bảo việc người tiến hành tố tụng và người tham gia hoạt động tố tụng với tư cách người giám định và người phiên dịch không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố lợi ích cá nhân dẫn tới thiên vị khi tiến hành hoạt động tố tụng, và thay đổi các chủ thể này khi có lý do xác đáng rằng sự thiên vị và tư lợi có thể xảy ra.

2. Người tiến hành tố tụng.

Quá trình giải quyết vụ án hình sự là một quá trình liên tục, trải qua nhiều giai đoạn tố tụng khác nhau. Hoạt động tố tụng ở mỗi giai đoạn lại do một cơ quan nhất định thực hiện chính. Các cơ quan này được gọi là cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án). Khi tiến hành những hoạt động cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng phải thông qua những con người cụ thể, những người đó gọi là người tiến hành tố tụng. Tương ứng với từng cơ quan tiến hành tố tụng thì có người tiến hành tố tụng tương ứng

Theo quy định tại khoản 2, Điều 33 của (BLTTHS) năm 2003 thì người THTT gồm: “

a)Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Điều tra viên;

b)Viện trưởng, phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên;

c)Chánh án, phó Chánh án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư kí Tòa án. 
Như vậy ta có thể thấy, người tiến hành tố tụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 của Luật TTHS năm 2003 hoàn toàn có sự trùng khớp với danh sách người tiến hành tố tụng được liệt kê tại Điều 14 luật này..

2. Khái niệm người tham gia tố tụng.

Theo quy định tại BLTTHS 2003 thì ta có thể chia người tham gia tố tụng thành hai nhóm là:

- Thứ nhất, người tham gia tố tụng có quyền và lợi ích pháp lí liên quan đến vụ án, bao gồm: Bị can, bị cáo; Người bị tạm giữ; Người bào chữa; Người bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người bảo vệ quyền lợi của đương sự 

- Thứ hai, nhóm người tham gia tố tụng theo nghĩa vụ bao gồm: Người làm chứng; Người giám định; Người phiên dịch 

Mặc dù có nhiều người tham gia tố tụng, tuy nhiên Luật TTHS năm 2003 chỉ yêu cầu 2 chủ thể phải đảm bảo sự vô tư khi tham gia hoạt động tố tụng là người phiên dịch và người giám định. 

Người giám định là người có kiến thức cần thiết về lĩnh vực cần giám định được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu. Người phiên dịch là người biết các ngôn ngữ khác và có khả năng dịch ra được tiếng Việt được các cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu trong trường hợp người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt.

Sở dĩ những người này phải đảm bảo sự vô tư khi tham gia tố tụng bởi hành vi và kết quả từ hành vi của hai chủ thể này có vai trò quan trọng trong việc xác định sự thật vụ án, do đó yêu cầu các chủ thể này phải đảm bảo vô tư trong hoạt động của mình. Mặt khác các chủ thể này không có quyền lợi bị tác động trực tiếp bởi tội phạm nên có thể đặt ra yêu cầu về sự khách quan đối với các chủ thể này, khác với các chủ thể ở nhóm thứ nhất, khó có thể đặt ra yêu cầu về sự vô tư ở nhóm chủ thể này .

II.MỤC ĐÍCH QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC.

Hoạt động tố tụng hình sự là sự tổng hợp của các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình . Nội dung chính của hoạt động tố tụng hình sự là xác định sự thật khách quan từ một vụ việc trong thực tế trên thực tế, từ đó đưa ra hướng xử lý thích hợp với từng chủ thể, đối tượng trong sự việc. Hoạt động tố tụng hình sự có ảnh hưởng lớn đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động này. 

Đối với bị can, bị cáo, kết quả từ hoạt động tố tụng có tác động đến các quyền cơ bản của công dân của các chủ thể này. Các chủ thể này có thể bị tước đoạt quyền tự do thân thể, tài sản, thậm chí là quyền sống, danh dự… từ kết quả của hoạt động tố tụng hình sự.Trong khi đó với người bị hại, người có quyền và lợi ích liên quan, việc giải quyết các vụ án hình sự thông qua thủ tục tố tụng hình sự có ý nghĩa đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể này trước pháp luật.

Việc xác định được sự thật khách quan của vụ án, giải quyết vụ án đúng người đúng tội sẽ tránh được oan sai cho người phạm tội, bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể khác đã bị xâm hại bởi hành vi phạm tội. Trên cơ sở đó thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Luật tố tụng hình sự là “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” 

Sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng là một trong những điều kiện quan trọng có tính chất quyết định để xác định sự thật từ vụ án và  giải quyết vụ án một cách khách quan không làm oan người vô tội và để lọt người tội phạm. Mục đích của việc quy định nguyên tắc này là nhằm :

- Đảm bảo sự công bằng , đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên . Người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng nếu đảm bảo được sự khách quan vô tư thì sự thật vụ án sẽ được xác định đúng đắn , khách quan, chính xác , bảo đảm sự công bằng của pháp luật. Nguyên tắc bảo đảm sự vô tư  của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố  tụng được coi yêu cầu thiết yếu để có được tính chính xác, khách quan của hoạt động tố tụng hình sự . Sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch là một  yêu cầu không thể thiếu để có thể xác định sự thật khách quan của vụ án, xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội nhưng đồng thời không làm oan người vô tội.

- Đảm bảo được uy tín của đội ngũ áp dụng pháp luật . Tạo điều kiện mở rộng và phổ biến hơn nữa công tác dân chủ hóa quá trình tố tụng. Là cơ sở để tạo niềm tin của quẩn chúng nhân dân vào pháp luật , vào sự công bằng vào ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ pháp luật. Hiệu quả của nguyên tắc không chỉ là kết quả của việc công lý được thực thi. Quan trọng hơn là việc cộng đồng xã hội phải có niềm tin rằng công lý đã hoặc sẽ phải được thực thi. Niềm tin này chỉ có được khi những người thực thi công lý phải hành động một cách vô tư, chỉ dựa trên pháp luật và sự việc khách  quan. Chính vì điều này, trong nhiều trường hợp, yêu cầu đảm bảo sự vô tư không chỉ nhằm hướng tới một sự vô tư thực tế của hoạt động tư pháp, mà còn hướng tới sự tin tưởng của cộng đồng, nhằm loại bỏ mọi nghi ngờ có thể về sự vô tư đó.

- Khắc phục những tiêu cực ,quan liêu , tình trạng cá nhân chủ nghĩa ,không vô tư trong  hoạt động tố tụng.

- Là điều kiên để thực hiện một số nguyên tắc đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa , đảm bảo sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật , xác định sự thật vụ án , đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo ,nguyên tác thẩm phán và hội thểm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật…

Chính vì lẽ đó, đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự Việt Nam..

II. NỘI DUNG NGUYÊN TẮC.

Những người tiến hành tố tụng,người phiên dịch, người giám định  phải giữ được sự vô tư trong khi làm nhiệm vụ của mình trong mọi trường hợp.Họ phải tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp luật ,tiến hành công việc của mình với thái độ thật sự công tâm,khách quan vô tư không được để những quan hệ ,những tình cảm cá nhân chi phối vào công việc.Không được có thái độ thiên vị hay định kiến đối với bất kỳ người tham gia tố tụng nào 

Như đã trình bày ở trên, vô tư được hiểu là không nghĩ đến các lợi ích riêng tư và không thiên vị ai cả. Trong đó việc không nghĩ đến các lợi ích riêng tư có ý nghĩa quyết định đến vấn đề đối xử thiên vị.

Người tiến hành tố tụng hay người tham gia tố tụng với tư cách là người giám định, người phiên dịch, trước hết đều là những cá nhân trong xã hội. Mọi cá nhân trong xã hội, khi thực hiện bất kỳ hoạt động gì đều hướng đến những lợi ích nhất định, có thể là về vật chất, có thể là về tinh thần. Các lợi ích này, con người đạt được thông qua việc tham gia các quan hệ xã hội. Do đó việc vô tư trong tiến hành các hoạt động tố tụng thực chất là việc các chủ thể không để các lợi ích về vật chất và tinh thần mang tính cá nhân tác động đến hoạt động của mình.

Hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa và người giám định có thể bị tác động bởi các lợi ích vật chất. Các chủ thể khác có thể tác động vào nhu cầu vật chất của cá nhân để tác động đến các chủ thể này nhằm hướng các chủ thể này hoạt động theo ý mình. Hành vi này chính là hành vi đưa và nhận hối lộ theo quy định của pháp luật hình sự, tronghoạt động tố tụng hình sự, thường được gọi là “chạy án”. Ví dụ: Lê Văn Vân( trú xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn tham gia một vụ đánh bạc và bị công an huyện Nam Đàn bắt, dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào cuối tháng 11-2013 tại TAND huyện Nam Đàn. Gia đình Vân đã hối lộ ông ông Phan Văn Quang - thẩm phán TAND huyện Nam Đàn – 20 triệu đồng để “chạy án”, ông Quang hứa là sẽ giảm án cho bị cáo. Ông Quang đang nhận tiền thì bị bắt ngày 25/11/2013. Được biết khi khám xét phòng làm việc của ông Quang, cơ quan điều tra đã thu được nhiều phong bì chưa mở đề tên của người nhà một số bị can liên quan đến các phiên tòa, tổng số tiền kiểm đếm là 85 triệu đồng và nhiều vật chứng khác. 

Người tham gia tố tụng còn bị tác động bởi các yếu tố, lợi ích về tinh thần. Các yếu tố tinh thần ở đây bao gồm tình cảm và các quan niệm, quan điểm. Ngoài ra chưa kể đến quan hệ công tác mà các chủ thể này tham gia, luôn yêu cầu các chủ thể hoàn tiến hành hay tham gia hoạt động tố tụng với tư cách người phiên dịch, người giám định phải hoàn thành nhanh chóng, hiệu quả công việc điều này dẫn đến áp lực lớn cho các chủ thể này, khiến khi giải quyết vụ án theo hướng hoàn thành sớm, bất chấp thủ đoạn, kể cả dung bức cung nhục hình để hoàn thành sớm vụ việc theo hướng có lợi cho mình. Vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn ở Việt Yên Bắc Giang, gần đây là một vụ việc tiêu biểu.

Bên cạnh đó mỗi cá nhân khi tham gia quá trình tố tụng đều giữ trong mình cái tôi cá nhân- ở đây được hiểu là những quan điểm, quan niệm mang tính cá nhân tồn tại một cách lâu dài trong suy nghĩ của mình, mang tính chất như định kiến. Những điều này sẽ tri phối đến hoạt động của các chủ thể tiến hành tố tụng theo hướng khiến các hành vi tố tụng thỏa mãn các lợi ích tinh thần của chủ thể. Những điều này chính là căn nguyên của sự không vô tư trong hoạt động xét xử.

Nội dung nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tiến hành tố tụng với tư cách là người giám định, người phiên dịch ở đây chính là việc những chủ thể này không để các lời ích về vật chất và tinh thần, các định kiến, suy nghĩ cá nhân nêu trên tác động đến, khiến hành vi tố tụng mà họ thực hiện mang tính chất thiên vị, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng đến nội dung vụ án. Làm được điều này, các chủ thể ấy mới thực sự có thể công tâm xem xét và xử lý vụ việc dựa trên thực tế khách quan, đảm bảo pháp chế và công bình trong xã hội.

2. Nếu có lý do xác đáng để cho rằng người tham gia tố tụng có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, họ sẽ không được tiến hành hoặc tham gia hoạt động tố tụng, bản thân họ sẽ phải từ chối tiến hành hoặc tham gia hoạt động tố tụng và bị đề nghị thay đổi.

Cụ thể hóa nội dung này pháp luật Việt Nam buộc những chủ thể trên phải từ chối tham gia hoạt động tố tụng hoặc có thể bị yêu cầu thay đổi trong các trường hợp sau đây :

Thứ nhất, họ đồng thời là người bị hại,nguyên đơn dân sự ,bị đơn dân sự,người có quyền lợi,nghĩa vụ liên quan đến vụ án;là người  đại diện hợp pháp,người thân thích của những người đó hoặc của bị can bị cáo:

Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán, Tòa an Nhân dân Tối cao xác định người thân thích ở đây bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại của một trong những người trên đây; là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; là cháu ruột mà họ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột. 

Thứ hai, người tiến hành tố tụng đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng,người giám định,người phiên dịch trong vụ án đó, hoặc ngược lại, người tham gia tố tụng tham gia hoạt động tố tụng với tư cách người tiến hành tố tụng ( Điểm b Khoản 4 Điều 60, Điểm b Khoản 3 Điều 61); cá nhân đồng thời đảm nhiệm hai tư cách tiến hành tố tụng khác nhau. Nguyên tắc này còn có tên khác là nguyên tắc “bất khả kiêm nhiệm”. Do mỗi chức danh tư pháp trong hoạt động có một nhiệm vụ, vai trò riêng mang tính chế ước với nhau nên không thể kiêm nhiệm được, việc kiêm nhiệm sẽ gây ra tình trạng không vô tư, không khách quan khi giải quyết vụ việc.

Ví dụ: Người làm chứng,người giám định là những người tham gia tố tụng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết đúng vụ án .Những người này không thể đồng thời là người tố tụng trong một vụ án bởi họ vừa là người cung cấp chứng cứ,vừa là người thu thập kiểm tra ,đánh giá chứng cứ đó vì vậy sẽ không đảm bảo tính khách quan ,sự thật của vụ án.

Thứ ba là có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao  giải thích:”Có căn cứ khác để cho rằng họ không vô tư khi làm nhiệm vụ là ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1,khoản 2  điều 42 của bộ luật tố tụng hình sự  thì trong các trường hợp khác (như trong quan hệ tình cảm ,quan hệ thông gia,quan hệ công tác,quan hệ kinh tế…) có căn cứ rõ ràng khác để khẳng định Thẩm phán ,Hội thẩm, thư ký tòa án không  thể vô tư trong khi làm nhiệm vụ .Ví dụ  Hội thẩm là anh em kết nghĩa của bị can,bị cáo ,thẩm phán là con rể của bị cáo…mà có căn cứ rõ ràng chứng minh giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nhau ,có quan hệ kinh tế …

Cũng được coi là căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng mọt phiên tòa xét xử vụ án hình sự nếu Kiểm sát viên,thẩm phán,hội thẩm nhân dân,thư ký tòa án  là người thân thiết của nhau” .

Người thân thiết là người có quan hệ : vợ chồng,cha đẻ,mẹ đẻ,cha nuôi ,mẹ nuôi,ông nội bà nội,ông ngoại bà  ngoại,anh chị em ruột,cụ nội ,cụ ngoại ,cô dì chú bác ruột của những người trên .

Ngoài ra đối với người tiến hành tố tụng còn được quy định vào các căn cứ khác của pháp luật ví dụ tại khoản 1 điều 44  Thay đổi điều tra viên,kiểm sát viên khoản 1 điều 45…

3.Việc bảo đảm thực hiên  nguyên tắc này là điều kiện cần thiết để thực hiên  một số nguyên tắc cơ bản khác của tố tụng hình sự như nguyên tắc đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa,đảm bảo quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật ,xác định sự thật của vụ án ,đảm bảo quyền bào chữa của bị can,bị cáo …Có thể nói nguyên tắc này là đòi hỏi pháp lý chi phối mọi hoạt động của những người tiến hành tố tụng. 

Chỉ khi người tiến hành tố tụng tham gia hoạt động tố tụng một cách công minh thì sự thật vụ án mới được xác định,trên cơ sở đó mới có thể xử lý nghiêm hành vi phạm tội theo hướng đúng người đúng tội , không bỏ lọt tội phạm, từ đó đảm bảo được pháp chế XHCN trong hoạt động tố tụng hình sự nói riêng và xã hội nói chung.

Mặt khác, chỉ khi nào các chủ thể là cá nhân tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ của mình một cách vô tư thì nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật mới được thực hiện trong thực tế.

Tựu chung lại, nguyên tắc đảm bảo vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các nguyên tắc cơ bản khác của Luật tố tụng hình sự Việt Nam. Mặt khác các nguyên tắc này cũng có giá trị tương hỗ với nguyên tắc vô tư, là điều kiện để đảm bảo thực hiện nguyên tắc này trong thực tế.

IV. ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC.

Một là, cần có những quy định pháp luật để điều chỉnh vấn đề này, những quy định pháp luật này phải đầy đủ, rõ ràng, thống nhất để làm cơ sở cho việc thực hiện nguyên tắc.

Pháp luật Tố tụng hình sự nói riêng và pháp luật hình sự nói chung đã xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật tương đối hoàn chỉnh để đảm bảo cho việc thực hiện nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người phiên dịch, người giám định. 

Trong Luật tố tụng hình sự, các quy định về thay đổi người tiến hành tố tụng và người giám định, người phiên dịch đã được quy định chi tiết tại các điều điều 42,điều 43,điều 44,điều 45,điều 46,điều 47,điều 60,điều 61. Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 cũng đã dành hẳn một chương về các tội phạm về chức vụ và các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp để làm cơ sở pháp lý cho các hành vi vi phạm hoạt động tư pháp nói chung, tố tụng hình sự nói riêng xuất phát từ động cơ tư lợi, thiếu vô tư. Ngoài ra còn có nhiều văn bản dưới luật khác đề cập đến vấn đề này.

Tuy nhiên, những quy định của pháp luật về vấn đề này trên thực tế còn nhiều hạn chế, tính khả thi không cao, nhiều vấn đề còn chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng, thống nhất.

Ví dụ: Bộ luật Tố tụng hình sự quy định ngoài cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng quy định tại điều 33, 60, 61 còn có các cơ quan khác được tiến hành một số hoạt động tố tụng theo điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự như: Bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển và các cơ quan khác của công an nhân dân, quân đội nhân dân. Khi tiến hành các hoạt động tố tụng họ cũng cần tuân theo các quy định để đảm bảo sự vô tư khi tiến hành hoạt động tố tụng. Tuy nhiên pháp luật hiện nay lại không có quy định về trách nhiệm đảm bảo sự vô tư đối với những chủ thể này.

Hoặc như tại Điểm 4 Nghị quyết số 03/2004/ NQ-HĐTP giải thích những người thân thiết là người có quan hệ : vợ chồng,cha đẻ,mẹ đẻ,cha nuôi ,mẹ nuôi,ông nội bà nội,ông ngoại bà  ngoại,anh chị em ruột,cụ nội ,cụ ngoại ,cô dì chú bác ruột với các người tiến hành tố tụng hay người phiên dịch, người giám định. Quy định trên vẫn chưa liệt kê hết những đối tượng có quan hệ thân thiết khác như con dâu, con rể, cháu nội ngoại… đây là những hạn chế cần khắc phục để hoàn thiện hơn nữa chế định này.

Hai là khiến cho những người tiến hành tố tụng và người tham gia tiến hành tố tụng nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động, tự giác từ chối tiến hành hoặc tham gia tố tụng nếu thuộc một trong các trường hợp luật định, không bị tác động bởi các lợi ích vật chất từ các bên liên quan trong quan hệ tố tụng.

Để thực hiện điều này bên cạnh việc xây dựng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và quan triệt các quy tắc này cho các chủ thể tiến hành tố tụng, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các chủ này, nhà nước cần có các chính sách nhằm đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức nói chung trong hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng để ngăn chặn việc các chủ thể này bị mua chuộc, vì lợi ích vật chất mà không thực hiện đúng, đầy đủ chức năng của mình.

Cuối cùng cần có những quy định của pháp luật đảm bảo tranh tụng dân chủ tại phiên tòa, tăng cường năng lực giám sát của công dân, các tổ chức chính trị- xã hội đối với các hoạt động tư pháp nói chung,  của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng nói riêng, phát hiện sớm và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi lôi kéo, mua chuộc những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tiến hành tố tụng.

Các điều kiện trên phải được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện thì mới có thể làm cơ sở cho việc thực hiện hiệu quả nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng với tư cách người giám định, người phiên dịch.

KẾT LUẬN.

Từ những trình bày trên ta có thể thấy , đảm bảo sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng là một nguyên tắc quan trọng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng và có mối quan hệ biện chứng với các nguyên tắc khác của pháp luật tố tụng hình sự. Tìm hiểu về nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu không chỉ các nội dung khác trong pháp luật tố tụng hình sự nói riêng, mà con có ý nghĩa trong việc nghiên cứu các lĩnh vực khoa học pháp lý liên quan khác nói chung.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.

Sách:

1.Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật TTHS Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2013.

2.Võ Khánh Vinh (chủ biên), Bình luận khoa học BLTTHS năm 2003, Nxb. CAND, Hà Nội, 2004.

3. Trần Thu Hạnh, Nghiên cứu khái quát về nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong tố tụng hình sự, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học, Tập 29 số 1 (2013), Hà Nội, trg 27-41.

4. Viện ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng- Trung tâm từ điển học, Hà Nội-Đà Nẵng, 2003

Văn bản quy phạm pháp luật:

1.Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

2.Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.

3.Nghị quyết số 03/2004/NQ-HĐTP ngày 02/10/2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét