Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Phân tích cơ cấu tổ chức chính quyền trung ương của nhà nước phong kiến Việt Nam thời kì Lê – Trịnh

Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam.

Chính quyền Lê-Trịnh là lưỡng chế điển hình trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, điển hình về độ dài của thời gian tồn tại suốt hai thế kỉ, điển hình cả về độ sâu của các yếu tố cấu thành một tổ chức chính quyền ở Việt Nam. Chế độ lưỡng đầu Lê - Trịnh là chính quyền của hai dòng họ - hai thế lực phong kiến lớn, vừa phải dựa vào nhau để trị nước quản dân, vừa mâu thuẫn với nhau về quyền lực và quyền lợi. Để hiểu rõ về cơ cấu tổ chức chính quyền sau đây em xin chọn đề : “ Phân tích cơ cấu tổ chức chính quyền trung ương của nhà nước phong kiến Việt Nam thời kì Lê – Trịnh.”

NỘI DUNG

I. VAI TRÒ, ĐỊA VỊ VÀ QUYỀN HẠN CỦA VUA LÊ – CHÚA TRỊNH

1. Về tước vị và địa vị giữa vua và chúa.

Bắt đầu từ năm 1600 trở đi, vua phong vương cho chúa. Vương ở đây không phải là vua, nó chỉ là một tước vị cao nhất vì trên danh nghĩa chỉ có Hoàng đế mới được coi là vị vua độc tôn duy nhất và có niên hiệu, trong khi đó vương chỉ là bề tôi của nhà vua. 

Sau này tất cả bài chiếu lên ngôi vua của vua Lê đều có một kết luận: Nhà vua kế thừa sự nghiệp của tổ tông, lên ngôi báu để giữ gìn tông miếu xã tắc, phát huy đức độ, thừa hưởng và bảo tồn uy phúc của tổ tiên. Còn việc trị quốc an dân, nhà vua hoàn toàn nhờ cậy Trịnh Vương.

2. Về quyền hành giữa vua và chúa

• Trong lĩnh vực lập pháp

Không chỉ vua Lê mà chúa Trịnh cũng có quyền lập pháp. Nhà vua chỉ ban hành những văn bản có tính chất định khung, quy định những nguyên tắc chung, dưới hình thức dụ hay sắc dụ hoặc chỉ chiếu. Chúa được ban hành Lệnh, lệ, dụ, chỉ hoặc chỉ truyền. Như vậy xét về tính chất văn bản pháp luật văn bản thời kì này cho ta thấy giữa chúng không có sự xung đột hay chồng chéo, sự phân định thẩm quyền tương đối rõ ràng , sự quy dịnh như vậy cũng cho thấy rất rõ tính chất để quyền của nhà vua và tính chất thực quyền của chúa, hay còn nói cách khác nhà Lê trị vì và chúa Trịnh cai trị.

• Trong lĩnh vực hành pháp

Về việc tuyển bổ, thăng, giáng, ban phẩm hàm, nếu chức từ tam phẩm trở lên thì thuộc thẩm quyền của vua Lê, còn chức từ tứ phẩm trở xuống và những quan ngoại nhiệm là thuộc quyền của chúa.Tuy vậy trong thực tế , chúa Trịnh mới là người đứng đầu và điều hành nền hành chính quốc gia. Với chức Tổng quốc chính do vua Lê phong thì chúa Trịnh có quyền ban hành lệnh dụ, chỉ truyền cho các quan chức thi hành mệnh lệnh của nhà chúa.

Như vậy, trong lĩnh vực hành chính, trên danh nghĩa vua có quyền lớn hơn chúa nhưng thực tế chúa là người có thực quyền.

• Trong lĩnh vực tư pháp

Theo đạo Dụ năm 1645 đời vua Chân Tông, đạo Dụ năm 1718 đời vua Dụ Tông và bộ Quốc triều khám tụng điều lệ(1) …các vụ án đã được các cấp địa phương xét xử nhưng vẫn còn chống án thì ngự sử của triều đình bên vua xét phúc thẩm. Nếu đương sự còn thấy oan ức thì có thể kêu sang phủ chúa, còn vua Lê chỉ có chức năng ban bố đại xá, đặc xá.

• Trong lĩnh vực quân sự.

Với chức đại nguyên soái, chúa Trịnh được vua Lê chính thức là người đứng đầu quân đội trong cả nước có quyền tuyển bổ tướng lĩnh, điều động quân đội, giữ gìn an ninh trật tự trong nước.

• Trong lĩnh vực tài chính, thuế khóa, ngoại giao

Trong cơ cấu của Lục phiên có Hội Phiên là cơ quan được ra đời trông coi việc thu thuế trong cả nước và việc chi tiêu của Phủ Liêu. Từ năm 1718, lúc này Phủ Liêu mới có được quyền ấn định mọi chi tiêu và chính sách tài chính quốc gia.

• Trong lĩnh vực thần quyền

Vua Lê vẫn được coi là người đứng đầu bách thần trong cả nước và có toàn quyền phong sắc cho thần thánh

Nhìn chung lại, chúa Trịnh nắm hầu hết quyền hành cai trị đất nước, còn vua vua Lê chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN TRUNG ƯƠNG CỦA NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN VIỆT NAM THỜI LÊ- TRỊNH

Về hình thức, triều đình vua Lê vẫn được tổ chức theo mô hình thời Lê sơ bao gồm các quan đại thần, Lục Bộ, Lục Khoa, Lục Tự và các cơ quan khác. Các cơ quan này, về cơ bản, vẫn có cơ cấu tổ chức và chức năng như trước đây nhưng quyền hạn ngày càng bị hạn chế bởi các cơ quan bên phủ chúa.

Chỉ với danh nghĩa thần tử chúa Trịnh đã thâu tóm mọi quyền hành của vua Lê. Song, để đảm bảo địa vị của mình, chúa Trịnh còn lập ra Phủ đường (Phủ liêu) trong thế đối sánh với Triều đình nhà Lê. Tuy cùng thực hiện chung một nhiệm vụ, nhưng các cơ quan bên cung vua và bên phủ chúa lại không hề có sự chống chéo, dẫm chân lên nhau; mà ngược lại chúng luôn có sự phân công rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng khi triển khai công việc.

Sơ đồ 1: Tổ chức bộ máy hành chính trung ương thời Lê – Trịnh

1. Triều đình và Phủ đường

Triều đình là nơi dự bàn quốc sự của đại thần văn võ bá quan. Chính vì thế, cách bài trí cũng như những nghi thức cử hành nơi triều đường luôn trang trọng, thể hiện vẻ tôn nghiêm và quyền uy của Hoàng đế. 

Phủ đường là nơi chúa Trịnh tụ họp các đại thần để luận bàn những việc quân quốc trọng sự và điều hành toàn bộ hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Dưới thời Trung hưng, các chúa Trịnh trực tiếp nắm quyền điều động Ngũ phủ quân, thường xuyên hội họp các tướng sĩ và các đại thần để bàn việc quân cơ nên nơi ấy thường được gọi là Phủ đường. 

2. Các văn thư phòng

Để giúp triển khai các công việc của Triều đình và Phủ đường, chính quyền Lê – Trịnh cùng lúc duy trì ba loại cơ quan văn phòng ở trung ương: các văn thư phòng giúp việc Hoàng đế gồm Thông chính ty, Bí thư giám và Hoàng môn sảnh; các văn thư phòng giúp việc nhà chúa gồm Phủ liêu, Bí thư các; và các văn thư phòng giúp việc chung cho cả vua và chúa là Hàn lâm viện, Đông các và Trung thư giám.

3. Lục bộ và Lục phiên

Đây là loại cơ quan cơ bản của Triều đình và của Phủ chúa. Chúng thể hiện rõ nhất sự phân định cơ cấu quyền hạn giữa hai bên. Theo Đại việt sử ký tục biên, cuối năm 1718, “bắt đầu đặt lục phiên. Theo chế độ cũ thì phủ chúa chỉ có ba phiên binh, hộ, thủy sư, dùng hơn trăm tướng thuộc lại làm việc. Đến nay mới đặt làm 6 phiên: lại, hộ, lễ, binh, hình, công”. Như vậy, cạnh Lục bộ của triều đình, chúa Trịnh mới đặt tam phiên bên phủ chúa (Hộ phiên, Binh phiên, Thủy sư phiên).

4. Các cơ quan chuyên môn

Để thực hiện các công việc ngoài trách nhiệm của Lục bộ và Lục phiên, triều Lê – Trịnh tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ quan chuyên môn, gồm: Quốc sử giám, Quốc sử viện, Tư thiên giám, Hà đê sứ và các sở về nông nghiệp…  Bên cạnh đó, noi theo quan chế thời Trần, triều Trung hưng lập Tôn nhân phủ chuyên việc khảo xét tài năng, phẩm hạnh của những người trong tôn thất để đưa sang bộ Lại chọn bổ và chuyên việc khám hỏi các vụ kiện trong hoàng gia. Đứng đầu tôn nhân phủ là một viên Tôn nhân lệnh, giúp việc có hai viên Tả hữu Tôn chánh, một viên Thủ lĩnh và một viên Kiểm hiệu.

III. LIÊN HỆ, SO SÁNH VỚI CƠ CẤU TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC TRẦN, HỒ, MẠC.

Cơ cấu tổ chức thời kì nhà Trần, Hồ, Mạc và vua Lê-chúa Trịnh có nhiều điểm tương đồng với nhau:

Thứ nhất, nhà nước có hai người đứng đầu, cùng điều hành đất nước: Dưới thời Trần, Hồ, Mạc thì hai người đứng đầu nhà nước phong kiến là Thượng hoàng và Hoàng đế (vua). Đây được xem như là hai vị vua cùng điều hành đất nước trên cơ sở Vua cha nhường ngôi cho con để làm Thượng hoàng nhưng vẫn nắm một số quyền tối cao như quyền giám sát đối với việc trị nước của vua con, thái tử lên ngôi vua và cai trị đất nước dưới sự hướng dẫn, chỉ dạy và giám sát của vua cha. Thời kỳ Lê-Trịnh, hai người đứng đầu là Vua Lê và Chúa Trịnh. Mặc dù về danh phận thì Chúa là người giúp việc cho vua nhưng thực tế công việc điều hành đất nước là do cả vua và chúa cùng phối hợp thực hiện. Thậm chí có những công việc như tổng chỉ huy quân đội, vua Lê giao phó cho Chúa có toàn quyền quyết định mà không cần thông qua nhà vua. 

Thứ hai, thể chế lưỡng đầu là kết quả của quá trình liên kết lực lượng nhằm duy trì sự ổn định của đất nước. Dưới thời Trần, Hồ, Mạc, mối liên kết này thể hiện sự đồng lòng nhất trí trong dòng họ trị vì đất nước nhằm giữ vững ngôi vua và tập hợp lực lượng chống ngoại xâm. Thời Lê-Trịnh, nguyên nhân chủ yếu là sự suy yếu của nhà Lê khiến cho cuộc chiến giành quyền lực giữa các phe phái phong kiến diễn ra quyết liệt, đất nước bị chia cắt. Họ Trịnh nổi lên là một thế lực mạnh và việc liên kết giữa Vua Lê với Chúa Trịnh đã tập hợp được lòng dân cùng hướng về vua Lê, qua đó dần dẹp yên được các cuộc tranh đoạt quyền lực, duy trì sự ổn định của đất nước.

KẾT LUẬN

Có thể nói, cơ cấu tổ chức chính quyền trung ương của nhà nước phong kiến Việt Nam thời kì vua Lê – chúa Trịnh phát triển khá toàn diện và phù hợp với hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Nếu xét về phương diện tổ chức bộ máy nhà nước, đây là hiện tượng đặc sắc nhất của thờ kì thế kỉ XVI – XVIII đồng thời cũng là một trong số những hiện tượng độc đáo trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Gíao trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, Trường đại học Luật Hà Nội,NXB CAND
2. Gíao trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, Trường đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Đại Việt Sử Kí Toàn thư, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1993.
4. Đại cương lịch sử Việt Nam. Tác giả: Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn(chủ biên). Nhà xuất bản Gíao dục, Hà Nội năm 2004
5. Nguyễn Văn Động, Tổ chức bộ máy nhà nước ở trung ương thời vua Lê – chúa Trịnh (1599 – 1788)//Nghiên cứu về hệ thống pháp luật Việt Nam thế kỷ XV – thế kỷ XVIII, NXB khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
6. . Bùi xuân Đính, Nhà nước và pháp luật thời phong kiến Việt Nam, NXB Pháp lý, Hà Nội, 2005.

7. Nguyễn Minh Tuấn, tổ chức chính quyền trung ương thời vua Lê – chúa Trịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét